Điện về bừng sáng bản Mông
- Cập nhật: Thứ năm, 28/1/2010 | 2:49:47 PM
YBĐT - Đầu năm mới, đồng bào Mông xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) liên tiếp đón những niềm vui mới.
Ngày 26/1/2010, người dân Nậm Khắt đã được dùng điện lưới quốc gia.
|
Vụ mùa bội thu không còn phải lo hạt gạo, bát cơm; mùa đông năm nay ấm hơn mọi năm, đàn trâu bò vẫn béo khoẻ; con đường từ Đội 1 Lâm trường Púng Luông về trung tâm xã và tuyến đi Pú Cang đang được gấp rút thi công...
Có quá nhiều niềm vui cùng đến với vùng cao Nậm Khắt nhưng vui nhất, trọn vẹn nhất là tết này đồng bào trong xã đã được dùng điện lưới quốc gia. Điện đã về bừng sáng bản Mông!
Sáng ngày 26 tháng 1 ghi dấu mốc quan trọng đối với người dân Nậm Khắt khi ngành điện chính thức đóng điện, hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống điện trung áp và hạ áp tại 7/9 thôn trong toàn xã. Hệ thống điện Nậm Khắt thuộc Dự án Năng lượng nông thôn (gọi tắt là RE II) do Công ty Điện lực I triển khai. Tại huyện Mù Cang Chải có 4 xã triển khai Dự án, gồm: Púng Luông, Mồ Dề, Zế Su Phình và Nậm Khắt, trong đó lưới điện trung áp do Điện lực Yên Bái làm chủ đầu tư, lưới điện hạ áp do Ban quản lý Dự án RE II Sở Công thương làm chủ đầu tư.
Xác định rõ, việc triển khai nhanh, chất lượng tốt toàn bộ Dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng không những bảo đảm đồng vốn vay của Chính phủ từ Ngân hàng Thế giới (WB) được sử dụng hiệu quả, mà còn góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2005 - 2010 "Đưa điện quốc gia đến 100% số xã", góp phần cải thiện đời sống đồng bào các dân tộc tại vùng nông thôn, nhất là đồng bào vùng cao, vùng xa..., Ban quản lý Dự án RE II đã phối hợp có hiệu quả với chính quyền địa phương, đặc biệt là chính quyền các xã, đồng thời chỉ đạo các nhà thầu tư vấn, giám sát, thi công thực hiện các phần việc bảo đảm nhanh, hiệu quả, chất lượng.
Khó có thể nói hết được những khó khăn, gian khổ trong quá trình đầu tư, xây dựng cơ bản tại các xã vùng cao. Việc xây dựng lưới điện còn vất vả hơn do chưa có đường giao thông, nhất là việc xây dựng lưới điện trung áp phải vượt qua núi cao và suối sâu; có những vị trí cột nhà thầu phải vận chuyển hàng tấn vật tư lên núi cao, đường vài cây số mà phần lớn chỉ bằng sức người. Luồn rừng, lội suối mà thi công nhưng nỗi kinh sợ nhất vẫn là mưa.
Ông Nguyễn Văn Đoán - Giám đốc Chi nhánh Sơn La, Công ty Lắp máy và Xây dựng điện Hà Nội kể: "Mưa ở Nậm Khắt, Púng Luông có những trận kéo dài gần một tháng, anh em công nhân chỉ biết đốt lửa sưởi ấm nhìn trời chờ ngày thi công. Quá trình thi công, đơn vị luôn nhận được sự quan tâm của ngành điện, ngành công thương và nhất là tình cảm gắn bó của đồng bào". Sự quan tâm ấy đã giúp các đơn vị thi công hoàn thành trách nhiệm của mình. "Vinh quang thuộc về người đúng hẹn". Đúng với những gì cam kết với chủ đầu tư, đường dây trung áp dài 17 km, đường hạ áp tại xã Nậm Khắt dài 7,6 km với gần 200 vị trí cột và hơn 300 công tơ đo đếm đã được lắp đặt hoàn chỉnh.
Ngày đóng điện thực sự là niềm vui khôn tả. Chủ tịch UBND xã Lý Chờ Khày cứ nhắc đi, nhắc lại: "Phấn khởi quá rồi! Cảm ơn Đảng, Nhà nước quá rồi!". Sùng A Páo, người bản Pú Cang thấy Nhà nước đưa người về khảo sát, thiết kế đường điện đã bỏ tiền ngay mua bóng đèn, công tắc, đường dây về lắp sẵn ở nhà, đợi khi nào điện về là nhờ luôn các anh công nhân đấu nối. Vợ chồng A Páo còn chuẩn bị sẵn tiền đề mua một máy xay xát chạy điện về xát gạo, xát sắn của gia đình và làm thêm dịch vụ cho bà con trong thôn. Lễ đóng điện ở Nậm Khắt còn có sự tham gia rất nhiệt tình của các thầy cô giáo thuộc các trường học trong xã. Tranh thủ giờ không lên lớp, các thầy cô giúp xã mời nước, đón khách và làm cả phiên dịch tiếng Kinh, tiếng Mông cho cán bộ và đồng bào.
Thầy Nguyễn Tiến Lực - Hiệu trưởng Trường tiểu học Nậm Khắt hồ hởi: "Vui lắm, các đồng chí ạ! Có điện sẽ văn minh, văn hoá hơn. Vợ chồng em và 35 thầy cô giáo trong Trường sẽ yên tâm công tác, gắn bó với Nậm Khắt. Không có điện thiệt thòi đủ thứ. Ví như năm trước Trường tiểu học Kim Đồng (thành phố Yên Bái) lên đây giúp chúng em triển khai chương trình soạn giáo án điện tử nhưng không có điện đành bó tay; giờ có điện rồi các thầy cô soạn giáo án, còn học sinh tha hồ học và làm bài ở nhà".
Chị Giàng Thị Dở nhà ở bản Hua Khắt cho biết: "Từ nay nhà mình sẽ chia tay cái máy phát điện chạy dưới khe cho ánh điện tối hơn cả bếp lửa. Nhiều nhà trong bản đã mua dây, mua bóng về lắp điện để đón tết rồi đấy".
Trong niềm vui được dùng điện lưới quốc gia của người dân xã Nậm Khắt, ông Đặng Văn Thanh - Giám đốc Điện lực Yên Bái đã phát biểu: "Đưa điện lên vùng cao nói chung và Nậm Khắt nói riêng là sự quyết tâm chăm lo cho đồng bào của Đảng và Nhà nước cũng như ngành điện. Điện lực Yên Bái sẽ tiến hành quản lý vận hành và bán trực tiếp cho bà con. Tới đây, xã và Chi nhánh Điện Mù Cang Chải sẽ chọn những người trong xã có kiến thức, trách nhiệm, đưa đi đào tạo, tập huấn để về làm đại lý bán điện tại xã. Mong muốn lớn nhất là bà con dùng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống và sản xuất".
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Hết năm 2009, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội trên địa bàn huyện Lục Yên (Yên Bái) thực hiện ước đạt 223 tỷ 500 triệu đồng, đạt 111,7% so với kế hoạch và tăng 25,5% so với năm 2008. Kết quả này đã góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng ngành thương mại – dịch vụ của huyện.
YBĐT - Dự án vùng lúa hàng hóa được triển khai đã qua 3 vụ và đạt được những kết quả bước đầu từ cơ cấu giống đến năng suất và chất lượng. Vụ mùa 2008, sản lượng lúa hàng hóa đạt 2.505 tấn, năm 2009 sản lượng đạt 5.444 tấn, năng suất bình quân đạt 12,13 tấn/ha, giá trị đạt 55 - 60 triệu đồng/ha.
Ngày 27-1, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu.
YBĐT - Vụ rét cuối năm 2007 - đầu năm 2008 đã làm thiệt hại hơn 7000 con gia súc trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Đây là bài học đắt giá cho các địa phương và các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh trong việc chăm sóc đàn gia súc trong mùa đông năm 2010.
>>> Văn Yên: Chủ động phòng chống dịch bệnh và đói rét cho gia súc