Văn Chấn: Câu chuyện 4 nhà trong sản xuất khoai tây hàng hoá
- Cập nhật: Thứ năm, 15/4/2010 | 2:08:51 PM
YBĐT - Năm 2009 là năm đầu tiên Văn Chấn (Yên Bái) triển khai chương trình sản xuất khoai tây hàng hoá và theo kế hoạch năm 2010, huyện tiếp tục triển khai với diện tích 200 ha. Nhưng trong việc liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông, mỗi người cần hiểu rõ hơn trách nhiệm của mình.
Vụ khoai tây năm 2009, Văn Chấn thu hoạch được gần 2.000 tấn.
Trong ảnh: Nông dân Văn Chấn kiểm tra sự sinh trưởng của khoai tây.
|
Lâu nay, vấn đề nan giải nhất trong sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, đó là thị trường tiêu thụ. Hàng nông sản làm ra nếu không có thị trường tiêu thụ, tất yếu nông dân sẽ là người chịu thiệt thòi trước tiên. Vậy mà trong chương trình sản xuất khoai tây hàng hoá ở Văn Chấn năm 2009, người nông dân lại đang tự đánh mất lòng tin với thị trường, với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để thu cái lợi trước mắt.
Từ cơ hội...
Văn Chấn vốn là vùng đất nổi tiếng có nhiều đặc sản nông nghiệp đã được cả nước biết đến như gạo Mường Lò; đặc sản nếp Tú Lệ; cam Văn Chấn; chè Suối Giàng... Với nguồn tài nguyên đất đai mầu mỡ, khí hậu thuận lợi, người dân có trình độ canh tác khá, chăm chỉ làm ăn, nhiều chương trình sản xuất hàng hoá triển khai ở đây đã thành công. Năm vừa qua, huyện Văn Chấn tiếp tục triển khai chương trình sản xuất khoai tây hàng hoá, trên cơ sở tìm được hai doanh nghiệp đồng ý bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân, đó là Công ty Orion Vina và Công ty Pepsi.Cola. Đây thực sự là cơ hội cho một bộ phận nông dân ở Văn Chấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập.
Ngay khi tìm được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, huyện Văn Chấn đã thành lập Ban chỉ đạo sản xuất khoai tây hàng hoá do một đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban. Để có sản phẩm củ khoai tây đảm bảo quy cách thu mua của doanh nghiệp, Văn Chấn đã ký hợp đồng sản xuất với Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và khuyến nông; Viện sinh học-Trường đại học Nông nghiệp I và trực tiếp đến từng hộ dân tham gia chương trình. Trước vụ trồng, người nông dân đã được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch. Diện tích khoai tây hàng hoá được triển khai ở 4 xã vùng ngoài gồm: Tân Thịnh, Cát Thịnh, Đồng Khê và Sơn Thịnh. Về cơ chế hỗ trợ, các hộ tham gia chương trình sẽ được ứng giống trước, sau thu hoạch thanh toán giống bằng đối trừ sản phẩm.
Kết quả vụ sản xuất đầu tiên rất khả quan. 70 ha khoai tây sản xuất theo chương trình đã cho thu hoạch khá. Sản lượng thu được 742 tấn, năng suất bình quân đạt 10,6 tấn/ha (cao hơn 1,6 tấn/ha so với các diện tích không năm trong chương trình). Tính toán theo giá trị kinh tế, tổng chi phí đầu tư để sản xuất cho 1 ha khoai tây bình quân là 24 triệu 825 ngàn đồng. Trong đó, chi phí vật tư 19 triệu 425 ngàn đồng, chí phí lao động 5 triệu 400 ngàn đồng với giá bán 3.500 đồng (giá hợp đồng với doanh nghiệp trước mùa vụ) tổng doanh thu của 1 ha đạt 37 triệu 100 ngàn đồng. Lợi nhuận người trồng đạt 12 triệu 275 ngàn đồng/ha. Lợi nhuận như vậy là tương đối cao, gấp 3 lần thu nhập so với trồng ngô.
Đến câu chuyện liên kết 4 nhà
Thời điểm thu hoạch là thời điểm trước, trong và sau tết, do vậy mà giá thị trường luôn biến động. Giá thị trường lên tới 5.500 đồng/kg (gần gấp đôi so với giá hợp đồng nông dân đã ký với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm). Chính vì vậy, nhiều hộ dân đã giữ lại những củ to, tròn, để bán ra ngoài cho tư thương. Phần doanh nghiệp, trong số trên 700 tấn khoai tây thu hoạch, doanh nghiệp chỉ thu mua được gần 260 tấn.
Tất nhiên, cũng có phần khách quan là không phải 700 tấn sản phẩm khoai tây thu hoạch được, đều đủ tiêu chuẩn thu mua của doanh nghiệp mà phần nhiều không đủ tiêu chuẩn, do ở mỗi gia đình, mỗi nhóm hộ có năng suất, chất lượng sản phẩm khác nhau. Nguyên nhân có tình trạng trên là điều kiện sản xuất, sự nhận thức, tiếp thu kỹ thuật, cách áp dụng của mỗi hộ còn nhiều hạn chế. Việc lựa chọn đất đai, quy hoạch vùng sản xuất, sự cân đối giữa phân vô cơ và phân chuồng, tưới nước, quy cách trồng, chăm sóc... chưa phù hợp, đúng yêu cầu cũng đã ảnh hưởng nhiều đến chất lượng củ.
Năm 2009 là năm đầu tiên Văn Chấn triển khai chương trình sản xuất khoai tây hàng hoá và theo kế hoạch năm 2010, huyện tiếp tục triển khai với diện tích 200 ha. Nhưng trong việc liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông, mỗi người cần hiểu rõ hơn trách nhiệm của mình.
Câu chuyện ở Văn Chấn cho thấy người nông dân chưa ý thức được trách nhiệm của mình với doanh nghiệp. Phía nhà nông thì cái tư tưởng “ăn xổi” chỉ biết đến cái lợi trước mắt không nghĩ đến nếu ngày mai, không còn doanh nghiệp nào dám ký hợp đồng thu mua sản phẩm thì hậu quả sẽ ra sao? Công tác chuyển giao kỹ thuật, cũng bộc lộ nhiều hạn chế, một phần do ý thức, trình độ tiếp thu của người dân, do vậy việc áp dụng không được đồng bộ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Phía nhà nước cũng chưa làm tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất, triển khai nhỏ lẻ, một số diện tích đất không phù hợp. Phía doanh nghiệp mới chỉ quan tâm thu mua sản phẩm đúng quy cách, tiêu chuẩn. Trong khi đó, một lượng lớn sản phẩm không đủ quy cách thì vẫn chưa có hướng tiêu thụ cho nông dân.
Hoàng Dũng
Các tin khác
Thanh tra Bộ Tài chính vừa hoàn thiện báo cáo kết quả kiểm tra một số doanh nghiệp thép. Theo báo cáo này, từ năm 2009 đến quý I-2010, có doanh nghiệp thép đã “lập kỷ lục” với trên 160 lần điều chỉnh giá nhưng kết quả kinh doanh vẫn lỗ…
YBĐT - Ngày 14 tháng 4 năm 2010 Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
YBĐT - Huyện Trấn Yên (Yên Bái) giờ đây độ che phủ của rừng đạt 68%, người làm rừng đã sống được và làm giàu từ rừng. Trong số gần 47.000 ha rừng trong toàn huyện, đã có trên 30.000 ha là rừng trồng cây nguyên liệu giấy, quế, tre măng Bát Độ.
YBĐT - Huyện Mù Cang Chải đã phát động phong trào “Phát triển xanh” giai đoạn 2010 - 2015 với nội dung “Ba xanh, năm có, năm không”.