Yên Bái: Điện phập phù, doanh nghiệp khổ
- Cập nhật: Thứ sáu, 16/4/2010 | 9:07:36 AM
YBĐT - Nghị định 45/CP trong đó quy định trách nhiệm của bên bán, quyền lợi của bên mua kể như vô nghĩa với nhiều người khi mà ngành điện vẫn “bài ca” thiếu nguồn, chất lượng điện năng thì sụt giảm nghiêm trọng và doanh nghiệp buộc phải ngậm ngùi chia sẻ, ấm ức chấp nhận thiệt thua về mình.
Thiết bị nghiền xi măng bị cháy hỏng do mất điện đột ngột.
|
Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái (gọi tắt là YBC) là một trong số mấy trăm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến ở Yên Bái đã và đang phải ngậm ngùi như vậy nhất là trong tình trạng cắt điện luân phiên như những ngày qua...
Nhiều doanh nghiệp ở Yên Bái - trong đó có Công ty TNHH Yên Phú (thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình) đã lên tiếng khiếu nại, đòi ngành điện bồi thường thiệt hại do không thực hiện đúng hợp đồng và quy định của pháp luật theo Nghị định 45/CP. YBC thì không, nên ít người biết doanh nghiệp phải chịu thiệt hại như thế nào. Công ty này trả cho Điện lực Yên Bái gần 4 tỷ đồng tiền điện một tháng, tức là khoảng 48 tỷ đồng/năm và là khách hàng lớn nhất trong số trên 700 doanh nghiệp ở Yên Bái.
Thống kê của bộ phận quản lý điện, riêng Nhà máy Xi măng, năm 2009 mất điện 3.066 phút, tổng số 65 lần, trong đó mất báo trước chỉ có 25 lần, mất không báo trước 27 lần, còn lại là báo sai và sụt giảm điện. Từ ngày 1/1 tới ngày 7/4/2010, số lần mất điện ở nhà máy này là 12 lần, số phút mất là 1.481 - quá 1/3 số phút mất cả năm 2009, nếu tính cả Nhà máy nghiền Cácbonnát Canxi thì số lần và giờ mất điện năm ngoái và hơn 3 tháng qua còn lớn hơn nhiều.
- Bên bán điện có nghĩa vụ bán đủ số lượng (công suất, điện năng), bảo đảm chất lượng ổn định. - Trường hợp cắt điện theo kế hoạch cần thông báo cho bên mua ít nhất 05 ngày. - Có trách nhiệm bồi thường cho bên mua những thiệt hại do bên bán gây ra theo quy định và thoả thuận. (Điều 42, Nghị định 45/2001/CP của Chính phủ ban hành ngày 02/8/2001 về hoạt động điện lực và sử dụng điện, quy định)
Giám đốc Nhà máy Sản xuất xi măng - ông Phạm Hữu Thạo tính như sau: “Mỗi lần mất điện, sụt giảm điện phải dừng lò lại, Nhà máy phải mất 60 triệu đồng tiền dầu và 40 triệu tiền than để đốt lò. Điện thất thường, chất lượng không ổn định phá hoại nhiều thiết bị sản xuất trong dây chuyền xi măng. Mới nhất, hai động cơ 6 KV công suất 380 KW, trọng lượng 5 tấn/chiếc trong dây chuyền nghiền đã cháy. Để mua mới, doanh nghiệp phải chi từ 400 – 500 triệu đồng/chiếc, giải pháp là Công ty dùng xe cẩu đưa máy lên xe về Đông Anh khắc phục, chi phí trên 100 triệu đồng/chiếc. Nhỏ hơn, hai bộ biến tần công suất 18 KW cũng cháy do nguồn điện không bảo đảm, doanh nghiệp phải chi 36 triệu đồng/chiếc khắc phục”.
Trong số hàng trăm giờ mất điện do đủ thứ nguyên do. Đáng kể nhất là ngày 19/3/2010 mất điện từ 6h00 tới 16h30, ngày 20/3/2010 mất từ 6h00 tới 12h30, ngày 27/9/2009 từ 22h00 tới 6h30, ngày 25/7/2009 mất từ 15h00 tới 18h00 không báo trước, ngày 7/7/2009 từ 1h20 - 9h15 và 9h50 - 9h55 tổng số 480 phút không báo trước, ngày 11/5/2009 mất từ 18h30 - 21h40 không báo trước…
Dây chuyền nghiền đá bị hư hỏng nặng do mất điện đột ngột.
Tại Nhà máy nghiền Cácbonnát Canxi, ông Hoàng Đình Khang - Phó giám đốc cho hay: “Tình trạng điện phập phù, mất không báo kéo dài từ năm 2009 tới nay, gần đây đáng sợ nhất là sụt giảm điện năng. Kế hoạch của Nhà máy là sản xuất 7.000 tấn sản phẩm bột mịn, siêu mịn, bộ tráng phủ a xít béo/tháng nhưng trong quý I sản xuất không đáp ứng yêu cầu đề ra”.
Ngoài mất điện không báo trước, sụt giảm không đủ điện năng cần thiết cho dây chuyền thiết bị, sụt giảm bất cứ lúc nào nên sản phẩm sản xuất bình quân trước đây là 300 tấn nay chỉ còn 200 tấn/ngày. Thiết bị máy móc cũng cháy hỏng, gần đây là hai động cơ máy nghiền của dây chuyền siêu mịn cháy hỏng do điện không ổn định.
Điện láo nháo cũng gây thiệt hại khá nghiêm trọng về sản xuất, việc làm, thu nhập cho người lao động. 10 giờ mất điện trong ngày 19/3/2010, công nhân Nhà máy Xi măng có thể sản xuất ra 120 tấn xi măng, 10 tấn clanhker, tổng giá trị sản xuất hàng trăm triệu đồng. Điện mất, máy móc không thể hoạt động, 160/480 công nhân đang làm ca ở Nhà máy Xi măng tạm nghỉ việc, ca sản xuất không hoàn thành kế hoạch có sản phẩm.
Mất điện đột ngột khiến đá nguyên liệu đưa vào sản xuất kẹt cứng trong phễu nghiền.
Nhà máy nghiền Cácbonnát Canxi có lúc 1/3 trong số 143 công nhân làm ca phải tạm nghỉ việc, đồng nghĩa thu nhập của họ bị giảm sút. Phó giám đốc YBC - ông Bùi Mạnh Cường tỏ ý vô vùng thông cảm với những khó khăn về nguồn, lưới điện của ngành điện nhưng người lao động của doanh nghiệp biết tỏng rằng trong bối cảnh Công ty đang chịu khấu hao đầu tư lớn, vốn đầu tư cho sản xuất khó khăn vì lãi suất ngân hàng tăng cao, thị trường xi măng “cung” đang vượt “cầu”, lương cơ bản và bảo hiểm xã hội tăng, giá nguyên nhiên liệu và vật tư đầu vào - trong đó có giá điện tiếp tục tăng thì sự thông cảm đó cũng là thông cảm trong ấm ức và ngậm ngùi.
Giải pháp của doanh nghiệp là tập trung đầu tư chiều sâu để tăng công suất, năng suất; giảm tiêu hao điện năng của dây chuyền thiết bị; tiết kiệm chi tiêu, giảm chi phí giá thành sản phẩm… Hiện đó là những giải pháp mà các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp Yên Bái đều đang áp dụng. Còn có một “giải pháp” nữa, là đầu tư hàng chục tỷ đồng đặt ai đó chế biến máy ổn áp “treo” cùng trạm biến áp như kiểu cái máy Súp-von-tơ ngày xưa nhưng doanh nghiệp không biết lấy đâu ra nguồn vốn đó, mà nếu có thì chỉ “nhà mình” có điện làm ăn, các “nhà” khác khi đó tối như đom đóm thì sao đây?
Tuấn Anh
Các tin khác
Ngày 15-4, nhiều ngân hàng (NH) đã công bố mức lãi suất huy động và cho vay mới. Điểm chung là biểu lãi suất đã có chênh lệch giữa các kỳ hạn gửi. Lãi suất huy động cao nhất phổ biến ở nhiều NH là 11,5%/năm nhưng cũng có NH đưa ra lãi suất 12%/năm. Tuy nhiên, các kỳ hạn gửi dài lãi suất khá thấp.
Ngày 15-4, Bộ Tài chính ra thông cáo báo chí về kết quả kiểm tra giá bốn mặt hàng: thép xây dựng, phân bón hóa học, khí hóa lỏng, đường ăn thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, theo Quyết định số 503/QÐ-BTC ngày 10-3-2010 của Bộ trưởng Tài chính.
YBĐT - Nhờ có chính sách kích cầu trong phát triển chăn nuôi, nhiều hộ gia đình nông dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã được hỗ trợ kinh phí để mở rộng và phát triển đàn gia súc, gia cầm, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Tuy nhiên khi phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa, quy mô lớn người nông dân vẫn chưa lường hết được những khó khăn.
YBĐT - Diện tích tự nhiên 3.619 ha, 4.384 nhân khẩu, trong khi đó An Bình, huyện Văn Yên (Yên Bái) chỉ có 45 ha ruộng lúa nước. Vì vậy, phát triển kinh tế đồi rừng và trang trại chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa được xác định là hướng đi bền vững, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.