Khó khăn trong chống buôn lậu trên tuyến đường sắt
- Cập nhật: Thứ tư, 25/11/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai – Côn Minh (Trung Quốc) từ lâu đã trở thành huyết mạch giao thông quốc tế quan trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc. Do vậy, nó cũng trở thành “con đường hàng lậu” cho gian thương lợi dụng chính sách thông thoáng trong mở cửa, hội nhập để tuồn hàng lậu, hàng trốn thuế vào Việt Nam tiêu thụ.
Qua đánh giá của cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 127 địa phương (Ban chỉ đạo phòng chống buôn lậu), thời điểm hiện tại, tỷ giá giữa Việt Nam đồng và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc có sự chênh lệch, buôn hàng Trung Quốc kém lãi, thuế nhập khẩu đã giảm so với trước nên nhiều người đi buôn đã làm đầy đủ thủ tục... cũng như việc tuần tra, kiểm soát làm khá tốt nên tình trạng buôn lậu hàng hoá từ Trung Quốc có phần giảm. Mặc dù vậy, để kiếm được nhiều tiền hơn, bọn buôn lậu vẫn tìm đủ mọi cách để đưa hàng trốn thuế vào Việt Nam tiêu thụ.
Đi tầu Lào Cai – Yên Bái, hành khách sẽ bắt gặp những bao tải, những thùng hàng được cửu vạn mang vác lên tầu, tập trung nhiều nhất tại các toa hành lý hoặc xé lẻ gửi vào các toa chở khách. Nếu hành khách nào ngồi trong toa, đợi đến giờ tầu chạy mà có ai đó đến gửi bao hàng trong gầm ghế hoặc trên giá để hành lý thì vô tình hành khách đó đã tiếp tay cho buôn lậu với chiêu thức xé lẻ hàng hoá, trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Tầu khách là thế, còn tầu hàng với những toa đen cửa đóng, then cài, niêm phong đàng hoàng, cứ băng băng chạy trên đường ray thì có trời mới biết hàng đó có đủ thủ tục, xuất xứ hàng hoá, có hoá đơn, chứng từ gì hay không.
Theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường Yên Bái, từ đầu năm đến nay lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra và phát hiện 121 vụ vận chuyển hàng hoá trên tuyến đường sắt vi phạm chính sách pháp luật; đã tiến hành xử phạt hành chính 131 triệu đồng, bán hàng tịch thu 2,476 tỷ đồng và tiêu huỷ lượng hàng hoá trị giá 33 triệu đồng.
Những con số trên cho thấy số tiền thu nộp vào ngân sách là khá lớn (trên 2,4 tỷ đồng, do phát hiện, bắt giữ và xử lý vụ vận chuyển, buôn bán phân hoá học không rõ nguồn gốc với khối lượng đặc biệt lớn, số tiền bán hàng tịch thu trên 2 tỷ đồng) nhưng số vụ đã phát hiện và xử lý là rất nhỏ (121 vụ, riêng tháng 10 năm 2009 phát hiện duy nhất 1 vụ) và điều đó đã nói lên việc chống buôn lậu trên tuyến đường sắt đã và đang hết sức khó khăn. Trường hợp đối tượng buôn lậu gửi hàng khách đi tầu kể trên chỉ là một thí dụ, bọn chúng còn áp dụng nhiều thủ đoạn như: quay vòng hoá đơn (dùng một bộ hoá đơn vận chuyển nhiều chuyến hàng); tập kết hàng tại toa hành lý rồi dùng hàng hoá chèn cửa ra vào; dùng khoá hoặc dây thép buộc cửa không cho cán bộ chức năng kiểm tra, trong khi thời gian dừng tầu tại Ga Yên Bái lâu nhất cũng chỉ có 10 phút.
Một cán bộ quản lý thị trường tâm sự: “Những bao, túi hàng để trên toa khách, chúng tôi không thể sờ nắn hay mở ra kiểm tra được vì làm vậy phản cảm lắm! Có khi biết chắc là hàng nhập khẩu nhưng bọn buôn lậu luôn áp dụng phương pháp “hàng một nơi, người một nẻo” nên cũng chẳng biết ai, là chủ số hàng hoá đó mà gọi hỏi, mà kiểm tra nên nhiều khi đành cho qua”.
Ông Nguyễn Đình Bàn – Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Yên Bái cho biết: Chi cục đã bố trí lực lượng khá mạnh, làm chuyên tuyến đường sắt và tỉnh Yên Bái là một trong số ít địa phương còn duy trì Đội Kiểm tra liên ngành đường sắt. Chúng tôi cũng đánh giá cao sự phối hợp của Công ty Vận chuyển Yên Lào nhưng về nguyên tắc, hành khách có hàng hoá đi tầu chỉ cần mua đầy đủ vé cước là được, nếu hàng hoá vận chuyển bằng tầu hàng thì trong vận đơn chỉ cần ghi rõ loại hàng hoá gì, khối lượng bao nhiêu là xong, nên hàng lậu vẫn lên tầu và đi sâu vào nội địa.
Để đấu tranh có hiệu quả với nạn vận chuyển hàng lậu bằng đường sắt, các ngành chức năng chỉ còn cách làm thật tốt công tác trinh sát, nắm tình hình tại những ga gốc khi buôn lậu đưa hàng lên tầu, từ đó xin lệnh dừng tầu, cắt toa, bố trí lực lượng kiểm tra, bắt giữ. Đối với tầu hàng thì phối hợp với chính quyền và ngành chức năng tại những ga cuối để kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, công việc này cũng không hề dễ vì nắm bắt chính xác thông tin đã khó việc cắt toa, dừng tầu còn khó hơn bởi theo quy định thì việc cắt toa, dừng tầu phải có lệnh của ngành đường sắt tại Hà Nội nên tính chủ động rất thấp. Cũng có khi hàng lậu để cùng với hành lý thông thường của khách đi tầu trên một toa xe thì cũng không thể cắt toa xe đó để xử lý, làm vậy sẽ ảnh hưởng đến hành khách đi tầu.
Từ thực tế này, thiết nghĩ Nhà nước sớm sửa đổi quyết định cho phép cư dân biên giới được mua hàng hoá từ bên kia biên giới với giá trị dưới hai triệu đồng mà không ghi rõ loại hàng hoá gì, được mua bao nhiêu lần... Các ngành, các địa phương cần làm tốt việc kiểm tra, kiểm soát tại các địa bàn mình quản lý... Trong khi các quyết định và những việc làm còn hạn chế về phương pháp vẫn chưa có sự thay đổi thì việc kiểm tra trên khâu lưu thông mà cụ thể ở đây là trên tuyến đường sắt Lào Cai – Yên Bái vẫn còn hết sức khó khăn và cần sự tích cực của lực lượng quản lý thị trường cũng như các ngành thành viên trong Ban chỉ đạo 127.
Lê Phiên
Các tin khác
Sáng nay (25/11), giá bán vàng của các doanh nghiệp công bố quanh 28,9 triệu đồng, bám sát đà tăng giá trên thị trường thế giới.
Sáng nay, 25-11, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã công bố quyết định điều chỉnh lãi suất cơ bản tăng từ 7%/năm lên 8%/năm, lãi suất tái cấp vốn tăng từ 7%/năm lên 8%/năm, lãi suất chiết khấu tăng từ 5%/năm lên 6%/năm, thời điểm áp dụng là từ ngày 1-12-2009.
YBĐT - Với việc chuyển biến mạnh mẽ về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, đưa sản xuất vụ ba trở thành vụ chính để tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích. Việc vận động nhân dân trồng ngô trên đất hai lúa, cộng với việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cây vụ ba nên cả diện tích và năng suất ngô ở Lâm Thượng, huyện Lục Yên (Yên Bái)năm sau đều cao hơn năm trước.
YBĐT - Hết tháng 10.2009, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đạt 5.089 tỷ đồng, tín dụng trung, dài hạn chiếm 55,16%. Vốn tín dụng ngân hàng tiếp tục đầu tư cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, sản xuất công nghiệp, vật liệu xây dựng, cho vay hộ nghèo...