Chăn nuôi lợn công nghiệp và bán công nghiệp ở Văn Chấn: Gỡ rào cản cho người chăn nuôi
- Cập nhật: Thứ sáu, 25/9/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Từ chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy Yên Bái, huyện Văn Chấn có 18 hộ đầu tư vốn xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn thịt với quy mô trên 100 con/lứa. Tuy nhiên, hiệu quả của các trang trại ở Văn Chấn rất thấp. Hiện tại, hầu hết các trang trại chỉ nuôi cầm chừng vài chục con. Xuất hiện những “rào cản” làm ảnh hưởng đến người chăn nuôi, như: dịch bệnh, nguồn vốn tín dụng, tiêu thụ sản phẩm..., người chăn nuôi đang rất cần được tháo gỡ!
Giá cả các loại vật tư, nguyên liệu đầu vào đang ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả chăn nuôi của các trang trại nuôi lợn.
|
Đầu ra thấp + dịch bệnh = quay về nhỏ lẻ
Thực hiện chính sách phát triển chăn nuôi hàng hoá của tỉnh, năm 2008, huyện Văn Chấn đã chỉ đạo hướng dẫn hỗ trợ xây dựng thành công 18 trang trại chăn nuôi lợn thịt có quy mô từ 100 con/lứa trở lên. Tuy nhiên, hiệu quả rất thấp.
Bà Lò Thị Bình - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Do giá thịt lợn hơi giảm mạnh, có thời điểm tụt xuống 17 -18 ngàn đồng/kg, trong khi đó giá lợn giống, thức ăn tăng cao khiến nhiều chủ hộ chăn nuôi thua lỗ, rơi vào cảnh khó khăn không còn đủ sức để đầu tư tiếp, đa số người chăn nuôi giảm đàn để trống chuồng”. Đến thời điểm này, hầu hết các chủ trang trại lại quay về với chăn nuôi nhỏ lẻ. Trong số 18 trang trại thuộc Dự án đến nay không còn trang trại nào đủ số đầu lợn theo tiêu chí đề ra.
Hộ ông Trần Tiến Dũng - khu 5B, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ khi triển khai Dự án đã đầu tư xây mới toàn bộ chuồng trại, nhưng khi xuất chuồng ông lỗ gần 20 triệu đồng. Gia đình ông nay không nuôi lợn thịt nữa mà chuyển sang nuôi lợn giống. Bên cạnh việc thua lỗ do giá lợn xuống thấp, cơn bão dịch bệnh cũng đã làm nhiều chủ trang trại phải lao đao, trong đó, phải kể đến bà Lê Thị Phương ở thôn Cầu Thia, xã Phù Nham. Đàn lợn thịt trên 100 con của gia đình bà đang nuôi thì bị dịch tụ huyết trùng cấp lăn đùng ra chết gần hết. Tính ra đợt dịch đó, gia đình bà lỗ trên 60 triệu đồng. Hiện nay, trong chuồng nhà bà chỉ có hơn 30 con lợn nhưng con nào cũng gầy gò, một số thì bỏ ăn.
Được biết, hầu hết các chuồng trại bị dịch bệnh hoành hành là do mua giống trôi nổi trên thị trường không rõ nguồn gốc, nên khi lợn bị dịch không dám kêu ai! Lý do: trên địa bàn cũng có nhiều đơn vị đứng ra cung ứng giống và đều bảo đảm chất lượng nhưng do giá đắt hơn, người dân mua giống ngoài luồng về nuôi với giá rẻ hơn!
Thời điểm hiện tại, giá lợn hơi đã bắt đầu nhích lên, nhiều chủ hộ đã bắt đầu đầu tư chăn nuôi trở lại nhưng nhìn chung vẫn rất dè dặt. Họ vẫn không khỏi lo lắng vì sự bấp bênh của thị trường và dịch bệnh. Theo các chủ hộ, nếu giá lợn hơi bán với giá dưới 21 nghìn đồng/kg thì chăn nuôi lợn cầm chắc lỗ vốn. Anh Trần Hữu Quân, khu bản Đao xã Phù Nham, chủ trang trại chăn nuôi cho biết: “Gia đình tôi vừa bán đàn lợn với giá 20,5 ngàn đồng/kg, tính ra cũng chỉ hoà vốn nhưng gia đình vẫn tiếp tục duy trì nuôi là vì còn lấy nguồn phân để nuôi cá”.
Theo các chủ hộ, nếu giá lợn hơi bán với giá dưới 21 nghìn đồng/kg thì chăn nuôi lợn cầm chắc lỗ vốn.
Qua quá trình triển khai dự án chăn nuôi lợn công nghiệp và bán công nghiệp ở Văn Chấn còn phát sinh một số bất cập như thiếu sự quy hoạch tổng thể và lâu dài dẫn đến các trang trại phát triển manh mún, thiếu sự đầu tư đặc biệt là vốn sản xuất, kỹ thuật chăn nuôi; công tác thú y giám sát dịch bệnh còn nhiều hạn chế; tính liên kết giữa các hộ chăn nuôi chưa cao, chưa thành lập “Câu lạc bộ những người nuôi lợn” hay hợp tác xã đứng ra đảm nhiệm các khâu từ cung ứng con giống, thức ăn, thuốc thú y cho người chăn nuôi. Sản phẩm làm ra được tiêu thụ chủ yếu thông qua thương lái nên thường bị ép giá. Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng của các trang trại chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc cho vay vốn ngắn hạn chưa phù hợp với chu kỳ chăn nuôi.
Giải pháp tháo gỡ khó khăn
Để dự án chăn nuôi theo hướng hàng hoá phát triển bền vững thì ngoài việc làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến chính sách hỗ trợ chăn nuôi hàng hoá của tỉnh đến người dân, trong quá trình triển khai xây dựng các trang trại, các địa phương nên lựa chọn các hộ có đủ điều kiện về vốn sản xuất, nhân công, có kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi, có đủ đất đai để xây dựng chuồng trại. Tuyển chọn cung ứng con giống tốt cho người chăn nuôi, tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi đến các hộ gia đình, giúp nhận biết các giống tốt, thức ăn bảo đảm chất lượng.
Đặc biệt, trong điều kiện thị trường thường xuyên biến động bất lợi cho người sản xuất, các địa phương cần vận động các chủ trang trại nuôi lợn thịt nuôi thêm lợn nái để chủ động nguồn giống, giảm bớt chi phí sản xuất và hạn chế dịch bệnh. Bên cạnh đó, các chủ hộ cũng cần sử dụng nguồn thức ăn sẵn có như ngô, sắn, phối trộn với thức ăn công nghiệp để giảm giá thành đầu vào, tăng hiệu quả chăn nuôi. Công tác thú y, phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc cũng là một yếu tố cần được đặc biệt quan tâm để hạn chế rủi ro cho người chăn nuôi.
Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi, ngoài sự hỗ trợ 30 triệu đồng/trang trại, các địa phương cần tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi tiếp cận nguồn vốn vay phù hợp. Các chủ hộ cần liên kết thành các câu lạc bộ để trao đổi kinh nghiệm giới thiệu nguồn thức ăn, giá gốc cũng như tìm được mối tiêu thụ sản phẩm tạo hiệu quả cao trong chăn nuôi. Cần có thêm kênh dự báo về yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất và thị trường các sản phẩm chăn nuôi.
Ngoài ra, tỉnh và các ngành chức năng xem xét thêm mức hỗ trợ cho các trang trại chăn nuôi lợn thịt có quy mô 50 con/lứa. Bởi qua thực tế cho thấy, mô hình chăn nuôi 50 con/trang trại là phù hợp với trình độ chăn nuôi cũng như vốn đầu tư của các hộ nông thôn. Cùng với đó, tỉnh, huyện cũng nên có chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, giúp các chủ trang trại giảm bớt khó khăn khi thị trường bất lợi cho người nuôi.
Văn Thông
Các tin khác
Theo Chi cục Thú y Yên Bái, đến nay, tại 25 thôn, bản thuộc chín xã của huyện Văn Chấn đã có 120 gia súc bị mắc bệnh lở mồm long móng (LMLM). UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, lập các chốt kiểm dịch, cử cán bộ chuyên môn kết hợp chính quyền các xã có dịch phòng, chống dịch khẩn cấp.
Trang trại có diện tích trên 36 ha, gồm chuồng trại, khu phụ trợ diện tích 6 ha và 30 ha trồng cỏ cao sản, quy mô chăn nuôi 3.000 con, cung cấp mỗi ngày 30 tấn sữa cho nhà máy chế biến sữa của công ty
YBĐT - Vụ đông năm nay, huyện Văn Yên (Yên Bái) phấn đấu trồng cây vụ đông từ 2000 ha trở lên, trong đó ngô đông 1.700 ha (1.000ha ngô đông trên đất 2 vụ lúa), còn lại là rau màu khác.
Ngày 23.9, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 48 về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản.