Trạm Tấu: Không chủ quan với sạt lở đất
- Cập nhật: Thứ sáu, 4/9/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Còn khoảng 2 tháng nữa là kết thúc mùa mưa lũ và đến thời điểm hết tháng 8, trên địa bàn Trạm Tấu (Yên Bái) cơ bản không xảy ra những thiệt hại nghiêm trọng do sạt lở đất. Tuy nhiên, không chủ quan, Trạm Tấu đang tiếp tục nêu cao cảnh giác trước mọi diễn biến phức tạp của thời tiết.
Nạo vét dòng chảy và kiên cố hóa mái kè ở xã Xà Hồ (Trạm Tấu).
|
Thôn Cu Vai xã Xà Hồ có 34 hộ dân sinh sống ở lưng sườn đồi, có độ dốc lớn, nhiều đá, nhiều năm nay cứ đến mùa mưa lũ người dân lại lo lắng. Theo người dân ở đây thì năm 2005 khu vực sườn núi phía trên thôn đã bị sạt lở với chiều dài khoảng 100 m, hiện 11 hộ nằm trong cung trượt trên bề mặt có lớp đất và đá to, có độ dốc lớn, tầng đất lại mỏng, không có cây cối nên khi mưa nước ngấm sẽ có nguy cơ sạt lở rất cao.
Trận mưa đầu tháng 7 và giữa tháng 8 vừa qua đã làm 3 hộ bị sạt mái ta luy sau nhà và vẫn đang có dấu hiệu sạt lở tiếp. Hiện tại có nhiều phiến đá có độ lớn từ 1-5 m3 nằm phía trên khu dân cư có nguy cơ lăn, sạt khi có biến động tầng đất mặt gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản người dân.
Ông Đặng Phúc Cường - Phó chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu: Huyện đã tổ chức đi kiểm tra thực tế tại thôn Cu Vai. Nguy cơ về sạt lở đất đá ở đây khi có mưa to là rất lớn. Từ nhiều năm nay, huyện chỉ có thể tập trung chỉ đạo xã kiên quyết di dời dân khi có mưa to, người dân cũng muốn chuyển nơi ở đến một vị trí khác thuận lợi hơn, tuy nhiên huyện chưa có kinh phí để di dời.
Tại thôn Tà Xùa xã Bản Công sau những ngày mưa dài tầm tã, đường vào thôn đã được mở rộng, xe ô tô đã vào được tận thôn một cách dễ dàng nhưng nhiều đoạn đã bị sạt lở, nước đầu nguồn theo khe đổ xuống ầm ầm xói qua mặt đường là những dấu tích còn lại của trận mưa lớn đêm trước.
Nhiều người vẫn chưa quên trận lũ khủng khiếp do cơn bão số 7 năm 2005 gây ra. Hai ngôi nhà đã bị đất sạt phá tan, hai người bị lũ cuốn trôi. Sau những ngày mưa dài, trên khuôn mặt của người dân Tà Xùa hiện lên rõ nét lo lắng. Ngôi nhà lụp xụp của anh Giàng A Nang nằm chênh vênh trên sườn núi, trước mặt là khe, sau lưng là ta luy cao có thể sạt xuống bất cứ lúc nào.
Anh lo lắng "Tôi đã ở đây mấy chục năm, nhưng chưa bao giờ bị lũ cuốn, sạt đất nhưng vài năm gần đây lại thấy nhiều nhà bị đất sạt. Tại rừng bị phá hết đó! Hiện chỉ còn đất trống với đồi trọc, chứ trước kia rừng còn nhiều cho dù có mưa cả tháng cũng chẳng lo, bây giờ cứ hễ mưa to là phải mang thóc chạy khỏi nhà. Năm trước, hàng xóm của tôi là anh Phàng A Tủa, Phàng A Xa được Nhà nước hỗ trợ đã di dời đến nơi an toàn. Nếu được hỗ trợ tôi cũng rất muốn chuyển đến nơi khác an toàn hơn".
Hiện thôn Tà Xùa có 5 hộ dân và 107 hộ khác ở các xã: Phình Hồ, Pá Lau, Bản Mù, Bản Công, thị trấn Trạm Tấu... nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao, cần phải di dời. Tuy nhiên, việc làm cấp bách nhưng lại rất khó khăn với Trạm Tấu - một huyện thu ngân sách cả năm mới được một tỷ đồng.
Để đối phó với trường hợp lũ quét, sạt đất có thể gây chết người, Trạm Tấu đã có những phương án cụ thể và chi tiết. Cán bộ huyện được giao phụ trách từng xã, có mưa to là phải xuống xã để chỉ đạo, tác chiến tại chỗ. Các xã đều phải xây dựng kế hoạch phòng chống lũ bão, giao phụ trách từng thôn cho các đồng chí trong Ban chấp hành Đảng bộ; trực chiến 24/24 nếu mưa to, phát hiện có dấu hiệu lũ lập tức thông báo đến dân trong khu vực nguy hiểm để chủ động đối phó, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ: lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ, phương tiện tại chỗ, tác chiến tại chỗ.
P.V
Các tin khác
YBĐT - Tính đến cuối tháng 8/2009, Công ty trách nhiệm hữu hạn Vạn Đạt đã thu mua cho nông dân huyện Trấn Yên (Yên Bái) 6.200 tấn măng tươi với giá 3.000 đồng/kg.
Huyện Mù Cang Chải: Trình diễn thành công mô hình giống ngô lai CP-3Q/ Yên Bình: Phấn đấu xây dựng 45 trang trại chăn nuôi hàng hóa
Bộ Xây dựng vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ phê duyệt quy hoạch sử dụng cát xây dựng trên địa bàn trước ngày 31-12-2009.
Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng giao nhiệm vụ cho ngành thuế đến năm 2010 phải giảm được số giờ làm thủ tục từ 1.050 giờ hiện nay xuống còn 600 giờ.