Văn Chấn: Nông dân “căng mình” chống hạn
- Cập nhật: Thứ tư, 13/1/2010 | 9:16:45 AM
YBĐT - Những cánh đồng thao thức chờ nước đang hối thúc nông dân đưa nước về đồng. Văn Chấn - vựa lúa nhất nhì Tây Bắc hiện đang đối mặt với hạn. Chuyện làm ăn của nhà nông lại một phen gian khó, những người nông dân nhỏ bé vẫn căng mình chống hạn với kỳ vọng một mùa vàng trọn vẹn thay vì “trông trời, trông đất, trông mây” như những tháng ngày một thuở...
Mạ giống được nông dân xã Thạch Lương che phủ ni lông chống rét nên sinh trưởng tốt.
|
Sương sớm vẫn còn ướt mặt cỏ, những nông dân ở xã Thạch Lương đã ra đồng. Chị Lường Thị Thuỷ, quần xắn tới gối, mặt bạc vì gió đông đang hối hả dọn nốt những đám bèo, cỏ trên mặt ruộng. Chị cho hay, nước làm mạ thì tàm tạm nhưng để cày bừa xong 1.000 m2 ruộng của gia đình thì thiếu to. Khuyến nông viên Đinh Kim Hiền thì cho biết, việc điều tiết nước xã đã triển khai nhưng nhiều tháng nay không có mưa, các con suối trong vùng rất cạn, thủy lợi Nậm Tăng nguy cơ không đáp ứng cho sản xuất.
Chủ tịch UBND xã Lường Văn Xuân vừa tiếp nhận công điện chống hạn của UBND huyện tỏ vẻ lo lắng: “15 ha ở các thôn Lương Hà, Bản Đường, Bản Khem, Nà Ban đã hạn nặng. Khả năng thực hiện kế hoạch cấy 188 ha vụ xuân của chúng tôi sẽ gặp khó khăn. Chiều qua, đi thăm đồng, bà con gieo mạ xong 80% diện tích, từ hôm nay tập trung cày bừa, cấp bách nhất là nước tưới".
Khi chúng tôi tới Sơn A – xã nằm trong vùng cánh đồng Mường Lò, Phó chủ tịch UBND xã Mã Văn Chiến đang trực điều tiết nước cho sản xuất, ông Chiến thông tin là toàn bộ số mạ để gieo cấy 205 ha lúa đã gieo xong theo đúng lịch, đất đã làm khoảng 40% diện tích. Rất lo là khi nông dân tập trung cày bừa thì chỉ trên 50% diện tích đủ nước tưới. Sơn A so với các xã trong vùng Mường Lò khá thuận lợi về nước tưới vì gần đầu nguồn suối Đôi nhưng hiện tại nước tích trữ ở thủy lợi Tà Cọn xuống thấp, nước ở suối Đôi có chỗ chỉ trên dưới nửa mét.
10 thôn trong xã thì 7 thôn mắc hạn, nặng nhất là thôn Gốc Bục và Ao Luông 2 với tổng diện tích hạn trên 40 ha. Thôn Gốc Bục, diện tích gieo cấy trên đất hai lúa vụ này 29 ha, nhưng thôn ở cuối nguồn nên hầu như không đủ nước cho cày bừa sau làm mạ. Thôn Ao Luông 2, thì quá 2/3 trong 14 ha cấy vụ xuân bị hạn.
Tổng hợp của Phòng Nông nghiệp và PTNN Văn Chấn, trên 400 ha ruộng cấy vụ xuân trên đất canh tác hai vụ lúa mắc hạn. Vùng thấp có Thạch Lương, thị trấn Nông trường Liên Sơn, Phúc Sơn, Hạnh Sơn, Sơn A...; hạn trầm trọng hơn ở các xã vùng ngoài như Thượng Bằng La, Minh An, Nghĩa Tâm, Bình Thuận, Tân Thịnh và các xã vùng thượng huyện, vùng cao như Nậm Búng, Gia Hội, Tú Lệ, Sùng Đô, Nậm Mười, An Lương, Suối Giàng, Suối Bu, Suối Quyền...
Chống hạn lúc này là việc cấp bách, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT, các xã, thị trấn quản lý chặt chẽ nguồn nước đầu nguồn và ở các công trình thuỷ lợi; điều tiết nước đúng kế hoạch, hợp lý; chuẩn bị các phương tiện, hỗ trợ nông dân nhiên liệu bơm nước ở các vùng trọng điểm sản xuất, hạn nặng và có các biện pháp điều chỉnh kịp thời cơ cấu, diện tích canh tác.
Thạch Lương, để giải quyết nước tưới cho 15 ha hạn nặng, xã đã chỉ đạo Ban Thuỷ nông triển khai kế hoạch điều tiết nước tưới luân phiên, dùng máy bơm nước cứu hạn ở các thôn Lương Hà, Bản Đường, Bản Khem, Nà Ban. Bà Nguyễn Thị Hiền – trưởng thôn Lương Hà cho biết, thôn đã chỉ đạo nông dân tận dụng nước ở các khe suối, dẫn về đồng qua mương máng, luân phiên dẫn nước cho từng diện tích, không để xảy ra tranh chấp nước.
Đáng chú ý, một biện pháp được bà con áp dụng nhằm tiết kiệm nước khá hiệu quả là làm mạ khay, làm mạ tại sân, hạn chế làm mạ đồng. Theo chị Đinh Kim Hiền - khuyến nông viên xã Thạch Lương thì bà con đã làm mạ khay ở 50% diện tích. Phương pháp này cũng được áp dụng ở Sơn A với trên 60% diện tích mạ gieo. Theo Phó chủ tịch UBND xã Mã Văn Chiến, xã đã chỉ đạo Ban Thuỷ nông dùng nguồn cấp bù thủy lợi phí để bơm nước luân phiên, liên tục cho đồng ruộng, nhất là các diện tích cuối nguồn.
Ở thôn Gốc Bục - ông Đinh Văn Học cho biết, 29 ha ruộng cấy vụ xuân đã gieo xong mạ, để hoàn thành cày bừa, cấy lúa trong khung thời vụ thôn đã huy động nhân dân nạo vét đường mương, làm thêm máng dẫn nước từ suối Đôi về theo phương châm “xa trước, gần sau”. Nhờ đó, trên 1/2 diện tích hạn đã tạm đủ nước để cày bừa, làm mặt. Còn ở thôn Ao Luông 2, theo trưởng thôn Hà Văn Môn thì 14 ha ruộng cấy đang được bà con tập trung cứu hạn với các biện pháp khơi thông mương máng, nạo vét kênh mương, bơm nước từ suối Đôi lên đồng trên cơ sở lịch điều tiết, phân nước của thôn và xã.
Thời điểm này, nông dân Văn Chấn đã gieo xong trên 20 trong tổng số 40 tấn lúa giống cho sản xuất vụ xuân; diện tích làm đất, cày bừa khoảng 2.000 ha. UBND huyện cũng tính tới việc điều chỉnh cơ cấu cây trồng, diện tích canh tác vụ xuân, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Văn Toản cho biết, đã dự phòng 20 tấn lúa thuần chất lượng cao, sức chịu hạn tốt để gieo cấy ở diện tích hạn đã khắc phục và sau thu hoạch ngô đông xuân muộn ở vùng thấp. Với các xã vùng cao và vùng ngoài, sẽ chuyển sang trồng ngô và đậu tương.
Theo kế hoạch, vụ xuân 2010 tổng diện tích gieo trồng của Văn Chấn là 3.950 ha, trong đó 3.910 ha lúa, hạn hán như hiện nay, diện tích lúa của huyện sẽ thu hẹp để chuyển sang trồng ngô, đỗ tương, rau màu khác.
400 ha - có thể còn cao hơn nếu những ngày tới vùng phía Tây tiếp tục không có mưa. Văn Chấn - những cánh đồng thao thức chờ nước đang hối thúc nông dân đưa nước về đồng, chuyện làm ăn của nhà nông lại một phen gian khó nhưng những người nông dân nhỏ bé vẫn căng mình chống hạn, kỳ vọng một mùa vàng trọn vẹn thay vì "trông trời, trông đất, trông mây" như tháng ngày một thuở...
Tuấn Anh
Các tin khác
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản gửi các ngân hàng thương mại và chi nhánh NHNN tỉnh, TP trực thuộc Trung ương yêu cầu ngừng cho vay để đầu tư kinh doanh trên sàn vàng theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính vừa đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện các biện pháp bình ổn giá sữa tại địa phương mình, bao gồm chỉ đạo các cơ quan tiến hành kiểm tra ngay các doanh nghiệp sữa và các đại lý trên địa bàn; đồng thời kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý giá, thực hiện các biện pháp về kinh tế, hành chính theo thẩm quyền...
Ngày 11-1, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã chủ trì cuộc họp nóng bàn về các chủ trương, giải pháp đẩy mạnh kiểm dịch, kiểm soát nông sản nhập khẩu. Trong đó, tập trung vào việc ngăn chặn các loại nội tạng động vật tràn qua biên giới phía Bắc đang trở thành vấn đề nóng hiện nay.
Đến 2015, 50% chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu được nâng cấp, cải tạo và xây mới; 100% chợ trung tâm của huyện được kiên cố hóa; 30% thị trấn có loại hình tổ chức phân phối quy mô nhỏ và vừa.