Gặp gỡ những người chăn nuôi giỏi

  • Cập nhật: Thứ hai, 25/1/2010 | 9:05:33 AM

YBĐT - Những năm gần đây, chăn nuôi ở Yên Bái đã sự có chuyển biến tích cực và xuất hiện ngày càng nhiều mô hình trang trại theo hướng bán công nghiệp quy mô lớn. Trong số đó có trang trại của bà Đặng Thị Tuyết ở tổ 35, phường Đồng Tâm (thành phố Yên Bái).

Đi nhiều nơi, tham quan nhiều mô hình nuôi lợn, nhưng khi đến thăm trang trại của bà Tuyết, mới thấy người ta gọi bà là “triệu phú lợn” quả là không sai. Khu trang trại rộng 6.000 m2, bà dành riêng để nuôi lợn nái. Toàn bộ con giống được chuyển sang khu trại 2 ha ở khu Đầm Mỏ, phường Đồng Tâm.

Trang trại được bố trí thành từng khu, từng ô, thoáng mát và đảm bảo vệ sinh. Khu trại nuôi lợn nái có hàng trăm con trong những ô chuồng hai hàng đối xứng đang cho đàn lợn con bú. Ô thì lợn giò đang chen nhau trước máng. Nhớ lại vài năm trước, khi bỏ ra hơn 400 triệu đồng mua lại trang trại, bà vẫn thấy mình “liều” bởi số tiền bỏ ra quá lớn. Nếu chẳng may phá sản thì mất hết.

Nhưng nhờ làm tốt các khâu từ chọn con giống, loại thức ăn, vệ sinh chuồng trại và công tác thú y nên trại lợn của bà đã đứng vững trước những biến động của thị trường.

Hiện nay tính cả lợn nái và lợn thương phẩm, bà Tuyết có trên 1.000 con. Trung bình mỗi năm xuất hơn 120 tấn thịt, trừ mọi chi phí thu về trên 350 triệu đồng. Tiếng lành đồn xa, mọi người rỉ tai nhau đến tham quan, học hỏi, kinh nghiệm của bà. Không hẹn mà gặp, nhiều người từ Tuyên Quang, Phú Thọ, Sơn La... cũng khăn gói đến nhờ bà truyền đạt kinh nghiệm.

Một niềm vui an ủi, khích lệ bà không ngừng mở rộng quy mô trang trại là ngoài nâng cao thu nhập cho gia đình, trang trại nuôi lợn của bà còn tạo công ăn việc làm cho 12 nhân công, có thu nhập ổn định 2 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, bà cũng đảm nhận việc cung ứng nguồn thức ăn cho các hộ chăn nuôi quanh vùng và trong tỉnh theo phương thức trả chậm không lấy lãi.

Không giống như bà Tuyết, ông Đinh Quang Trung ở tổ 17A, phường Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái), lại chọn nghề nuôi nhím. Với 100 đôi nhím sinh sản, hàng năm ông thu về gần 1 tỷ đồng từ việc bán nhím giống.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà cao tầng, khang trang sạch đẹp, ông tâm sự: “Nghề nuôi nhím đến với tôi thật tình cờ. Một lần xem ti vi có chương trình giới thiệu về nuôi nhím. Ngẫm nghĩ thấy đất đai, khí hậu ở đây cũng có thể nuôi được nhím, thế là tôi khăn gói, lặn lội lên tận Sơn La để tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Sau đó, tôi quyết định mua 4 đôi về nuôi thử.

Vạn sự khởi đầu nan, do còn non kinh nghiệm nên 1 đôi bị chết. Lúc đó, vốn ít nên tôi rất hoang mang. Rồi được gia đình, bạn bè động viên tôi tiếp tục chăm sóc số còn lại. 4 tháng sau đôi nhím đầu tiên đẻ, bán giống được hơn 10 triệu đồng. Lúc đó tôi vui lắm! Vì vậy, tôi bàn với gia đình tiếp tục vay vốn ngân hàng và những người quen biết được trên 600 triệu lên Sơn La mua thêm nhím về nuôi”.

Vào xem khu chuồng nhím, ông Trung chỉ con đực, con cái và hàng tấn những loại rau, củ, quả mà ông mua tích trữ làm thức ăn cho nhím. Khu chuồng trại nuôi nhím được bố trí thành nhiều ô nhỏ, mỗi ô chỉ rộng hơn 1 m2. Ở nhiều nơi, thấy người ta nuôi ghép một con nhím đực với nhiều con nhím cái, nhưng trong chuồng nhím của ông, mỗi đôi được nhốt trong 1 ô riêng biệt.

Theo ông, như thế hiệu suất thụ tinh của nhím sẽ cao hơn, giá trị kinh tế cũng nhiều hơn. Bài học để đời của ông,  do bất cẩn để những con nhím đực đánh nhau, gây tử vong, nên các ô chuồng nuôi nhím đều được xây bằng xi măng. Sau khu chuồng nuôi nhím, gần 100 m2 đất vườn, ông dành riêng để trồng các loại rau cải, bí đỏ, su su... vừa dùng cho sinh hoạt gia đình, vừa làm nguồn thức ăn cho nhím.

Chưa chăn nuôi quy mô lớn như bà Tuyết, ông Trung, nhưng khu chuồng trại rộng gần 500 m2  với trên 1.000 con gà, chính là thành quả của quyết tâm vươn lên của vợ chồng ông Vũ Văn Bản ở thôn Bái Dương, xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái). Dịch bệnh năm 2005 đã khiến nhiều gia đình lâm vào tình trạng phá sản, trong đó gia đình ông Bản mất hơn 1.000 con gà, không thu được đồng nào.

Khó khăn tưởng chừng không vượt qua được, ông Bản đã ngược xuôi vay vốn, chắt bóp từng đồng để khôi phục lại trang trại. Giờ đây, trong tay ông lại có hơn 1.000 con gà các loại, cho thu nhập 50 triệu đồng mỗi năm.

Ông Bản nhớ lại: “Hồi đó mọi thứ đều khó khăn, vợ chồng tôi phải đạp xe hàng chục cây số để mua ngô, phải vay vốn với lãi suất cao để có tiền mua thức ăn cho gà. Rồi khó khăn cũng qua đi, số vốn vay giờ đã trả gần hết và gia đình tôi có điều kiện để lo cho con cái ăn học và tu sửa lại nhà cửa”.

Mỗi người một suy nghĩ, một cách làm, dù đã thành công hay mới chỉ hứa hẹn, nhưng ở họ đều toát lên tinh thần ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm và vươn lên khó khăn để khai thác tiềm năng và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. 

            Hùng Cường

Các tin khác

YBĐT - Nhiều năm qua, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Chấp hành Đảng bộ xã Vũ Linh và sự hướng dẫn, chỉ đạo của BCH Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Yên Bình, Hội CCB xã Vũ Linh đã không ngừng củng cố và xây dựng tổ chức Hội trong sạch vững mạnh.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để sản xuất nông nghiệp năm 2010 đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2009, Bộ trưởng Cao Đức Phát vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị trong ngành tập trung triển khai quyết liệt, linh hoạt, kịp thời 14 nhóm giải pháp…

Giá đường tăng đột biến trong thời gian qua.

Giá đường trong nước hiện đang ở mức cao nhất trong vòng 30 năm trở lại đây (20.000 đồng/kg). Do giá đường trên thế giới không ổn định, nhiều nhà máy sản xuất đã găm hàng, đẩy giá đường trong nước tăng cao.

YBĐT - Ghi nhận nỗ lực thực hiện nhiệm vụ và thành tích đạt được trong năm 2009, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã ký tặng cờ Thi đua xuất sắc nawm 2009 cho ngành xây dựng Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục