Thực hiện Nghị quyết 26 (Khoá X) ở Lục Yên: “Tam nông” đều chuyển động
- Cập nhật: Thứ năm, 26/11/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Sau gần một năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (Khoá X) về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, kinh tế nông lâm nghiệp và nông thôn Lục Yên (Yên Bái) đã có những chuyển động khá tích cực. Nổi bật là việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất hàng hoá, đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, ứng dụng khoa học công nghệ và đào tạo nhân lực, huy động nguồn lực phát triển nhanh kinh tế nông nghiệp nông thôn...
Nông dân xã Minh Tiến (Lục Yên) làm đất chuẩn bị trồng màu vụ đông xuân 2009. (Ảnh: Quang Tuấn)
|
Sản xuất hàng hoá áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật
Nổi bật là huyện đã chỉ đạo các xã giữ ổn định diện tích đất nông nghiệp hiện có; rà soát, quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hoá năng suất, chất lượng cao 1.500 ha ở xã Lâm Thượng, Mai Sơn, Minh Xuân, Liễu Đô, Mường Lai; ổn định sản xuất bền vững diện tích ngô đồi trên đất dốc hai vụ xuân - hè và hè - thu ở Phúc Lợi, Phan Thanh, An Phú, Mai Sơn.
Ông Tạ Văn Long - Bí thư Huyện ủy cho biết: “Huyện ủy đã chỉ đạo kiên quyết vùng lúa sản xuất hàng hoá chất lượng cao 500 ha trong vụ mùa 2009. Kết quả, năng suất lúa vụ mùa lần đầu tiên đạt trên 63 tạ/ha, tăng 13 tạ so với vụ trước. Sự gia tăng về khối lượng và giá trị sản phẩm trên đồng ruộng là nhờ thay thế các loại giống lúa cũ bằng các giống lúa mới năng suất cao, phù hợp với điều kiện đầu tư, thâm canh của nông dân. Năm 2009, lần đầu tiên tổng sản lượng lương thực của huyện đạt trên 45.222 tấn, diện tích sản xuất lương thực tăng 2,2%, trong đó trên 7.195 ha lúa nước, gần 3.270 ha ngô”. Năm nay là năm Lục Yên chỉ đạo quyết liệt vùng sản xuất ngô hàng hoá trên đất hai vụ lúa. Riêng vụ đông, huyện đã chỉ đạo trồng 1.366 ha ngô, trong đó 1.011 ha ngô trên đất hai vụ lúa; 355 ha ngô trên đất soi bãi, đất đồi, vượt kế hoạch đề ra.
Bên cạnh vùng lúa, ngô hàng hoá, Huyện ủy lãnh đạo thực hiện nhiều giải pháp chiến lược với các cây công nghiệp ngắn ngày, chủ lực là lạc, đậu tương. Với cây lạc, giải pháp là đưa nhóm giống lạc phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương vào sản xuất như giống lạc đỏ địa phương, giống lạc L14, MD7, TB25. Trong 1.982 ha cây công nghiệp ngắn ngày, đã có trên 1.010 ha cây lạc, còn lại là diện tích trồng đậu tương. Nỗ lực của địa phương còn thể hiện ở chỗ tăng cường chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho nông dân. Trong năm, đã mở trên 650 lớp tập huấn, chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật cho 24.320 lượt hộ nông dân tham gia theo cụm dân cư, nhóm hộ; nhiều cán bộ cơ sở đã đi trao đổi, học tập kinh nghiệm sản xuất lúa chất lượng cao tại huyện Văn Chấn, tỉnh Thái Bình và sang Trung Quốc...
Đầu tư cho kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn
Thuỷ lợi là lĩnh vực ưu tiên đầu tư, trong đó tập trung xây dựng, nâng cấp các công trình, hệ thống kênh mương nội đồng, cải tạo đồng ruộng, khôi phục các công trình đã xuống cấp hoặc hư hỏng do mưa lũ. Huyện phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án Cải tạo tổng thể hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu trên địa bàn. Năm 2008 và 2009, đầu tư trên 9 tỷ đồng xây dựng 31 công trình thủy lợi và kênh mương nội đồng.
Tiếp tục đầu tư cho giao thông, Lục Yên ưu tiên phát triển giao thông ở các xã, vùng khó khăn; thực hiện Đề án Kiên cố hoá đường giao thông liên thôn bản theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX. Từ đầu năm tới nay, Lục Yên đã kiên cố hoá trên 15 km đường giao thông, mở mới và nâng cấp 6,8 km đường thôn bản, làm mới 6 cầu, 3 ngầm tràn và hệ thống thoát nước, sửa chữa 5 công trình thoát nước hư hỏng với tổng số vốn đầu tư trên 15,5 tỷ đồng.
Tranh thủ các nguồn lực và phát huy nội lực, huyện đầu tư phát triển mạng lưới điện nông thôn, 19.521 hộ được dùng điện lưới quốc gia, chiếm 90% tổng số hộ; hiện 277/298 thôn bản đã có điện lưới quốc gia, đạt trên 89,93%. Hệ thống bưu chính viễn thông bảo đảm thông suốt về thông tin, liên lạc ở 24 xã, thị trấn, tỷ lệ máy điện thoại trên 100 dân hiện là 8,8 máy. Đầu tư cho kết cấu hạ tầng kinh tế đi đôi với đầu tư kết cấu hạ tầng xã hội, Huyện ủy tập trung lãnh đạo nâng cấp mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã; hoàn thành quy hoạch tổng thể sự nghiệp phát triển y tế, bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân giai đoạn 2010 - 2015 và tầm nhìn 2020, hiện nay, 12 xã đã đạt chuẩn y tế quốc gia về y tế xã. Cơ sở vật chất cho giáo dục được quan tâm, chương trình kiên cố hoá trường, lớp học đạt trên 90%, hiện có 3 trường đạt chuẩn quốc gia...
Những chuyển động mới sau gần một năm thực hiện Nghị quyết 26 (khoá X) cho thấy Đảng bộ huyện đã xác định các giải pháp phù hợp, đúng hướng. Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết này, Lục Yên cần nỗ lực hơn nữa với sự giúp đỡ hiệu quả về nguồn lực của Nhà nước. Trước mắt, đề nghị tỉnh tạo điều kiện về kinh phí đầu tư xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn; nghiên cứu có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các thôn bản khó khăn ngoài vùng 135 về hạ tầng cơ sở và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; tiếp tục hỗ trợ giá giống và kinh phí xây dựng chuồng trại theo mô hình chuyển đổi sang sản xuất hàng hoá tập trung.
T.A
Các tin khác
Trước biến động tăng không ngừng của giá vàng và USD, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ ngành liên quan đã và sẽ thực hiện một loạt biện pháp để kìm mức tăng giá của hai mặt hàng nhạy cảm này.
YBĐT - Tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai – Côn Minh (Trung Quốc) từ lâu đã trở thành huyết mạch giao thông quốc tế quan trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc. Do vậy, nó cũng trở thành “con đường hàng lậu” cho gian thương lợi dụng chính sách thông thoáng trong mở cửa, hội nhập để tuồn hàng lậu, hàng trốn thuế vào Việt Nam tiêu thụ.
Sáng nay (25/11), giá bán vàng của các doanh nghiệp công bố quanh 28,9 triệu đồng, bám sát đà tăng giá trên thị trường thế giới.
Sáng nay, 25-11, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã công bố quyết định điều chỉnh lãi suất cơ bản tăng từ 7%/năm lên 8%/năm, lãi suất tái cấp vốn tăng từ 7%/năm lên 8%/năm, lãi suất chiết khấu tăng từ 5%/năm lên 6%/năm, thời điểm áp dụng là từ ngày 1-12-2009.