Đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp: Phải được đầu tư thích đáng
- Cập nhật: Thứ tư, 21/4/2010 | 9:42:17 AM
YBĐT - Với khoảng 80% dân số và 68% số người trong độ tuổi lao động toàn tỉnh ở khu vực nông thôn, vấn đề đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn, nhất là lĩnh vực nông nghiệp luôn được các cấp, các ngành xác định là nhiệm vụ quan trọng.
Với 68% số người trong độ tuổi lao động toàn tỉnh ở khu vực nông thôn, việc đào tạo nghề cho lực lượng này rất cần được chú trọng.
|
Giai đoạn 2005-2009, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp với các đơn vị, tổ chức, đoàn thể đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc lĩnh vực ngành với gần 4.000 lớp chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, gần 3.000 lớp thuộc chuyên đề chăn nuôi - thú y, gần 500 lớp chăn nuôi thuỷ sản, trên 1.500 lớp lâm sinh, trên 1.600 lớp bảo vệ thực vật và chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM, gần 100 lớp chế biến, bảo quản nông - lâm - thuỷ sản, thực hiện trên 100 mô hình trình diễn với số lao động nông thôn được tập huấn kỹ thuật và tham gia mô hình trình diễn đạt khoảng 350.000 lượt người.
Việc đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn, cùng với sự cố gắng khắc phục khó khăn của trên 60 vạn hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã góp phần vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp - nông thôn của tỉnh.
Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp có bước phát triển liên tục, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành lâm nghiệp và chăn nuôi - thuỷ sản. Đặc biệt là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đã phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, hình thành các vùng sản xuất tập trung như: vùng chè, rừng kinh tế, tre măng Bát Độ, vùng sắn cao sản...
Tuy nhiên, công tác đào tạo, dạy nghề cho lao động nông nghiệp trong thời gian qua mới chỉ được thực hiện chủ yếu thông qua các chương trình khuyến nông, khuyến công trong thời gian ngắn (2-3 ngày), sự tham gia của các cơ sở đào tạo là rất ít. Vì vậy, đôi khi một số nơi học theo phong trào, không sát với thực tế, không phù hợp với điều kiện khả năng, sản xuất của hộ nông dân. Nội dung đào tạo, dạy nghề mới chủ yếu thực hiện ở khâu lý thuyết, do chi phí đào tạo thấp, chi phí mua sắm vật tư thực hành hạn chế. Trong khi khâu thực hành mới là quan trọng nhất, giúp người học dễ tiếp thu và áp dụng vào thực tế hơn cả.
Việc áp dụng các kiến thức, khoa học kỹ thuật vào điều kiện thực tế sản xuất của hộ nông dân sau khi đã được đào tạo, dạy nghề gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện kinh tế, khả năng đầu tư của hộ không có. Vấn đề này thể hiện ở một số lĩnh vực rất đơn thuần nhưng khó áp dụng được các quy trình kỹ thuật tiên tiến tại hộ như yêu cầu về thâm canh lúa lai, chăn nuôi lợn thịt hàng hoá, trồng rừng kinh tế...
Ngoài ra, sự tham gia của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh là rất ít, việc tuyển dụng lao động nông thôn thấp, kể cả lao động đã qua đào tạo. Do đó, công tác gắn dạy nghề với việc làm không cao. Việc tái đào tạo, nâng cao trình độ, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật của đội ngũ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp nhằm phù hợp với xu thế phát triển chung ở một số nơi còn chưa được thường xuyên, dẫn đến sự bất hợp lý trong chương trình đào tạo và bố trí nguồn nhân lực có trình độ cao cho sản xuất nông nghiệp tại một vùng và địa phương.
Giai đoạn 2010-2020, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đặt mục tiêu dự kiến nâng tỷ lệ lao động nông nghiệp của tỉnh qua đào tạo nghề từ 10% hiện nay lên 20% trở lên vào năm 2015 và trên 40% vào năm 2015. Phương châm đào tạo dựa trên cơ sở mở các lớp dạy nghề theo định hướng phát triển của địa phương và theo nhu cầu của người lao động trên từng địa bàn. Nội dung đào tạo sẽ được tập trung chính vào những ngành nghề phổ biến thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, tiểu thủ công nghiệp... phù hợp với sự phát triển của địa phương. Đối tượng lựa chọn tham gia là những người có chí hướng làm ăn và có điều kiện phát triển, gắn bó với ngành nghề được học.
Đặc biệt, Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 tạo thêm điều kiện thuận lợi cho hoạt động đào tạo, dạy nghề cho lực lượng này. Trên cơ sở quyết định này, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh dự kiến mỗi năm sẽ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp; chăn nuôi - thú y, bảo vệ thực vật, công nghệ sau thu hoạch và kỹ thuật chế biến nông, lâm sản quy mô hộ gia đình cho khoảng 70.000-80.000 hộ lao động nông thôn. Đồng thời, giai đoạn 2010-2020, đào tạo nghề ngắn hạn cho 30-40% lao động thuần nông vùng cao, vùng chuyên canh và lao động trong các làng nghề.
Trong đó, đào tạo nghề cho vùng cao và vùng chuyên canh được tập trung vào lĩnh vực: phát triển sản xuất chè, phát triển sản xuất cây lương thực, cây màu, thuỷ sản, lâm sản. Đối với lao động trong các làng nghề, tập trung vào các nghề như: trồng dâu nuôi tằm, chế biến miến đao, dệt may thổ cẩm, nuôi ong mật, trồng và chế biến mía đường, quế, dịch vụ du lịch nông thôn, trồng và chế biến lâm sản...
Với nhu cầu và mục tiêu đặt ra, việc đào tạo, dạy nghề cho lao động trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục chiếm một vị trí quan trọng cần được quan tâm, đầu tư thích đáng trong hoạt động đào tạo nghề của tỉnh.
Huyền My
Các tin khác
“Ngành ngân hàng cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa, điều hành sâu sát, quyết liệt, kịp thời trên cơ sở nắm chắc thực tế, phối hợp đồng bộ nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010” - đây là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước ngày 20-4.
Ngày 20-4, tại Hà Nội, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã công bố kết quả triển khai giai đoạn 2 về rà soát thủ tục hành chính (TTHC), thuộc Đề án 30 của Chính phủ.
Trước biến động phức tạp của giá xăng dầu thế giới trong những ngày qua, để tiếp tục kìm giá xăng dầu đến hết tháng 6 theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành thông tư số 59/2010/TT-BTC giảm thuế nhập khẩu mặt hàng này. Mức thuế trên được áp dụng đối với các tờ khai hải quan ngay từ ngày hôm nay (21/4).
Đại gia xe hơi Nhật Bản, Toyota Motor, sẽ tiến hành thu hồi 9.400 xe Lexus GX 460 đời 2010 để giải quyết vấn đề lật xe theo như cảnh báo do một tạp chí danh tiếng tại Mỹ đưa ra hồi tuần trước.