Trạm Tấu: "Trả nợ" cho rừng

  • Cập nhật: Thứ năm, 6/5/2010 | 9:21:32 AM

YBĐT - Trong 3 tháng đầu năm 2010, Yên Bái đã để xảy ra 39 vụ cháy rừng, làm thiệt hại 1059,7 ha rừng. “Nóng” nhất là huyện Trạm Tấu, xảy ra 22 vụ cháy rừng với diện tích lên đến 543,7ha rừng. Để “trả nợ” rừng bà con người Mông cùng đông đảo cán bộ huyện Trạm Tấu, thanh niên tình nguyện, học sinh… đã tham gia chiến dịch trồng rừng khắc phục hậu quả của những vụ cháy rừng.

Bà con người Mông (huyện Trạm Tấu) hăng hái tham gia trồng rừng khắc phục hậu quả cháy rừng.
Bà con người Mông (huyện Trạm Tấu) hăng hái tham gia trồng rừng khắc phục hậu quả cháy rừng.

Từ cuối tháng 10 năm trước đến tháng 3 tháng 4 năm sau là mùa khô hanh ở Yên Bái. Nó làm cho những cành cây, tán lá và thảm thực vật khô ron. Chỉ cần một hành vi vô thức của con người với một tàn lửa cũng đủ gây ra những vụ cháy nghiêm trọng.

Trong 3 tháng đầu năm 2010, Yên Bái đã để xảy ra 39 vụ cháy rừng, làm thiệt hại 1059,7 ha rừng. “Nóng” nhất là huyện Trạm Tấu, xảy ra 22 vụ cháy rừng với diện tích lên đến 543,7ha rừng. Để “trả nợ” rừng bà con người Mông cùng đông đảo cán bộ huyện Trạm Tấu, thanh niên tình nguyện, học sinh… đã tham gia chiến dịch trồng rừng khắc phục hậu quả của những vụ cháy rừng.

“Trả nợ” cho rừng

Đứng dưới bản Suối Xuân nhìn lên đỉnh Háng Cơ chỉ thấy một màu đen nhẻm của tàn tro. Những cánh rừng thông Mã vĩ trồng từ năm 2006 vừa hôm nào còn xanh tươi nay đã biến mất hoàn toàn. Ông Kiều Tư Giang - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển lâm nghiệp cho biết: “Chỉ một vụ cháy rừng tại thôn Suối Xuân từ đầu tháng 2 vừa qua, đã thiêu trụi gần 50 ha rừng trồng và rừng khoanh nuôi tái sinh. Nhưng đã để xảy ra cháy thì phải trồng lại. Trồng một năm không xong thì phải trồng hai năm, ba năm”.

Thôn Suối Xuân, xã Phình Hồ (Trạm Tấu), có gần 300 người tham gia đợt ra quân trồng rừng. Bà Sùng A Dùa cho biết: “Bà con chúng tôi làm cháy thì chúng tôi phải trồng lại rừng! Nếu không có rừng thì suối không còn chảy, người không có nước sản xuất và sinh hoạt”.

Rừng ở Trạm Tấu có ý nghĩa phòng hộ đầu nguồn phía tây của tỉnh, có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của của nhân dân các dân tộc trong huyện và cả cánh đồng Mường Lò. Con người đã phải trả giá cho những vụ cháy rừng, phá rừng bằng những trận lũ ống, lũ quét kinh hoàng cướp đi sinh mạng nhiều người, tàn phá nhiều ruộng vườn, làng bản. Đó chính là nỗi lo của bà con, nỗi lo của nhiều người tham gia buổi khắc phục hậu quả cháy rừng.

Không chỉ có bà con người Mông ở Phình Hồ, hôm nay còn có người dân ở cả Làng Nhì, Tà Xi Láng... đều tham gia trồng rừng. Ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó bí thư thường trực Đảng uỷ xã Tà Xi Láng cho biết: “Để khắc phục hậu quả cháy rừng, xã Tà Xi Láng có khoảng 80 người tham gia trồng rừng, dù trồng rừng lần này không có công xá gì nhưng mọi người vẫn tích cực tham gia”. Nhiều chị em người Mông lưng địu con, có gia đình tất cả mọi thành viên đều lên núi trồng rừng.

Nổi bật lên giữa màu xám xịt của rừng bị cháy là bóng áo xanh của các đoàn viên thanh niên tình nguyện và màu áo của các em học sinh. Em Vàng A Của, học sinh Trường Phổ thông cơ sở Phình Hồ cho biết: “Trường có hơn 30 học sinh tham gia. Chúng em mong không muốn bao lâu nữa, rừng quê em sẽ trở lại xanh tươi như trước đây. Mọi người đều tin tưởng với khí thế ra quân của chiến dịch, những diện tích rừng bị cháy sẽ được phục hồi nhanh chóng.

Trồng rừng phải gắn với bảo vệ rừng

Hàng năm, Trạm Tấu trồng mới được 800 - 1.200ha rừng phòng hộ. Trong khi đó, diện tích rừng bị cháy từ đầu năm chiếm khoảng một nửa diện tích rừng trồng. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ cháy rừng là do bà con đốt nương làm rẫy để cháy lan vào.

Ở Trạm Tấu cũng như các huyện thị phía tây, mùa gió lào thổi mạnh cũng là mùa bà con đốt nương, làm rẫy. Vẫn là những người dân chưa có ý thức bảo vệ rừng hoặc vô trách nhiệm trong sản xuất nương rẫy, không chấp hành quy định phòng, chống cháy, chưa kể đến trẻ chăn trâu, người săn bắn trong rừng đốt lửa, sơ ý để xảy ra cháy rừng. Thời tiết nắng nóng, những rừng thông, rừng nguyên sinh có thảm thực vật dày và khô, chỉ cần một tàn lửa là có thể bùng lên thành đám cháy. Khi xảy ra cháy rừng thì rất khó để dập tắt vì địa hình hiểm trở, phương tiện chữa cháy còn thô sơ thiếu nguồn nước chữa cháy.

Vấn đề đặt ra với Trạm Tấu cũng như các huyện thị khác là cần gắn việc trồng rừng với quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Tại buổi phát động chiến dịch trồng rừng, đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo: “Chúng ta trồng rừng là để khắc phục hậu quả của những vụ cháy rừng nhưng cũng là lúc bà con phải suy nghĩ chúng ta phải làm gì để quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn? Không để xảy ra những vụ cháy rừng như thế nữa! Đồng bào các dân tộc phải cẩn thận khi đốt nương, rẫy không để lửa cháy lan vào rừng, tuyên truyền cho mọi người nhận thức được vị trí tầm quan trọng đặc biệt của rừng đối với đời sống con người, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn như ở Trạm Tấu.

Từ đó, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, trồng và bảo vệ rừng, ngăn chặn biến đổi khí hậu. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật với các trường hợp có hành vi xâm phạm đến rừng, làm cháy rừng, chặt phá rừng. Đối với những diện tích rừng bị cháy thì phải quản lý tốt và không để cho nhân dân vào khai thác các sản phẩm từ rừng. Tiếp tục triển khai công tác trồng bổ sung diện tích rừng bị cháy theo phương châm trồng rừng phòng hộ kết hợp với kinh tế bằng các loại cây trồng thích nghi với điều kiện khí hậu.

Bên cạnh đó, chúng ta cần chăm sóc tốt những diện tích rừng trồng, đặc biệt không để trâu bò phá nát và xây dựng các phương án phòng cháy chữa cháy rừng phù hợp với điều kiện thực tế của từng xã theo phương châm “4 tại chỗ”.

Văn Thông - Anh Dũng


Học sinh dân tộc Mông ở Trạm Tấu tham gia trồng rừng tại thôn suối Xuân, xã Phình Hồ.

Các tin khác

Số liệu này do Ban chỉ đạo 127/TW, Cục Quản lý thị trường (QLTT - Bộ Công thương) công bố tại Hội nghị Triển khai công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại năm 2010.

 YBĐT - Dự kiến trong 2 năm tới, công ty cổ phần cá Tầm phương Bắc sẽ mở rộng quy mô nuôi tới 100 lồng trên hồ Thác Bà, với sản lượng cá thương phẩm cung cấp cho thị trường từ 700 đến 1.000 tấn cá thịt mỗi năm.

Công ty TNHH Thanh bình đang khẩn trương triển khai thảm nhựa bê tông tại gói thầu số 10.

YBĐT - Công trình đường trung tâm Km5 - thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình là công trình chào mừng 110 năm Ngày thành lập tỉnh Yên Bái, chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đang bước vào giai đoạn nước rút. Các nhà thầu đang tập trung huy động tối đa lực lượng, trang thiết bị, tích cực đẩy nhanh tiến độ để thông đường vào ngày 25/5/2010.

Ngày 4/5, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định số 580/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải là trưởng ban.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục