Lục Yên: Thêm nhiều tuyến đường của “ý Đảng, lòng dân”
- Cập nhật: Thứ năm, 27/8/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Những năm gần đây, công tác phát triển giao thông nông thôn (GTNT) luôn được cấp uỷ, chính quyền huyện Lục Yên (Yên Bái) đặc biệt quan tâm. Với các biện pháp tổ chức thực hiện hiệu quả, đặc biệt là việc phát huy vai trò của cấp uỷ, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân cùng chung sức với Nhà nước làm đường, GTNT huyện Lục Yên đã và đang từng ngày được cải tạo, mở rộng và bê tông hoá.
Nông dân huyện Lục Yên tu sửa đường liên thôn, liên xã.
|
Người dân nhiệt tình hưởng ứng nên hàng năm số lượng các tuyến đường dân sinh, đường nội đồng được sửa chữa, nâng cấp, bê tông hoá luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra. 7 tháng đầu năm 2009, Lục Yên đã làm 18,225 km đường GTNT, trong đó có 13,375 km đường bê tông, 0,9 km đường đá dăm, 2 cây cầu và 3,85 km đường đất mở mới.
Ông Nguyễn Nguyên Đúng - Phó trưởng phòng Công thương huyện Lục Yên cho biết: “Để đạt được những kết quả đó, ngay từ đầu năm UBND huyện đã chỉ đạo chính quyền các địa phương khẩn trương rà soát, lập dự toán, xây dựng kế hoạch, phương thức vận động để người dân cùng tham gia. Cách thức tổ chức triển khai được tiến hành chặt chẽ, tại các xã, thị trấn, chỉ khi nào tất cả người dân cùng bàn bạc đi đến thống nhất làm đường thì chúng tôi mới cho triển khai các thủ tục tiếp theo.
Trong quá trình thực hiện, huyện cũng tăng cường chỉ đạo các địa phương phải thực hiện minh bạch tất cả các khoản đóng góp, đấu thầu công khai, ưu tiên cho nhân dân các xã, thị trấn hay các tổ chức, đoàn thể nơi có đường đi qua đảm nhiệm các phần việc thi công, từ đó cắt giảm đáng kể các khoản chi phí phát sinh kèm theo, nâng cao hiệu quả quản lý cũng như sử dụng của tuyến đường”.
Tháng 7 đến thăm xã Mai Sơn, người dân các thôn Sơn Tây, Sơn Thượng và Đá Năm vẫn nô nức cùng với cấp uỷ, chính quyền địa phương làm gần 1 km đường bê tông. Tổng kinh phí là 523 triệu, trong đó người dân góp tiền, công đào đắp nền đường, khuôn, lề đường, cống rãnh, đổ dầm bê tông, vật liệu... trị giá ước đạt trên 200 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Tĩnh - Phó chủ tịch UBND xã Mai Sơn cho biết: “Trước đây việc đi lại của người dân trên đoạn đường Sơn Tây- Sơn Thượng gặp rất nhiều khó khăn. Vào mùa mưa, đường lầy lội, trơn trượt nên việc buôn bán, vận chuyển hàng hoá nông sản và đi lại học hành của các cháu bị ảnh hưởng rất nhiều. Chỉ có hơn 1km những giá thu mua các loại hàng nông sản tại khu vực bên trong luôn chênh lệch với bên ngoài từ 2 – 3 giá. Đầu năm 2009, được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ làm đường, người dân Mai Sơn chúng tôi vui lắm!”.
Để con đường được hoàn thành, bình quân mỗi hộ phải góp từ 150.000 – 180.000 đồng song tất cả đều nhiệt tình đóng góp. Người dân Mai Sơn bây giờ đều hiểu rất rõ những lợi ích của việc phát triển giao thông nông thôn. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục làm 700m đường bê tông tại làng văn hoá Sơn Bắc; kiên cố hoá 1km kênh mương nội đồng và làm cống, rãnh, mặt đường tại khu vực thôn Trung Tâm. Để người dân hiểu và tích cực tham gia là mấu chốt của vấn đề nên ngay sau khi nhận được dự án. Mai Sơn đã nhanh chóng thành lập các ban quản lý, giám sát thi công công trình, tổ chức hội nghị tại các thôn để người dân tự suy nghĩ, bàn bạc quyết định có làm hay không? Mức đóng góp như thế nào? và phân công nhiệm vụ, hướng dẫn kỹ thuật thi công cho người dân.
Nét mới quyết định thành công trong phát triển giao thông tại Mai Sơn đó là, xã đã thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả của các ban chỉ huy công trường tại các thôn. Thông qua các ban quản lý này, người dân có thể tham gia giám sát tất cả mọi hoạt động từ khi nhập vật liệu đầu vào đến quá trình thi công, hạn chế tối đa những khúc mắc về tiền công, chi phí xây dựng. Đối với những hộ có hoàn cảnh khó khăn, chưa thể thực hiện đóng góp theo quy định. UBND xã đã đứng ra bảo lãnh, tuyên truyền vận động nhân dân tạo điều kiện cho nợ lại, khi nào thu hoạch hoa mầu sẽ tiếp tục nộp bổ sung, góp bằng ngày công lao động hay vật liệu xây dựng các loại. Như vậy, vừa bảo đảm được tính công bằng giữa các hộ được hưởng lợi vừa giúp các hộ gia đình có thu nhập thấp giảm bớt 1 phần khó khăn mà vẫn bảo đảm tiến độ công trình đúng kế hoạch.
Phát huy vai trò của cấp uỷ, chính quyền cơ cở trong việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, tổ chức người dân cùng chung tay với Nhà nước làm đường giao thông nông thôn không chỉ được áp dụng tại riêng Mai Sơn mà đã trở thành kinh nghiệm chung của các xã: Liễu Đô, Mường Lai, Tô Mậu, Khánh Thiện, An Phú, Vĩnh Lạc... Giờ đây, đến với Lục Yên đâu đâu cũng thấy những con đường rộng rãi, phẳng phiu. Những con đường bê tông của “ý Đảng, lòng dân” đã và đang góp phần giúp Lục Yên ngày càng giàu đẹp và bền vững.
Đức Thành
Các tin khác
Năm 2009, UBND tỉnh Yên Bái quyết định hỗ trợ 30 tỷ đồng từ ngân sách của tỉnh cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trên lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp. Số kinh phí đã hỗ trợ cho sản xuất vụ đông xuân 2008 – 2009 là 11 tỷ 428 triệu đồng.
Ngày 26.8, Bộ NN-PTNT cho biết, từ 15.7 đến nay, giá đường trong nước liên tục tăng. Giá bán đường trắng loại I đã có thuế tại kho nhà máy cuối tháng 7 là 11.000đ/kg, đầu tháng 8 tăng lên trên 12.000đ/kg và hiện nay là 13.500 - 13.800đ/kg. Nguyên nhân là do giá trên thị trường thế giới tăng nhanh (từ 450 USD/tấn lên 590 USD/tấn đường trắng tại thị trường London), lượng đường nhập lậu giảm đáng kể khiến các nhà máy tăng giá.
Ông Đỗ Duy Thái, tổng giám đốc Công ty cổ phần Thép Việt (Pomina), cho biết kể từ ngày 27-8, giá thép của Pomina sẽ tăng 300.000 đồng/tấn, giữ mức 11,67 triệu đồng/tấn đối với thép cây, khoảng 11,42 triệu đồng/tấn đối với thép cuộn.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quy chế quản lý cụm công nghiệp (CCN), tạo khung pháp lý thống nhất về quy hoạch, thành lập, mở rộng, đầu tư và quản lý nhà nước đối với các CCN trên cả nước.