Tại huyện Mù Cang Chải, Đoàn công tác đã đến thăm quan, trải nghiệm và tìm hiểu Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang tại xã Chế Cu Nha và những bản sắc văn hóa của đồng bào người dân tộc Mông ở xã Mồ Dề…
Với trên 96% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm trên 90%, việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc vô cùng phong phú, độc đáo và đa dạng đã giúp các địa phương trên tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút du khách.
Những năm qua, huyện Mù Cang Chải luôn xác định phát triển ngành du lịch gắn với giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hoá dân tộc vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp tạo sinh kế, giúp người dân có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững với mục tiêu xuyên suốt là xây dựng Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch - là điểm đến "Bản sắc, an toàn, thân thiện”, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn là huyện nghèo, đến năm 2030 không còn là huyện nghèo.
Để thúc đẩy phát triển du lịch, thời gian qua, huyện Mù Cang Chải đã tập trung đẩy mạnh chương trình liên kết, hợp tác trong lĩnh vực phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc; tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa của đồng bào Mông Mù Cang Chải ra các tỉnh, thành phố trong nước và thế giới. Từ đầu năm nay, huyện Mù Cang Chải đã đón trên 332 nghìn lượt du khách du lịch trong nước và nước ngoài, doanh thu đạt trên 327,3 tỷ đồng.
Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết tham quan cây chè tổ tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn.
Tại huyện Văn Chấn, đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết cùng đoàn công tác đã đến thăm quan Khu du lịch sinh thái tại xã Suối Giàng.
Nằm ở độ cao trên 1.400m so với mặt nước biển, Suối Giàng có mây mù bao phủ, khí hậu mát mẻ cho những cây chè Shan tuyết hàng trăm năm tuổi phát triển. Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu trong lành, xã Suối Giàng ngày càng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, những năm qua, đồng bào dân tộc Mông Suối Giàng đã tập trung đầu tư phát triển các loại hình du lịch trải nghiệm và thưởng trà.
Từ đầu năm đến nay, Suối Giàng đón hàng nghìn lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng, doanh thu hàng chục tỷ đồng. Để phấn đấu mỗi năm đón trên 70.000 lượt khách, xã Suối Giàng đang phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào hoạt động kinh doanh, du lịch, đặc biệt hỗ trợ các cơ sở du lịch cài đặt các phần mềm, các ứng dụng tiện ích trong kinh doanh du lịch.
Đoàn công tác của Ban Tổ chức Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh thưởng trà tại Không gian văn hóa trà Suối Giàng, huyện Văn Chấn.
Qua tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm thực tế các mô hình phát triển du lịch tại 2 huyện Mù Cang Chải và Văn Chấn, đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách nhằm khai thác tiềm năng để thúc đẩy phát triển các loại hình du lịch và tư duy của các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân bản địa trong phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng…
Đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết mong rằng trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các chính sách của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ phát triển du lịch; khuyến khích và hỗ trợ người dân phát triển các sản phẩm du lịch, mở rộng các tour du lịch trải nghiệm văn hóa, chú trọng đến chất lượng và tính độc đáo của các sản phẩm, tạo sức hút đối với du khách; tăng cường việc quảng bá, giới thiệu và liên kết với các tỉnh, thành phố trong cả nước về các sản phẩm du lịch chất lượng, bản sắc, hấp dẫn, có thương hiệu gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên; phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và các yếu tố tự nhiên, văn hóa, con người phục vụ phát triển du lịch; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch có tiềm năng, lợi thế để thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch, góp phần nâng cao thu nhập cho ngời dân từ phát triển các sản phẩm du lịch…
Được biết, Chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang và thành phố Hồ Chí Minh. Triển khai Chương trình, các tỉnh đã tăng cường công tác thông tin xúc tiến du lịch và liên kết, quảng bá du lịch nhằm thu hút khách du lịch đến với khu vực, đẩy mạnh triển khai hiệu quả các nội dung, hoạt động liên kết hợp tác.
Nhiều năm qua, Nhóm Liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Tây Bắc mở rộng và thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động đẩy mạnh liên kết quảng bá, xúc tiến du lịch, tạo ra những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách. Để tiếp tục thúc đẩy các hoạt động tham gia của tỉnh thành viên, đầu năm nay, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành và thực hiện tốt
Kế hoạch số 55/KH-UBND về triển khai các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và thành phố Hồ Chí Minh năm 2024.
Đức Toàn