Cam Văn Chấn: Bao giờ thương hiệu mới được khẳng định?

  • Cập nhật: Thứ sáu, 28/8/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đã từ lâu cây cam luôn chiếm một vị trí quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, xoá đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân các xã vùng ngoài huyện Văn Chấn (Yên Bái). Với độ ngọt cao, vỏ mỏng, giá trị dinh dưỡng cao…, cam Văn Chấn đã và đang được người tiêu dùng khắp các tỉnh, thành phố trong nước ưa chuộng. Sản lượng cam ngày một tăng, song người trồng cam vẫn chưa thể yên tâm khi thời gian gần đây thị trường tiêu thụ luôn có nhiều biến động bất lợi.

Cam trĩu quả nhưng ông Trần Doãn Thung vẫn chưa thể yên tâm về một vụ bội thu.
Cam trĩu quả nhưng ông Trần Doãn Thung vẫn chưa thể yên tâm về một vụ bội thu.

Tình trạng đến vụ thu hoạch, các hộ gia đình trồng cam bị tư thương ép giá xảy ra ngày càng nhiều, tác động rất lớn đến quá trình sản xuất kinh doanh của bà con nhân dân. Để từng bước tháo gỡ những khó khăn và giúp người dân yên tâm sản xuất, UBND huyện đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành khảo sát, chuẩn bị các bước xây dựng thương hiệu cho cam Văn Chấn. Tuy nhiên, đến nay, công việc này vẫn rất khó khăn.

Thị trấn Nông trường Trần Phú là một trong những địa phương có diện tích, sản lượng, chất lượng cam cao nhất tại Văn Chấn. Bà Trần Thu Loan - Phó chủ tịch UBND thị trấn cho biết: “Hiện nay, thị trấn có 127 ha cam, quýt các loại, tập trung chủ yếu tại khu 8, khu 7 và khu 19/5. Năm 2008, bà con thu hoạch được 1850 tấn, giá trị ước đạt khoảng 7,4 tỷ đồng. Nhờ cây cam mà đời sống của người dân thị trấn Trần Phú ngày một khấm khá hơn. Đến nay, thị trấn chỉ còn 2,17 % hộ nghèo/ 1560 hộ, thu nhập bình quân đạt trên 8,5 triệu đồng/ người/ năm.

Tuy nhiên, những năm gần đây, do giá cam, quýt xuống thấp, sâu bệnh nhiều dẫn đến sản lượng giảm cộng với giá vật tư, phân bón, nguyên liệu đầu vào ngày càng tăng nên người dân trồng cam đang gặp rất nhiều khó khăn. Được mùa, trái chín bạt ngàn khắp vườn, song đây cũng chính là thời điểm người trồng cam lo nhất. Cam thì không thể giữ mãi ở trên cây mà giá thì thấp quá. Cực chẳng đã nên hiện nay không ít hộ gia đình đã chuyển đổi sang trồng các loại cây khác. Vì vậy, người trồng cam đang rất cần sự giúp đỡ của các cơ quan năng trong việc xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định, khi đó họ mới có thể yên tâm sản xuất kinh doanh”.

Thăm gia đình ông Trần Doãn Thung, tại khu 8, thị trấn Trần Phú - chủ vườn cam rộng khoảng 2 ha với gần 1000 gốc cam Đường Canh, cam sành và cam sen. Vụ vừa rồi, gia đình ông thu khoảng 30 tấn cam các loại. Với giá bán bình quân giá bán được khoảng 3.000 – 3.500 đ/ 1kg, ông Thung thu được gần 100 triệu đồng, trừ chi phí cũng lãi khoảng 50 – 60 triệu đồng. Lãi là vậy nhưng ông Thung vẫn không giấu được những nỗi lo âu. Ông cho biết, trồng cam thời buổi này khó lắm. Sâu bệnh nhiều, giá cả lại thấp, trồng trọt, chăm sóc cả năm trời mà lãi lời chẳng được bao.

Ở các tỉnh miền Nam có những trang trại cam thu tiền tỷ mỗi năm. Mình có thể học tập họ được không? - tôi hỏi. Ông Thung bảo rằng, trồng cam ở đâu cũng thế thôi, chủ yếu là phải trồng, chăm sóc và bảo quản đúng kỹ thuật. Nhưng trong đó, giá cao và ổn định hơn ngoài mình là do họ đã xây dựng được thương hiệu cho cây cam. Như ở bên Tuyên Quang người ta cũng vừa xây dựng thành công thương hiệu cho cam Hàm Yên. Chất lượng thì cũng tương đương như cam Văn Chấn, song nhờ có thương hiệu nên sức cạnh tranh và giá cả cao hơn. Trước đây, tỉnh và huyện cũng đã bàn đến việc xây dựng thương hiệu cho cam Văn Chấn nhưng lâu rồi cũng chưa thấy triển khai gì. Nếu trong thời gian tới, việc xây dựng thương hiệu tiếp tục được triển khai thành công, chắc chắn đời sống của bà con trồng cam sẽ khấm khá hơn nhiều.

Đem theo câu hỏi làm thế nào để xây dựng được thương hiệu cho cam Văn Chấn, chúng tôi được ông Hoàng Hữu Dũng - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Để tạo lập được thương hiệu, trước hết người dân phải bảo đảm thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật từ khâu tuyển chọn giống đến trồng, chăm sóc và bảo quản sau thu hoạch. Tiếp theo, người dân cũng phải thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật như nhân giống, phòng trừ sâu bệnh, rồi phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu xác định hàm lượng sinh dưỡng, độ ngọt, tên sản phẩm...

Yếu tố quan trọng nhất là phải thành lập được các hiệp hội để đứng ra quảng bá sản phẩm, liên doanh liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ. Chỉ khi nào, bà con thực hiện tốt được các vấn đề trên thì việc xây dựng thương hiệu cam mới có thể triển khai hiệu quả”. Tuy nhiên, do trình độ dân trí và năng lực canh tác của bà con ở các xã vùng cam còn thấp, các trang trại chủ yếu còn nhỏ, hướng phát triển chưa rõ ràng, mạnh ai nấy trồng cộng với chất lượng, kiểu dáng và sản lượng của các loại cam, quýt chưa cao, diện tích cam chất lượng cao còn thấp, nhiều hộ dân chưa chú trọng đến các quy trình trồng, chăm sóc… nên đến nay huyện Văn Chấn vẫn chưa thể triển khai được việc xây dựng thương hiệu. Trước mắt, để giúp bà con yên tâm sản xuất, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường hướng dẫn bà con thực hiện thí điểm cải tạo các giống cam cũ, những diện tích bị thoái hoá giống bằng giống cam Caracara.

Sau quá trình thí điểm nếu thấy loại cam này phù hợp với chất đất tại các xã vùng ngoài thì sẽ cho triển khai nhân rộng. Ngoài ra, huyện cũng tăng cường chỉ đạo đội ngũ cán bộ khuyến nông tích cực phối hợp với các cấp chính quyền địa phương mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản, phòng trừ sâu bệnh và xây dựng các mô hình trang trại chuyên canh.

Hiện nay, toàn huyện Văn Chấn có 3121 ha cam, quýt các loại, tập trung chủ yếu ở các xã vùng ngoài, sản lượng cam bình quân hàng năm đạt từ 5.000 – 5.500 tấn và ước đạt khoảng từ 50 – 70 tạ/ ha. Những lợi thế mà cây cam đem lại trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, xoá đói giảm nghèo tại Văn Chấn là rất rõ. Nhưng để quy hoạch và phát triển vùng cam một cách chuyên sâu, tránh manh mún, nhỏ lẻ và hình thức nên chăng người trồng cam Văn Chấn cần bắt tay nhau cùng xây dựng những mô hình chuyên canh có quy mô lớn? Từ đó, xác lập thương hiệu cam Văn Chấn trong đời sống sinh hoạt thường ngày để mọi người tiêu dùng.

Để thực hiện được mục tiêu đó, người trồng cam đang rất cần sự giúp đỡ nhiều hơn nữa của các nhà khoa học cũng như các nhà quản lý, tránh trường hợp những trái cam ngon ngọt Văn Chấn phải khoác lên mình thương hiệu của các loại cây khác mới được thị trường chấp nhận.

 Đức Thành

Các tin khác

YBĐT - Hiện huyện Văn Yên (Yên Bái) có 160 ha lúa mùa bị nhiễm sâu bệnh, trong đó có 74 ha bị bệnh vàng lá, đốm sọc vi khuẩn; 86 ha nhiễm bệnh khô vằn, bạc lá, sâu cuốn lá. Bệnh vàng lá và đốm sọc vi khuẩn nhiễm nặng ở giống lúa thuần chất lượng cao như Chiêm Hương, HT1.

Thép cuộn các loại tăng 300.000 đồng/tấn có giá từ 11,47 triệu đến 11,62 triệu đồng/tấn.

Ngày 27/8, ông Phạm Công Danh, Chuyên viên thị trường, Tổng công ty thép Việt Nam (VNSteel) cho biết VNSteel đã công bố tăng giá bán thép từ 100.000 đến 300.000 đồng/tấn tùy loại.

Hiện nay toàn xã Minh An chỉ còn 95ha cam, quýt nhưng phần lớn bị thoái hóa giống nên năng suất, chất lượng hàng hóa không cao.

YBĐT - Với 876 hộ, 3.295 nhân khẩu, 75,76 ha lúa, 36 ha ngô, 191,8 ha chè, 802,3 ha rừng kinh tế, 36 ha sắn, 95 ha cam, quýt và trên 9 ha rau màu các loại... song tỷ lệ hộ nghèo tại xã Minh An, huyện Văn Chấn (Yên Bái) luôn ở mức cao so với các xã trong huyện. Làm thế nào để phát huy những tiềm năng thế mạnh, tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân thoát nghèo bền vững đang là bài toán khó đối với cấp uỷ, chính quyền Minh An.

7 doanh nghiệp đã có công văn đề nghị Liên bộ Tài chính - Công Thương cho phép điều chỉnh giá bán lẻ mỗi lít xăng thêm ít nhất 1.000 đồng mỗi lít.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục