Những người hát trên sông
- Cập nhật: Thứ tư, 2/9/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Công trường xây dựng cầu Trái Hút - cây cầu có thiết kế hiện đại và đẹp nhất trong những cầu vượt sông Hồng ở Yên Bái những ngày tháng chín lịch sử sôi động tiếng máy, vang vang tiếng hát thợ cầu - tiếng hát ngợi ca quê hương 64 mùa thu cách mạng, ngợi ca ý chí và sức sáng tạo của con người dưới ánh sáng soi đường của Đảng và Bác kính yêu...
Khoan cọc nhồi trụ T2 công trình cầu Trái Hút.
|
Chiếc máy khoan cọc nhồi CK 2000 gọn gàng trên sàn đạo ngay cạnh mố Mo nện những tiếng búa thình thịch xuống lòng sông. Đội phó Đội công trình I - đơn vị chủ công của Công ty cổ phần Đạt Phương - Nguyễn Thế Huy đu lên ca bin rồi giới thiệu thợ bậc 6/7 Nguyễn Văn Châu đang điều khiển máy. Châu cười thật tươi: “Trụ T2 này ngon hơn trụ T3. 10 mũi tất cả, chúng tôi khoan xong một mũi rồi, phải làm ba ca liên tục, không nghỉ được!”.
Không thể ngừng nghỉ, lúc này phải tranh thủ thời gian hết mức vì bấm tay theo Đội phó Huy chỉ còn một con nước nữa là hết lo chuyện lũ nhưng thời tiết thì bất thường không thể chủ quan. Bên này bờ Hút, mố Mo đã thi công 5 cọc khoan nhồi, mỗi cọc đường kính cũng 1m, dài 10 m. Mo là hạng mục hoàn thành sớm nhất, tới giờ đã hoàn thiện bệ móng mố, tường thân và tường cánh, bệ kê gối. Đứng trên mố, có thể bao quát toàn cảnh công trường sôi động. Chàng trai tuổi đôi mươi ở thôn Trái Hút làm công nhân điều khiển thuyền máy cho công trường đưa chúng tôi sang sông.
Ngay trước mắt là trụ T3, chính là cái trụ mà ban nãy trên sàn đạo trụ T2 thợ máy Châu kêu là “ác” nhất. Vòng vây cọc thép kín bưng khu vực thi công, anh Lê Mạnh Hảo-phụ trách thi công đeo kính bảo hộ kín mắt, nước sông dâng ngang đầu gối, dừng tay khoan phá đầu cọc mỉm cười tiếp chúng tôi, vì bốn chiếc máy bơm chạy suốt ngày đêm hút nước và 5 máy khoan tay réo khó có thể hỏi chuyện, tâm tình. Anh Đức - cán bộ giám sát của Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải (Bộ Giao thông - Vận tải) cho biết: “Kết cấu địa chất hạng mục này rất phức tạp. Đá ngoàm sâu theo vỉa dưới lòng sông, nhà thầu phải huy động 5 máy khoan liên tục, tập trung nhân lực của hai đội thi công ròng 120 ngày mới thi công xong cọc, bệ móng trụ, thân trụ, xà mũ, bệ kê gối. Anh em đang khoan phá bê tông đầu cọc, tổng cộng 6 cọc khoan nhồi, đường kính 1m, dài 21,5 m”.
Tôi bám theo thang sắt, tụt xuống hiện trường vây kín cọc thép bì bọp nước dâng lên từ đáy sông. Ngó lên, trạm trộn bê tông ngất ngư tít bên kia bờ Hút. Trong tiếng máy ầm ầm, anh Hảo dừng tay, ghé sát: “Bê tông từ trạm trộn, anh em phải dùng thuyền máy chở sang. Vị chi cho trụ này là gần 300 m3 bê tông, trên 30.000 kg thép”. Phía trên trụ T3, các hạng mục mố M5, trụ T4 đang được khẩn trương thi công. Theo tổng hợp của Ban chỉ huy công trường: mố M5 đã thi công xong 5 cọc khoan nhồi, trụ T4 xong 4/6 cọc. Riêng chế tạo dầm, đã hoàn chỉnh 4 phiến dầm chữ I dự ứng lực, mỗi chiếc dài 33 m.
Giá trị khối lượng thi công, chủ yếu tập trung ở phần trên cầu – tức là những phần việc của năm 2010 nhưng vất vả nhất chính là những công việc mà thợ cầu làm hôm nay. Trong lán trại công trường, thợ cầu Đạt Phương tâm sự, khó khăn nhất là công trình thi công ở đoạn sông có độ dốc cao, kết cấu địa chất phức tạp. Lại chuyện về trụ T3, bắt tay thi công độ một tháng thì lũ về.
Để bắt kịp tiến độ, anh em đã huy động tới 5 máy khoan cùng làm việc, thợ cầu ngâm mình trong nước gia cố vòng vây cọc thép, máy chạy rình rịch suốt hai mươi bốn giờ, điện giăng sáng rực cả mặt sông. Chạy đua với thời gian thì vậy nhưng đưa 5 máy khoan vào thi công cũng sinh rối rắm, rất khó vận hành.
Rút kinh nghiệm, trụ T2 anh em đưa hai máy khoan công suất lớn loại CK 2000 vào thi công. Làm ba ca liên tục lại phải canh nước nhưng được cái công tác phối hợp thông tin thuỷ văn giữa công trường với Trạm Khí tượng - Thuỷ văn Bảo Hà (Lào Cai) và Trạm Quản lý đường thuỷ Mậu A rất chặt chẽ nên đã thi công vượt lũ và tận dụng tốt thuận lợi về thời tiết để thúc đẩy tiến độ.
Tổng thể, tiến độ thi công cầu Trái Hút bắt kịp tiến độ đề ra, mục tiêu của nhà thầu là thi công xong hai nhịp dẫn đầu cầu, bệ trụ T2, thân trụ T3, đúc xong K0 và 13 khói đúc hẫng trụ T3 trong những tháng còn lại của năm 2009. Đội phó Nguyễn Thế Huy cho biết thêm, tổng số anh em công nhân trên công trường là 70 người, tới này sẽ huy động lên trên 100. Đảm đương khối lượng công việc lớn, địa hình, thủy văn phức tạp nhưng chuyện ăn, nghỉ cho anh em thì chu tất. Công trường có lán trại rộng rãi, điện nước, thiết bị nghe nhìn đủ cả, có cả Internet cập nhật thông tin.
Đáng quý là công tác bảo hộ, an toàn lao động được quan tâm đặc biệt, không để xảy ra tai nạn trong thi công công trình sông nước. Hầu hết thợ cầu tuổi còn trẻ, hừng hực nhiệt huyết cống hiến làm đẹp làm giàu cho quê hương Yên Bái. Cầu Trái Hút là một trong những công trình trọng điểm và là cầu thứ tư vượt sông Hồng của Yên Bái. Tổng mức đầu tư công trình 120,8 tỷ đồng, bao gồm hai gói thầu: gói thầu số 3 trị giá 49 tỷ; gói thầu số 4 là 50,8 tỷ - đây là nguồn vốn khá lớn với một tỉnh ngân sách còn nghèo như Yên Bái nhưng nó thể hiện sự quan tâm đặc biệt của tỉnh trong đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, tạo những cú hích cần thiết để đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế khu vực ven sông Hồng, nhiều đồng bào dân tộc.
Sôi động và hối hả, bên Hồng Hà ngàn năm bồi đắp nên hai bờ xôi mật của một vùng trù phú, vóc dáng một công trình hiện đại đang từng ngày hiện hữu. Công trình kết tinh ý chí của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Yên Bái như bông hoa đẹp đang nở ra từ sức trẻ và sáng tạo của thợ cầu dâng lên Đảng và Bác kính yêu trong những ngày thu lịch sử.
Tuấn Anh
Các tin khác
YBĐT - Từ năm 2001 tới 2008, tạm tính mỗi năm, Yên Bái chi khoảng 30 tỷ đồng hỗ trợ trồng mới, thay thế cải tạo chè. Với một tỉnh nghèo, ngân sách hạn chế thì đây là số tiền không nhỏ chi cho một chương trình dài hơi để tạo chuyển biến về chất cho vùng chè nguyên liệu.
Trong 2 ngày 31-8 và 1-9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8. Chính phủ đã dành trọn 1 ngày tập trung nghe và thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8, dự báo cả năm 2009 và định hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 chuẩn bị báo cáo TƯ và Quốc hội.
YBĐT - Tháng 8 vừa qua, trừ nhóm hàng dịch vụ giao thông, bưu chính viễn thông, nhóm hàng giáo dục đã tăng cao so với các nhóm khác trong "giỏ" hàng hóa trên thị trường địa bàn tỉnh Yên Bái.
Trong tháng 9 tới, giá gạo xuất khẩu của châu Á có khả năng tăng trở lại, nhờ việc Philippines mua thêm gạo, chủ yếu là từ Việt Nam. Philippines dự kiến mua thêm nửa triệu tấn gạo từ đây đến cuối năm, giá 460 USD/tấn (C&F).