Để “áo” rừng không thêm “miếng vá”

  • Cập nhật: Thứ sáu, 30/10/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Văn Yên là huyện có khu rừng tự nhiên phòng hộ xếp loại rừng đặc dụng ở xã Nà Hẩu, tổng diện tích cả vùng đệm khoảng 16.000 ha. Những cuộc kiểm tra và thực tế của lãnh đạo huyện, trong đó có Bí thư Huyện ủy cho thấy sự rỗng dần và thu hẹp của rừng đặc dụng, nếu không ngăn chặn hiệu quả nạn phát phá rừng làm nương thì nguy cơ mất rừng là rất lớn...

Phát rừng trái phép là nguyên nhân chủ yếu gây mất rừng ở các địa phương. (Ảnh: T.P)
Phát rừng trái phép là nguyên nhân chủ yếu gây mất rừng ở các địa phương. (Ảnh: T.P)

Phát, phá rừng trái phép để sản xuất  là nguyên nhân chính gây mất rừng ở các địa phương thời gian qua. Ở huyện Văn Yên, tình trạng này thời gian qua diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc được phát hiện, xử lý kịp thời nhưng hậu quả khó khắc phục, cần có sự phối hợp tích cực hơn nữa và thực hiện đồng bộ các giải pháp để áo” rừng không thêm “miếng vá”...

Những vụ việc điển hình

Hầu hết số vụ phát rừng làm nương mà cơ quan chức năng xử lý thời gian gần đây là những vụ phát rừng tự nhiên sản xuất, thậm chí cả rừng tự nhiên phòng hộ. Thượng huyện Văn Yên, trọng tâm là các xã Phong Dụ Thượng, Châu Quế Hạ, Xuân Tầm... nạn phát rừng làm nương diễn biến phức tạp. Tại xã Xuân Tầm, từ năm 2008, bốn đối tượng là Triệu Thị Chạn, Bàn Thị Lứu, Phùng Thị Chày, Triệu Thị Dân ở thôn 2 đã phát phá trên 8.000 m2 rừng tự nhiên sản xuất ở Khe Chung. Hạt Kiểm lâm Văn Yên đã xử lý hành chính phạt tiền các đối tượng 19,5 triệu đồng.

Trong khi số tiền phạt chưa nộp thì năm 2009 nhóm đối tượng trên tiếp tục phát rừng ở Khe Chung với diện tích trên 2.600 m2, cơ quan kiểm lâm phải ra quyết định khởi tố. Xuân Tầm là xã xảy ra nhiều vụ phát rừng làm nương, cá biệt phát hiện cán bộ lãnh đạo xã cũng vi phạm (Báo Yên Bái đã có bài nêu về trường hợp này). Châu Quế Hạ cũng là địa bàn phức tạp với hàng chục vụ vi phạm phát hiện mỗi năm. Báo cáo của UBND xã, 9 tháng qua phát hiện 25 vụ phát phá rừng trái phép. Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Vịnh cho biết, người dân tranh thủ những ngày mưa, nghỉ tết, lễ hội đền Nhược Sơn để phát phá; một số người dân ở xã Phong Dụ Hạ cũng sang phát phá rừng tự nhiên sản xuất.

Theo ông Phạm Văn Hưởng – cán bộ pháp chế thanh tra Hạt Kiểm lâm Văn Yên, ngày 10.9.2009, Hạt đã ra quyết định khởi tố vụ phát phá trên 24.890 m2 rừng trái phép ở Châu Quế Hạ. Đối tượng vi phạm là Dương Văn Diện và Phùng Mùi Nham ở thôn Pha. Diện đã phát phá 11.000 m2 và “cho” Nham phát 13.890 m2. Còn tại xã Phong Dụ Thượng, rừng tự nhiên sản xuất và rừng phòng hộ thuộc vùng đệm rừng đặc dụng Nà Hẩu bị xâm phạm.

Trong số các vụ việc được phát hiện, xử lý, điển hình vụ Bàn Kim Lâm, Bàn Kim Tiến ở xã Nậm Mười (Văn Chấn) sang phát phá trên 10.500 m2; Bàn Kim Định và Bàn Thị Phan phát phá trên 10.000 m2 rừng đặc dụng. Hạt Kiểm lâm Văn Yên đã ra quyết định xử phạt hành chính bốn đối tượng trên 58 triệu đồng. Khó có thể thống kê hết số vụ vi phạm, báo cáo của UBND huyện Văn Yên: 9 tháng qua phát hiện, xử lý 34 vụ sản xuất nương rẫy trái phép nhưng vi phạm phát phá rừng - nhất là các xã vùng cao, thượng huyện vẫn chưa tới hồi ngưng...

Đi tìm nguyên nhân

Điều 12, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng quy định chặt phá rừng trái phép là hành vi nghiêm cấm. Điều 189, Bộ luật Hình sự quy định rõ những hành vi phát, phá rừng trái phép với bất kì mục đích gì là phạm tội huỷ hoại rừng. Hầu hết những người vi phạm đều ít nhiều biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Trường hợp Dương Văn Diện ở Châu Quế Hạ phát phá 11.000 m2, trước cơ quan chức năng Diện nói bản thân hiểu là hành vi vi phạm pháp luật nhưng vẫn cứ làm và còn xúi giục Phùng Mùi Nham phát 13.890 m2 khác. Triệu Thị Chạn, Bàn Thị Lứu, Phùng Thị Chày, Triệu Thị Dân ở thôn 2 xã Xuân Tầm cơ quan chức năng xử phạt hành chính chưa chấp hành xong lại tái phạm.

Tìm hiểu thực tế một số địa phương và qua xem xét hồ sơ một số vụ việc, cho thấy hầu hết người vi phạm nhằm mục đích bao chiếm đất để sản xuất, trồng quế... Đơn cử, xã Châu Quế Hạ, bình quân mỗi năm trên dưới 20 vụ vi phạm được phát hiện, người dân phát rừng trái phép mục đích chính là trồng quế. Để che mắt chính quyền và kiểm lâm, họ trồng sắn phủ kín quế mới trồng, khi bị phát hiện thì cố tình để sắn không thu hoạch, thách thức chính quyền xã. Hay ở Xuân Tầm, có lãnh đạo xã cố tình phát, phá rừng trồng quế, khi bị tố cáo mới cam tâm chặt bỏ quế trên diện tích vi phạm.

Tình trạng phát, phá rừng trái phép ở Văn Yên thời gian qua diễn biến phức tạp khiến người ta đặt câu hỏi về vai trò và hiệu lực thực thi pháp luật của chính quyền một số xã trọng điểm. Một trong những trọng điểm đó là Châu Quế Hạ, riêng 9 tháng qua đã phát hiện 25 vụ vi phạm.

 Văn Yên là huyện có khu rừng tự nhiên phòng hộ xếp loại rừng đặc dụng ở xã Nà Hẩu, tổng diện tích cả vùng đệm khoảng 16.000 ha. Những cuộc kiểm tra và thực tế của lãnh đạo huyện, trong đó có Bí thư Huyện ủy cho thấy sự rỗng dần và thu hẹp của rừng đặc dụng, nếu không ngăn chặn hiệu quả nạn phát phá rừng làm nương thì nguy cơ mất rừng là rất lớn.

Trách nhiệm của cơ quan kiểm lâm được quy định rõ trong Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Thời gian qua công tác quản lý bảo vệ rừng ở Văn Yên có nhiều chuyển biến tích cực nhưng nếu chính quyền cơ sở không làm hết trách nhiệm thì ngành kiểm lâm có “ba đầu, sáu tay” cũng không thể “ôm” hết việc. Còn có trách nhiệm của chủ rừng, nhưng đáng quan tâm là việc giao rừng chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu tư liệu sản xuất cũng là một trong những lý do thôi thúc người dân phát, phá rừng trái phép...

Gỗ rừng khai thác, vận chuyển trái phép bị tịch thu tại Hạt Kiểm lâm Văn Yên.

Giải pháp phải đồng bộ

Một ông già người Mông ở Trạm Tấu làm cháy hàng chục ha rừng được nhiều người biết tới khi ông cần mẫn trồng lại rừng cho Nhà nước. Cơ quan chức năng ở Văn Yên phạt hành chính nhiều vụ phát, phá rừng trái phép  cả trăm triệu đồng nhưng thi hành rất khó khăn vì đối tượng không có tiền nộp phạt. Việc xử phạt, truy tố theo quy định của pháp luật là cần thiết nhưng đó chưa phải là giải pháp bền vững.

Để ngăn chặn hiệu quả nạn phát, rừng trái phép, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, đó là thúc đẩy và nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo; tháo gỡ khó khăn về tư liệu sản xuất cho người dân, trong đó đẩy nhanh tiến độ giao rừng cho dân quản lý bảo vệ; đầu tư thích đáng và đa dạng hoá các hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng; tăng cường trách nhiệm của chính quyền - chủ rừng - kiểm lâm trong thực hiện nhiệm vụ. làm được như vậy, tình trạng phát phá rừng trái phép ở Văn Yên chắc chắn sẽ được ngăn chặn hiệu quả, “chiếc áo” của rừng sẽ không loang lổ thêm những “miếng vá”!

T.A

Các tin khác

YBĐT - 9 tháng đầu năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp huyện Văn Yên (Yên Bái) đạt 103 tỷ 360 triệu đồng, đạt 58,9% kế hoạch, bằng 103% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp do tỉnh quản lý 53 tỷ 964 triệu đồng, huyện quản lý 49 tỷ 456 triệu đồng.

Chính phủ Việt Nam sẽ sử dụng nguồn quỹ thu được từ việc bán số phân bón này để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo ở các vùng nông thôn và miền núi khó khăn.

Giá vàng thế giới đảo chiều tăng mạnh.

Không nằm ngoài dự báo của các chuyên gia, giá vàng thế giới trên sàn New York đêm qua đã có phiên đảo chiều tăng khá mạnh sau khi rớt một mạch từ cao kỷ lục 1.072 USD/ounce về vùng kháng cự 1.020-1.030 USD/ounce.

Thu hái chè cuối vụ ở thị trấn Nông trường Liên Sơn.

YBĐT - Các chỉ tiêu về giá trị sản lượng, doanh thu của Công ty cổ phần Chè Liên Sơn trong 9 tháng qua đều thấp hơn cùng kỳ niên vụ trước. Những khó khăn về nguyên liệu trong vụ chè 2009 đã làm hạn chế năng lực chế biến của doanh nghiệp. Để duy trì sản xuất, Công ty thực hiện nhiều biện pháp thu hút nguyên liệu các loại, đẩy mạnh bán hàng, thực hành các định mức kinh tế kỹ thuật chặt chẽ nhằm giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục