Đổi mới ở Túc Đán
- Cập nhật: Thứ sáu, 30/10/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nhờ đổi mới tư duy, xoá bỏ các tập tục lạc hậu nên cuộc sống ở xã vùng cao Túc Đán, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã dần đổi thay.
Người Mông xã Phình Hồ (Trạm Tấu) thu hái chè Shan cổ thụ.
|
Toàn xã có 7 thôn bản, người dân sinh sống trên địa bàn có gần 100% là dân tộc thiểu số, trong đó người Mông chiếm khoảng 70%, còn lại là các dân tộc Khơ Mú, Thái và Kinh. 90% số hộ dân sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, phần lớn là canh tác trên đất đồi dốc và ruộng bậc thang. Với đặc thù địa hình phức tạp, các thôn, bản nằm cách nhau khá xa, giao thông đi lại không thuận lợi, trình độ dân trí thấp, chưa mạnh dạn đưa khoa học, kỹ thuật áp dụng trong sản xuất nên những năm trước đây, cuộc sống của người dân gặp không ít khó khăn, đói nghèo xảy ra triền miên.
Để từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân, Đảng ủy, chính quyền địa phương đã xác định, muốn có kinh tế tăng trưởng thì trước hết cần phải đổi mới tư duy trong việc phát triển kinh tế; đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tích cực tuyên truyền vận động nhân dân thay đổi cách nghĩ, cách làm như: thâm canh, tăng vụ, gieo trồng những loại cây trồng xen như trồng đậu, đỗ, khoai, gừng xen lẫn với ngô hay trồng lạc xen với sắn...
Đồng thời, vận động nhân dân mở mới và kiên cố hoá kênh, mương để có đủ nước tưới tiêu cho cả vụ mùa và vụ đông xuân. Cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung chỉ đạo nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, trong đó, đặt ra yêu cầu trọng tâm mỗi năm trồng hai vụ lúa, ngô cùng với một số hoa màu khác; tích cực phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, mở rộng các mô hình kinh tế trang trại. Xã thành lập Ban chỉ đạo phát triển sản xuất và hàng năm cứ vào đầu vụ, phân công nhiệm vụ cho các thành viên xuống cơ sở tuyên truyền vận động nhân dân triển khai sản xuất.
Với chủ trương định hướng phát triển kinh tế đúng đắn, nhân dân tích cực tham gia thực hiện đã tạo sự chuyển biến ở xã vùng cao này. Vụ đông xuân 2008 - 2009, toàn xã đã gieo cấy 15 ha lúa nước, 115 ha ngô, 10 ha lạc, 2 ha đậu tương. Vụ mùa, xã chỉ đạo gieo trồng lúa nước đạt 22,34 ha, tăng 16,54 ha so với cùng kỳ năm trước, năng suất đạt 46,5 tạ/ha. Diện tích lúa nương đạt 103 ha, ngô 90 ha, tăng 15 ha so với cùng kỳ, đậu tương 2 ha, lạc 10 ha và nhiều diện tích các loại cây hoa màu khác như: khoai, sắn, đao riềng, gừng và bầu bí… Ngoài việc tăng diện tích, nhân dân còn tích cực chăm bón, thường xuyên thăm nom để phát hiện sâu bệnh, có biện pháp phòng trừ kịp thời.
Lợi thế của việc phát triển chăn nuôi cũng được Đảng ủy, quan tâm đặc biệt, trong đó có công tác tiêm phòng, chống các loại dịch bệnh ở gia súc, gia cầm và trồng cỏ voi để dự trữ thức ăn cho gia súc. Nhờ đó, hiện nay toàn xã có tổng đàn trâu 499 con, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước, đàn bò 175 con, tăng 19,04%, đàn ngựa 74 con, tăng 15,6%, đàn dê 95 con, đàn lợn 1.278 con. Đàn gia cầm cũng tăng rõ rệt; hiện nay, mỗi hộ nuôi ít nhất từ 30 con trở lên. Chăn nuôi đã giúp người dân nâng cao mức thu nhập và cải thiện đời sống hàng ngày.
Đi đôi với việc phát triển kinh tế nông nghiệp và chăn nuôi, nhân dân trong xã còn tích cực tham gia trồng và bảo vệ khoanh nuôi, chăm sóc rừng, trong đó có 221,25 ha rừng khoanh nuôi, 211,84 ha rừng trồng. Riêng năm 2009, nhân dân đã hoàn thành việc trồng mới 150 ha rừng theo chỉ tiêu kế hoạch giao của huyện.
Ngoài sự nỗ lực phấn đấu của cấp Đảng uỷ, chính quyền và nhân dân địa phương, trong những năm qua, xã Túc Đán còn được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư hàng tỷ đồng thông qua các chương trình dự án 134, 135 giúp xã xây dựng các công trình kiến trúc hạ tầng như: đường giao thông, trường học, trạm y tế và gần đây trụ sở UBND xã đã được xây dựng kiên cố, khang trang tạo nơi làm việc ổn định cho Đảng ủy, chính quyền và thuận lợi trong việc trao đổi, hội họp của nhân dân địa phương.
Trường, lớp học được xây dựng khang trang, thu hút con em của đồng bào các dân tộc đến trường, lớp học ngày càng đông. Số cháu mẫu giáo đến trường đạt 98%, tiểu học đạt 94%, cấp trung học cơ sở đạt 90,8%, chưa kể hàng trăm học sinh đã được chuyển cấp lên học ở huyện và ở tỉnh. Cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở xã vùng cao Túc Đán đang từng ngày khởi sắc.
Sùng Đức Hồng
Các tin khác
YBĐT - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, năng suất lúa mùa năm nay của tỉnh ước đạt 48 tạ/ha (tăng 2 ha so với vụ trước). Các huyện có năng suất ước đạt gần 50 tạ/ha là Văn Yên, Trấn Yên, thị xã Nghĩa Lộ. Đây là vụ mùa có năng suất lúa cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
YBĐT - Giám sát bệnh dịch, khẩn trương hoàn thành kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi, cung ứng đầy đủ vật tư thú y, chủ động lực lượng, kỹ thuật cho công tác phòng chống dịch và phấn đấu không để dịch bệnh trên đàn vật nuôi bùng phát đang được Trạm Thú y huyện Văn Yên tích cực triển khai.
YBĐT - Văn Yên là huyện có khu rừng tự nhiên phòng hộ xếp loại rừng đặc dụng ở xã Nà Hẩu, tổng diện tích cả vùng đệm khoảng 16.000 ha. Những cuộc kiểm tra và thực tế của lãnh đạo huyện, trong đó có Bí thư Huyện ủy cho thấy sự rỗng dần và thu hẹp của rừng đặc dụng, nếu không ngăn chặn hiệu quả nạn phát phá rừng làm nương thì nguy cơ mất rừng là rất lớn...
YBĐT - 9 tháng đầu năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp huyện Văn Yên (Yên Bái) đạt 103 tỷ 360 triệu đồng, đạt 58,9% kế hoạch, bằng 103% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp do tỉnh quản lý 53 tỷ 964 triệu đồng, huyện quản lý 49 tỷ 456 triệu đồng.