Dịch lợn tai xanh gây thiệt hại nặng nề

  • Cập nhật: Thứ hai, 3/5/2010 | 8:19:48 AM

Người chăn nuôi ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc đang phải đối mặt với thiệt hại lớn do dịch lợn tai xanh hoành hành dữ dội...

Trên 16 ngàn con lợn chết, bị tiêu hủy

Đầu tư lớn để xây dựng trang trại nuôi lợn nên khi dịch ập xuống, gia đình anh Đặng Huy Mạnh ở thôn Lân là hộ bị thiệt hại nặng nề nhất xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Số lợn bị tiêu hủy của riêng gia đình anh Mạnh đã lên tới gần 4 tấn.

Một chủ trại chăn nuôi lớn khác tại xã Thạch Lỗi (H.Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) là anh Vũ Ngọc Trung kể: "Dịch vừa mới quét qua, nhà tôi đã phải tiêu hủy khoảng gần 2 tấn lợn. Mấy con khác cũng đã bỏ ăn, sốt cao rồi, chắc khó qua khỏi". Anh Trung cho biết, năm 2007, dịch lợn tai xanh đã khiến gia đình anh bị kiệt quệ, cố gây dựng mãi, đàn lợn vừa mới phát triển trở lại, với gần 100 con thì lại tiếp tục có dịch khiến anh vô cùng lo lắng.
Cơ quan thú y và Bộ NN-PTNT yêu cầu phải tiêu hủy ngay lợn chết do dịch nhưng thực tế, người dân muốn tiêu hủy cũng không dễ chút nào. Điển hình như trường hợp gia đình bà Nguyễn Thị Loan ở thôn Giao Tự, xã Kim Sơn, Gia Lâm (Hà Nội). Theo bà Loan, khi lợn bị chết, gia đình bà đã gọi điện cho Ban Thú y của xã Kim Sơn xin đem tiêu hủy nhưng Ban Thú y xã trả lời phải đợi "có chủ trương từ trên huyện xuống", nếu tự đem tiêu hủy số lợn chết, gia đình bà sẽ mất trắng khoản tiền hỗ trợ là 25.000 đồng/kg. Do vậy bà Loan đành bỏ xác 4 "con ỉn" vào bao tải có phủ tạm vôi bột đem để sau nhà. Mãi tới ngày 30.4, nghĩa là sau 3 ngày số lợn nhà bà Loan chết bệnh mới được đem tiêu hủy.

Ông Văn Đăng Kỳ, Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y, Bộ NN-PTNT) cho biết, tính đến chiều 1.5, dịch lợn tai xanh đã tái phát và đang tấn công đàn lợn của người dân ở 131 xã (phường) thuộc 25 huyện (thị) của 12 tỉnh thành, gồm: Hải Dương, Thái Bình, Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Nam, Nghệ An, Nam Định, Hà Nam và Lạng Sơn. Hiện đã có tổng cộng 39.826 con lợn mắc bệnh, trong đó 16.230 con đã chết hoặc bị tiêu hủy.

Nguy cơ tiếp tục lan rộng

Ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng Cục Thú y, nhận định: "Sau 2 - 3 năm không có dịch, người dân và một số chính quyền cơ sở đã lơ là chủ quan. Một số tỉnh phát hiện chậm, có khi sau 7 - 10 ngày dịch khởi phát và lan ra diện rộng mới nắm được thông tin. Một số nơi vì nhiều nguyên nhân đã giấu dịch, trong đó có việc do chưa lường trước được hậu quả, tự triển khai chống dịch đến khi dịch lan rộng thì hoảng quá mới báo cáo cấp trên. Nhiều tỉnh không có kế hoạch phòng, chống dịch chu đáo, cụ thể".

Theo ông Năm, nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong việc triển khai công tác hỗ trợ người dân có lợn mắc bệnh bị tiêu hủy, không công khai cho dân biết về chủ trương này mặc dù dịch xảy ra từ trước đó cả nửa tháng trời, khiến người dân hoang mang nên bán tống bán tháo lợn bệnh với giá rất "bèo", làm dịch càng trầm trọng hơn và khó khống chế hơn.

"Ngay từ khi dịch khởi phát tại Hải Dương, chúng tôi đã cảnh báo và yêu cầu các địa phương khác triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống. Tiếp đó, Bộ NN-PTNT, rồi Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện khẩn yêu cầu các địa phương khẩn cấp dập tắt dịch nhưng đúng là tình trạng "trên nóng dưới lạnh" trong phòng, chống dịch vẫn đang diễn ra, dịch tiếp tục lan rộng và gây hậu quả ngày một nặng nề hơn. Hiện nay dịch vẫn đang trong tình trạng rất nghiêm trọng, nguy cơ lây lan rộng tại các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ rồi lan rộng vào phía Nam là rất cao", Cục trưởng Cục Thú y bức xúc.

Ông Năm khuyến cáo, trong khi Việt Nam chưa thử nghiệm được việc tiêm vắc-xin phòng dịch lợn tai xanh, chính quyền và cơ quan hữu trách các địa phương cần phải tổ chức kiểm soát chặt chẽ khâu vận chuyển, giết mổ lợn, đồng thời tiêu độc khử trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ.

(Theo TNO)

Các tin khác

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 68/2010/TT-BTC hướng dẫn về lệ phí trước bạ. Theo đó, mức thu lệ phí trước bạ được xác định theo tỷ lệ (%) trên giá trị tài sản tính lệ phí trước bạ.

Bộ Tài Chính vừa ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam thực hiện Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Ấn Độ giai đoạn 2010-2012.

Cửa ngõ phía đông vào Thành Phố Thái Bình.

Kết thúc năm 2009, tỉnh Thái Bình có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) là 12,3%, đứng thứ ba các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Năm 2010, Thái Bình phấn đấu đạt tốc độ tăng hơn 14%. trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Thái Bình là tỉnh đầu tiên đạt 5 tấn thóc/ha hai vụ, góp phần vào phong trào "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", chi viện cho tiền tuyến lớn.

YBĐT – Ngày 29/4, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất vụ mùa. Dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT và các phòng ban chuyên môn; lãnh đạo UBND, phòng nông nghiệp các huyện, thị, thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục