Cần nghiêm túc thực hiện phương án " 3 cứng"
- Cập nhật: Thứ sáu, 22/1/2010 | 9:05:53 AM
YBĐT - Thực hiện Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai chính sách hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo (Đề án 167) , sau 1 năm thực hiện Đề án trên địa bàn huyện Văn Yên, qua công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng đều có chung một đánh giá: Quy trình triển khai đảm bảo công khai, dân chủ, đúng đối tượng.
Lãnh đạo huyện thăm ngôi nhà mới của gia đình ông Nguyễn Văn Dục, xã An Thịnh.
|
Tuy nhiên việc triển khai cần phải thực hiện theo phương án " 3 cứng": cứng mái, cứng cột và cứng nền. Đây là yếu tố quan trọng để nâng độ bền tuổi thọ của công trình khi sử dụng.
Những ngày đầu năm 2010, chúng tôi cùng các đồng chí lãnh đạo Phòng Công thương, Phòng Lao động - Thương binh và xã hội huyện Văn Yên đi thăm các gia đình được hỗ trợ nhà theo Quyết định 167 của Chính phủ. Điểm đến đầu tiên là gia đình bà Hoàng Thị Dạch, trú tại thôn Làng Lớn xã An Thịnh. Đến nơi, chị Dạch không có nhà.
Trưởng thôn Nguyễn Thị Tình nhanh chóng có mặt thông báo: "Chị ấy về quê do anh trai mới mất 2 hôm nay. Đây là hộ dân tộc thiểu số, sống cô đơn không nơi nương tựa. Đã 5 năm nay, chị Dạch còn bị bệnh đau thần kinh tọa, cuộc sống thường ngày nhờ vào anh em hàng xóm giúp nhau mớ rau, bát gạo. Cái nhà này từ hôm khởi công đến khi hoàn thành trong 7 ngày. Chị ấy mừng lắm, khóc suốt vì không nghĩ rằng đời mình lại được ở trong ngôi nhà mới khang trang gấp trăm lần nhà cũ…".
Trong ngôi nhà mới, nhìn quanh chúng tôi thấy không có vật gì đáng giá tới vài trăm ngàn. Cửa chính chưa có cánh, phải treo tạm một tấm mành cọ, một bát hương nhỏ đặt trên chiếc ghế đẩu làm nơi thờ tự... Hộ thứ hai chúng tôi đến thăm là gia đình cựu chiến binh Nguyễn Văn Dục, trú tại thôn Đại Thịnh, cùng xã An Thịnh. Nhà ông Dục cách đường ô tô không xa, chỉ vài trăm mét. Ông Dục chọn mẫu cho nhà mình là cột bê tông, làm kiểu nhà sàn, mái lợp cọ, nền đất.
Khi được hỏi, tại sao ông không chọn mái phibrôximăng và láng nền bê tông cho sạch, ông Dục cười đáp: " Tôi ở nhà cọ từ bé quen rồi, chứ vận chuyển tấm lợp vào đây không khó, xe trâu đưa vào tận cổng, còn nền bê tông làm sau vậy…". Được biết, các con ông đã dựng vợ gả chồng và ra ở riêng, hiện tại chỉ còn ông bà sống dựa vào 2,6 sào ruộng, một năm cũng cho thu 7 tạ thóc, mấy sào ao mỗi năm thu 4 triệu tiền cá, chưa kể còn cả ngàn cây quế 5 tuổi… Xem ra, gia đình nghèo này cũng đáng để nhiều hộ có kinh tế trung bình khá ở các xã vùng thấp đến học tập.
Rời An Thịnh, chúng tôi đến xã Đại Phác, thăm gia đình ông Hoàng Văn Quyết ở thôn Đại Thắng. Phía trước ngôi nhà gỗ lợp cọ sắp đổ là ngôi nhà mới đang trong giai đoạn hoàn thiện. Ông Quyết cảm động: "Người nghèo chúng tôi được Đảng, Nhà nước quan tâm như thế này là mừng lắm. Trước đây, cả nhà phải ở trong cái nhà sắp đổ kia. Được thôn, xã, bình xét cho được hưởng trợ cấp và vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 8 triệu đồng, để hoàn thành căn nhà này, tôi phải mất 4 tháng trời mua cát, xi măng về đóng được 2.500 viên gạch, chỉ phải mua thêm có 1.000 viên nữa là đủ. Anh em trong gia đình họ mạc, người cho vay 3 đến 5 triệu đồng, thêm thắt vào xây cái nhà 45 m2 này, xong tất cũng 60 triệu đấy. Khoảng 20 ngày nữa là xong, chắc chắn Tết năm nay được ở nhà mới rồi...".
Ông Bùi Văn Việt, Trưởng phòng Công thương, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở huyện Văn Yên, cho biết về các bước triển khai quy trình của Đề án: "Sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh, huyện cũng đã thành lập ngay Ban chỉ đạo và triển khai toàn bộ nội dung của Quyết định xuống tất cả các xã. Các địa phương cũng thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, cùng các ngành thành viên như: mặt trận Tổ quốc, hội nông dân, hội phụ nữ, Đoàn thanh niên…
Các thôn tiến hành họp và bình xét dưới hình thức bỏ phiếu bình chọn công khai. Bước đầu huyện xây dựng 1.918 nhà, bước 2 rà soát lại và giảm xuống còn 1.173 nhà và cuối cùng là 1.109 nhà theo Quyết định, giai đoạn 2009- 2013. Đối tượng cũng được đưa vào diện lựa chọn như: hộ gia đình chính sách, dân tộc thiểu số, gia đình sống trong vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Các nguồn hỗ trợ làm nhà, cụ thể: ngân sách Trung ương 8,4 triệu đồng/hộ; ngân sách tỉnh 1,4 triệu/hộ, Quỹ Vì người nghèo tỉnh 500 ngàn đồng/hộ; ngân sách huyện 200 ngàn đồng/ hộ; Quỹ Vì người nghèo huyện 200 ngàn đồng/hộ. Những hộ làm nhà còn được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 8 triệu đồng, trong thời hạn 10 năm; trong đó, 5 năm đầu không phải trả lãi, từ năm thứ 6 trở đi, mỗi năm phải trả 20% tổng số vốn vay".
Hiện nay, huyện Văn Yên đã có 103 nhà hoàn thành, trong đó 3 nhà làm thí điểm để các địa phương khác đến học tập ở các xã: Tân Hợp, Yên Hưng, Lâm Giang. Riêng hộ nghèo ở thị trấn Mậu A không được xét tại Quyết định này. Xã có đông hộ được hỗ trợ gồm: Phong Dụ Thượng 87 nhà, Châu Quế Thượng 85 nhà, Châu Quế Hạ 80 nhà, Đại Sơn 70 nhà…
Qua đi thực tế thăm các hộ được hỗ trợ về nhà ở tại huyện Văn Yên cho thấy: các địa phương chưa chấp hành tốt phương án mẫu theo Quyết định 167 của Chính phủ, trong khi Văn Yên có thế mạnh về giao thông nông thôn, việc đi lại giữa các vùng là rất thuận lợi. Việc thực hiện phương án "3 cứng" hoàn toàn khả thi bởi đây là điều kiện tốt nhất để tăng tuổi thọ của công trình và phù hợp với mỹ quan nhà ở cho nông thôn miền núi như hiện nay.
Trường Phong
Các tin khác
Theo Bộ Xây dựng, hiện nay 3 đồ án quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt Nam - Campuchia, vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được hoàn thành.
Trước tình hình quản lý đất đai còn nhiều sai phạm, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị các Bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong sử dụng đất của các tổ chức được Nhà nước giao, cho thuê đất.
YBĐT - Ngày 21.01.2010, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị triển khai các nghị quyết của Chính phủ và Tỉnh uỷ về thực hiện nhiệm vụ năm 2010 và một số nhiệm vụ trọng tâm trong quý I. Đồng chí Hoàng Thương Lượng-Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
YBĐT - Sản xuất vụ xuân 2010 được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, rét đậm, rét hại nhất là tình hình hạn hán có thể xảy ra trên diện rộng. Song với sự chỉ đạo sát sao của ngành nông nghiệp các huyện thị, đến ngày 17/1/2010 bà con nông dân trong tỉnh đã tiến hành gieo mạ, làm đất, nạo vét kênh mương và tu sửa các công trình thuỷ lợi hết sức khẩn trương, đảm bảo gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất.