Những điểm sáng ở Khe Dứa
- Cập nhật: Thứ năm, 13/5/2010 | 3:15:54 PM
YBĐT - Khe Dứa là một trong số 11 thôn, bản có kinh tế khá phát triển của xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên (Yên Bái) nhờ sự năng động, tích cực của cán bộ thôn và hàng trăm cách làm giàu sáng tạo của các hộ gia đình người Dao nơi đây.
Đồi quế trên 8 năm tuổi của gia đình ông Lê Xuân Thành thôn Khe Dứa (xã Viễn Sơn Văn Yên).
|
Hôm nay đến thôn Khe Dứa chúng tôi thực sự ngỡ ngàng vì những điểm sáng kinh tế đã xuất hiện ngày càng nhiều góp phần làm đổi thay bộ mặt của một vùng kinh tế nông thôn miền núi Văn Yên.
Trước đây, Khe Dứa không phải là thôn trồng quế nhiều của xã Viễn Sơn. Sau năm 1970 với sự góp mặt của Hợp tác xã Cộng Lực, phong trào trồng quế mới thực sự bắt đầu ở Khe Dứa. Lúc đó, Hợp tác xã phát động phong trào trồng quế tập thể trong xã viên, vậy là người người trồng quế, nhà nhà trồng quế đã trở thành phong trào lớn mạnh có sức lan toả khắp thôn.
Ông Bàn Văn Lý - nguyên Phó chủ nhiệm Hợp tác xã Cộng Lực kể: “Đất ở đây trồng chủ yếu là cây quế, nguồn thu nhập chính của người Dao nơi đây cũng từ cây quế. Vì thế không có gia đình nào ở thôn Khe Dứa này là không trồng quế”. Được biết, trước đây mỗi năm mỗi hộ trong thôn cũng trồng trên dưới hai ngàn cây quế. Ngày nay, được Đảng và Nhà nước đầu tư nhiều công trình phúc lợi xã hội, giao thông đi lại thuận lợi, quế vỏ được thu mua giá cao hơn rất nhiều lần nên người Dao trong thôn lại càng tích cực trồng quế tăng thu nhập cho gia đình. “Cây quế không chỉ cho thu hoạch vỏ mà còn tận thu cành ngọn để nấu tinh dầu, thậm chí có thời điểm giá bán gỗ quế đã bóc vỏ trong thôn lên tới 400 ngàn đồng/m3. Giá bán 1 kg hạt quế giống cũng được từ 5 - 7 ngàn đồng. Vậy là chẳng bỏ đi đâu tí nào”. - ông Lý cười phấn khởi.
Dạo quanh ngôi nhà xây khang trang của ông Lý, chúng tôi được biết ngôi nhà này gia đình ông cũng xây từ tiền bán quế năm 2006. Ông cho biết trung bình mỗi năm mỗi hộ dân trong thôn cũng bán được trên chục triệu tiền quế vỏ. Hai cô con gái của ông cũng đầu tư xây dựng lò chưng cất tinh dầu với số tiền mỗi lò 14 triệu đồng. Trồng quế, bán quế rồi xây nhà, mua sắm đồ dùng phục vụ nhu cầu sinh hoạt cũng từ quế. Cây quế gắn bó bao đời với người Dao trong thôn, giá trị kinh tế của nó đã chẳng phụ công người vun xới. Gia đình chị Bàn Thị Năm, Bàn Thị Pháy, Lý Văn Kim, Triệu Tiến Hữu... trong thôn cũng là những hộ tích cực làm giàu từ cây quế với tổng thu nhập từ tiền bán quế mỗi năm cũng lên tới vài chục triệu đồng.
Năm 2009 vừa qua, thôn Khe Dứa đã bầu chọn hộ gia đình ông Lê Xuân Thành đại diện cho hơn 50 hộ trồng quế giỏi trong thôn báo cáo thành tích gia đình sản xuất nông, lâm nghiệp giỏi do Hội Nông dân tỉnh tổ chức. Ông Thành có trên 20 ha quế, trong đó diện tích quế trên 10 năm tuổi gần 4 ha, còn lại là diện tích trồng dặm, trồng mới từ 1- 8 năm tuổi. Tính trung bình mỗi năm gia đình có cũng thu nhập trên dưới 50 triệu đồng từ tiền bán quế vỏ và từ 10 - 15 triệu đồng tiền bán quế cây.
Hơn những gia đình khác trồng quế trong thôn là ông đã biết phát triển mạnh kinh tế VACR nhờ nội lực, trong đó chăn nuôi theo phương pháp bán công nghiệp đã và đang từng bước đưa gia đình ông trở thành điểm sáng cho nhiều hộ nông dân trong thôn, trong xã cùng học tập. Ông nuôi lợn nái sinh sản, lợn thịt, cung cấp lợn giống cho nhiều hộ dân trong xã và nguồn thực phẩm lợn thịt sạch bán ra thị trường. Học và làm theo ông, không chỉ có những hộ người Dao ở cùng thôn mà các thôn khác trong xã Viễn Sơn như: Khe Qué, Tháp Cái, Tháp Con... cũng đến tận nhà tìm hiểu kinh nghiệm được ông hướng dẫn rất tận tình. Anh Triệu Quý Tiến, thôn Khe Qué là một trong số hội viên nông dân giỏi của xã Viễn Sơn khiêm tốn cho biết: “Giờ không chỉ Khe Dứa, Khe Qué là điểm sáng của Viễn Sơn mà còn rất nhiều các thôn, bản khác ở vùng sâu bà con đã biết làm giàu nhưng chưa được nhà báo biết đến đấy”.
Chia tay Khe Dứa, chúng tôi ra về mà lòng còn muốn ở lại, bởi như lời tâm sự của anh Triệu Quý Tiến thì còn rất nhiều những hộ nông dân người Dao của 10 thôn, bản khác, từ thôn gần tới thôn xa ở Viễn Sơn đang là những điểm sáng trong phát triển kinh tế cần được nêu gương, được nhân rộng để bà con các dân tộc những xã khó khăn cùng học tập và làm theo.
Thanh Hương
Các tin khác
YBĐT - Ngôi nhà xây, khang trang, sạch sẽ của gia đình bà Trần Thị Lắm (thôn Khuôn La, xã Tân Hương, (Yên Bình) vừa được hoàn thành thay thế cho ngôi nhà sàn xiêu vẹo dựa lưng vào vách núi bao nhiêu năm nay.
YBĐT - Năm 2010, Yên Bái phấn đấu gieo trồng trên 18.000 ha ngô hàng hóa, chiếm trên 80% diện tích trồng ngô toàn tỉnh, đến năm 2015 đạt trên 25.000 ha, chiếm 83% diện tích ngô toàn tỉnh, phấn đấu năng suất bình quân đạt từ 35 - 40 tạ/ha, sản lượng định hình đạt trên 100 nghìn tấn/năm.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng vừa có công văn số 3061/VPCP-KTTH đồng ý với Đề xuất của Bộ Tài chính, theo đó để hoàn thành nhiệm vụ mua thóc theo chỉ tiêu kế hoạch năm 2010, Bộ Tài chính được phép triển khai việc mua thóc theo phương thức trực tiếp, rộng rãi từ mọi đối tượng.
Ngày 12-5, tại buổi tổng kết chương trình hỗ trợ lãi suất cho nông dân vay vốn mua máy móc thiết bị, vật tư nông nghiệp..., đại diện Bộ Công thương thừa nhận chương trình này hiện giải ngân ít nhất trong khi nhu cầu rất nhiều.