Hướng làm giàu ở An Bình
- Cập nhật: Thứ năm, 15/4/2010 | 2:11:09 PM
YBĐT - Diện tích tự nhiên 3.619 ha, 4.384 nhân khẩu, trong khi đó An Bình, huyện Văn Yên (Yên Bái) chỉ có 45 ha ruộng lúa nước. Vì vậy, phát triển kinh tế đồi rừng và trang trại chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa được xác định là hướng đi bền vững, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.
Đồi quế 9 năm tuổi của ông Trần Hồng Trường.
|
Chúng tôi đến thăm khu trang trại của ông Lê Cao Vy - một trong những người đi đầu phát triển kinh tế trang trại tổng hợp ở vùng này. Trại lợn hơn 100 con của ông nằm ngay dưới chân đồi, bao quanh là cả một màu xanh bạt ngàn của 17 ha rừng. Ông nói: “Hơn 100 con lợn này, đều là giống siêu nạc. Việc chăm sóc và nuôi dưỡng vất vả hơn, nhưng được cái là nó cho lợi nhuận cao hơn”.
Bà Hữu - vợ ông Vy cho biết thêm: “Năm 2009, được sự khuyến khích, hỗ trợ của tỉnh, vợ chồng tôi đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng, xây dựng chuồng trại nuôi lợn siêu nạc. Từ đó đến nay hoạt động rất hiệu quả, mỗi lứa xuất chuồng gần 100 con lợn, thu về hơn 50 triệu đồng”.
Được biết, hiện nay nhiều người chăn nuôi đang lo ngại vì giá lợn hơi giảm, trong khi đó chi phí mua cám cho lợn lại tăng cao, nhưng với sự nhạy bén, năng động của mình, ông Vy hạn chế cho lợn ăn các loại thức ăn công nghiệp, kết hợp tận dụng các loại rau, củ, quả nên dù nhiều hộ gia đình đang bị lỗ vốn nhưng vợ chồng ông vẫn thu được lãi.
Ông nói vui: “Đây là cách lấy công làm lãi, có như thế mình mới phát triển ổn định được”. Ngoài trại lợn, ông Vy còn có 17 ha rừng với đủ loại: keo, luồng, chám rồi sắn và 1,5 mẫu ao nuôi thả cá. Ông dự định sẽ bỏ ra gần 100 triệu đồng xây thêm chuồng, nâng tổng đầu lợn lên 30 con nái và 200 con lợn siêu nạc.
Theo ông, người nông dân muốn làm kinh tế tốt thì phải biết lấy ngắn nuôi dài và chính cách làm này đã đưa mang đến thành công cho gia đình ông như ngày hôm nay.
Bên cạnh các mô hình chăn nuôi lợn bán công nghiệp thì việc phát triển kinh tế đồi rừng cũng là một giải pháp để không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Chúng tôi đến thăm ông Trần Hồng Trường, thôn 5, đúng vào thời điểm gần 10 ha quế của gia đình ông đang cho khai thác. Trên đồi quế 9 năm tuổi, ông Trường cho biết: “Ban đầu, ít vốn nên mình phải lấy ngắn nuôi dài, kết hợp chăn nuôi, trồng thêm loại cây ngắn ngày để có vốn mở rộng diện tích quế. Cứ vậy, đến nay gia đình tôi đã có 10 ha quế và bắt đầu cho khai thác”. Ngoài quế, ông Trường cũng có hơn 100 con lợn thịt, trong đó, 50 con có thể xuất chuồng.
Theo ông Lê Cao Tấn - Phó chủ tịch UBND xã, toàn xã có 3 mô hình nuôi lợn bán công nghiệp quy mô 100 con/trang trại, 5 mô hình trồng rừng kinh tế, 3 mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho hiệu quả cao, nhưng làm thế nào để nhân rộng những mô hình này lại đang là bài toán khó với địa phương.
Hiện nay, bình quân thu nhập của An Bình đạt 9 triệu đồng/người/năm, nhưng nếu nhìn thực chất thì phần lớn thu nhập này thuộc về những hộ biết làm ăn, còn lại một số hộ, thường là người dân tộc thiểu số vẫn rơi vào diện nghèo đói. Đơn cử như tại thôn 4, toàn thôn có 200 hộ thì trong đợt cứu đói giáp hạt vừa rồi đã có đến 22 hộ rơi vào diện phải cứu đói.
Bên cạnh đó, với những hộ chăn nuôi lúc nào cũng thường trực nỗi lo lắng về thị trường, rồi nguồn vốn để mở rộng phát triển sản xuất. Chẳng hạn như nhà ông Trần Hồng Trường, đang có 50 con lợn đến thời kỳ xuất chuồng, nhưng tính ra gia đình lỗ mất gần 10 triệu đồng và như thế lấy đâu ra vốn để duy trì và mở rộng sản xuất? Hay như với nhiều hộ trồng rừng, việc bị tư thương ép giá và sự bấp bênh của giá cả vẫn là câu chuyện chưa có lời giải.
Trước những khó khăn này, xã An Bình đã đẩy mạnh vận động, tuyên truyền người dân, để họ hiểu và thấy được lợi ích từ việc phát triển kinh tế trang trại và trồng rừng; đôn đốc các đoàn thể đứng ra tín chấp vay vốn ngân hàng giúp các hội viên có vốn phát triển kinh tế; mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; tổ chức các buổi tham quan, học hỏi kinh nghiệm của những mô hình tiên tiến.
Đồng thời, để giải quyết những khó khăn về thị trường, tránh tình trạng người dân bị tư thương ép giá, An Bình đang có kế hoạch quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các phương tiện thông tin, đặc biệt là qua mạng Internet, điển hình là sự ra đời của Trung tâm Khoa học - Công nghệ xã An Bình do Đoàn thanh niên đảm nhiệm.
Để giúp người dân có vốn mở rộng chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp với những trang trại quy mô 100 con/trang trại (xa khu dân cư và đường quốc lộ 200 m), sẽ được huyện hỗ trợ thêm 20 triệu đồng, ngoài nguồn hỗ trợ 30 triệu đồng của tỉnh.
Xây dựng những mô hình chăn nuôi bán công nghiệp, tập trung phát triển kinh tế đồi rừng, có thể coi là hướng đi để nông dân An Bình phát triển kinh tế, thoát nghèo, làm giàu và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hùng Cường
Các tin khác
YBĐT - Năm 2009 là năm đầu tiên Văn Chấn (Yên Bái) triển khai chương trình sản xuất khoai tây hàng hoá và theo kế hoạch năm 2010, huyện tiếp tục triển khai với diện tích 200 ha. Nhưng trong việc liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông, mỗi người cần hiểu rõ hơn trách nhiệm của mình.
Thanh tra Bộ Tài chính vừa hoàn thiện báo cáo kết quả kiểm tra một số doanh nghiệp thép. Theo báo cáo này, từ năm 2009 đến quý I-2010, có doanh nghiệp thép đã “lập kỷ lục” với trên 160 lần điều chỉnh giá nhưng kết quả kinh doanh vẫn lỗ…
YBĐT - Ngày 14 tháng 4 năm 2010 Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
YBĐT - Huyện Trấn Yên (Yên Bái) giờ đây độ che phủ của rừng đạt 68%, người làm rừng đã sống được và làm giàu từ rừng. Trong số gần 47.000 ha rừng trong toàn huyện, đã có trên 30.000 ha là rừng trồng cây nguyên liệu giấy, quế, tre măng Bát Độ.