Niên vụ chè 2010: “trăm mối tơ vò”
- Cập nhật: Thứ hai, 17/5/2010 | 9:19:27 AM
YBĐT - Vụ chè năm 2010, sản xuất, kinh doanh chè ở tỉnh Yên Bái lại gánh thêm nỗi lo về điện, cắt điện, mất điện, dù ở lý do gì đi nữa thì các xưởng chế biến chè đều lĩnh hậu quả. Nếu mất điện do sự cố (không báo trước) thì mẻ chè trong máy, trong lò coi như vứt đi, ngay cả khi biết trước là mất điện vẫn ảnh hưởng.
Trong khi giá vật tư nông nghiệp tăng mạnh, người làm chè khó sống với cây chè...
|
Mưa xuống rồi nắng lên, thời tiết thuận lợi cho cây chè nảy búp. Thời điểm này mọi năm, ngành chè đã rất sôi động vì sau lứa chè xuân, chè sẽ “ngủ, nghỉ” khoảng một tháng rồi vào chính vụ khi có những trận mưa rào tháng Ba. Nhưng đến thời điểm hết tháng 3 âm lịch mà ngành chè vẫn khá trầm lắng. Các nương chè lác đác người lên nương thu hái, bón phân, phun thuốc, các nhà máy chế biến cũng chỉ sản xuất cầm chừng bởi thưa vắng người mang chè đến bán.
Thăm nhà bà Thanh Phương, ở thôn 2, xã Bảo Hưng (huyện Trấn Yên), thấy búp chè tua tủa trên mặt tán bằng phẳng, chúng tôi khen chè nhiều búp quá! Bà Phương thủng thẳng: “Lứa đầu vậy thôi, mưa mấy trận nó thế. Hái xong lứa này mà không phun thuốc, bón đạm thì chè loe hoe, ấy chứ!”. Vậy là, thời tiết đã rất thuận lợi cho niên vụ chè này nhưng bà con không hồ hởi, chưa đầu tư mạnh cho chè. Theo bà Phương, giá cả vật tư quá cao, người làm chè thấy không hiệu quả.
Với 3 sào chè của gia đình, sau mỗi lần hái là phải bón ít nhất 50 kg phân đạm, giá phân năm nay khoảng trên dưới 10 nghìn đồng/kg. Hái xong là phải phun thuốc trừ rầy, trừ bọ nên tiền thuốc, tiền công cứ 25 nghìn/bình và 3 sào phun 6 bình, thế là tiền phân, tiền thuốc mỗi lứa chè mất 650 nghìn đồng.
Thời tiết thế này mà đầu tư, chăm bón như thế, chè sẽ tốt ngùn ngụt nhưng để có được chè bán, phải thuê người hái với giá thuê ít nhất là 1.200 - 1.300 đồng/kg, nếu chè cắt, búp dài thì giá cũng phải 1.000 đồng/kg. Trong khi giá vật tư nông nghiệp tăng mạnh, người làm chè khó sống với cây chè, còn giá bán chè búp tươi cũng như phương thức thanh toán chưa rõ ràng thì việc đầu tư cho nương chè có phần thận trọng của người dân cũng là điều dễ hiểu. Nếu tình trạng này không được khắc phục thì đời sống của hàng vạn nông dân sẽ gặp khó khăn, đặc biệt là nông dân vùng trọng điểm chè, không có nghề phụ, không có đồng ruộng, cuộc sống dựa hoàn toàn vào cây chè.
Không chỉ là nỗi khó khăn của nông dân làm chè mà còn là nỗi khốn khó của nhà chế biến. Ông Chu Quốc Tuấn - Giám đốc Công ty Chè Hưng Thịnh đã hạch toán mỗi kg sản phẩm chè đen của Công ty phải chi phí ít nhất 3.500 đồng, trong đó 3 khâu đều tăng mạnh là than, điện và lãi suất ngân hàng. Lương công nhân cũng tăng hơn năm trước, do tình hình biến động giá cả, lạm phát, nếu không tăng lương thì người lao động không đảm bảo cuộc sống và như thế họ sẽ bỏ nghề, trong khi tuyển lao động vốn đã không dễ, đào tạo cho họ thạo nghề, quen việc lại còn khó hơn.
Dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần chè Văn Hưng cũng phải chịu những áp lực về giá đầu vào.
Vụ chè năm 2010, sản xuất, kinh doanh chè lại gánh thêm nỗi lo về điện, cắt điện, mất điện, dù ở lý do gì đi nữa thì các xưởng chế biến chè đều lĩnh hậu quả. Nếu mất điện do sự cố (không báo trước) thì mẻ chè trong máy, trong lò coi như vứt đi, ngay cả khi biết trước là mất điện vẫn ảnh hưởng.
Một người làm chè lâu năm ở Văn Chấn giải thích: “Dân mình thấy chè đến lứa thì hái, chứ ai quan tâm gì đến lịch cắt điện. Hái xong, đem bán cho các nhà máy, các nhà máy buộc phải mua, mua rồi để đấy đợi điện mới chế biến, thế là chất lượng đương nhiên bị ảnh hưởng”.
Khắc phục tình trạng thiếu điện, nhiều doanh nghiệp đã tính đến chuyện mua máy phát điện để chủ động nguồn điện. Vẫn biết, khi chạy máy phát điện sẽ tiếp tục đẩy giá thành sản phẩm lên cao hơn nhưng “trong hai cái mất, ta lựa chọn cái mất ít còn hơn”. - ông Lương Ngọc Chiểu chủ nhiệm hợp tác xã chế biến chè Hương Lý ở thị trấn Yên Bình phân tích như vậy.
Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp mua máy phát điện về chạy bù khi mất điện cũng không phải chuyện dễ. Máy phát công suất lớn, giá bán 300 đến 400 triệu/cái. Trong bối cảnh thiếu vốn trầm trọng mà khoản đầu tư này không được các ngân hàng chấp nhận thì doanh nghiệp cũng chưa biết tính thế nào?
Khó khăn này của doanh nghiệp cần được các ngân hàng thương mại chia sẻ và doanh nghiệp sẽ lấy luôn máy phát điện làm tài sản bảo đảm nên ngân hàng vẫn “nắm đằng chuôi”. Mặt khác, các doanh nghiệp chè đều là những khách hàng truyền thống của ngân hàng và có máy phát thì họ làm ăn sẽ thuận lợi hơn, đó chính là điều mong muốn nhất của ngân hàng.
Trong các câu chuyện “dài tập” quanh cây chè Yên Bái, bao giờ cũng có vấn đề tỉnh có quá nhiều nhà máy chế biến, công suất của các nhà máy đã vượt xa tổng sản lượng chè búp tươi. Để đủ nguyên liệu chế biến, nhiều nhà máy mua chè già, chè “cắt” về để chế biến với quan điểm “ăn sắn còn hơn bụng đói” đã khiến sản phẩm chè của ta chất lượng thấp, giá bán thấp. Bao năm qua, chúng ta chưa xây dựng được hiệp hội chè, không có tiếng nói chung trong làm ăn, không có thương hiệu, không xuất khẩu trực tiếp...
Những vấn đề tồn tại này, tiếp tục tạo ra vòng luẩn quẩn của ngành chè Yên Bái. Khắc phục được những vấn đề nói trên, thì khó khăn ở đầu vào mà niên vụ này đang gặp phải chắc chắn không phải là vấn đề lớn. Khi nhà sản xuất đủ lớn, đủ mạnh thì giá bán mới quyết định tất cả.
Thực tế cho thấy, vụ chè nào chúng ta cũng gặp khó khăn hoặc là sâu bệnh, hạn hán, hoặc chè vàng, chè thối... nhưng chúng ta vẫn vượt qua tất cả. Cho dù vậy, vị thế của cây chè Yên Bái vẫn thấp trong cơ cấu kinh tế và cả trên thương trường, chưa xứng đáng là địa phương có diện tích chè lớn của cả nước; chưa đáp ứng được mong mỏi của chính quyền và nhân dân; người trồng chè vẫn thu nhập thấp; doanh nghiệp kinh doanh chè vẫn bấp bênh.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Thuế ngoài quốc doanh là sắc thuế quan trọng đối với tất cả các địa phương. Sắc thuế này không chỉ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu thu ngân sách mà còn phản ánh tình hình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Số thu ngoài quốc doanh của huyện Văn Chấn những năm qua luôn chiếm 70% tổng thu ngân sách trên địa bàn.
Trong 2 ngày cuối tuần, giá vàng giảm mạnh, nhưng vẫn duy trì ngưỡng 28 triệu đồng/lượng. Trên thị trường thế giới, trước áp lực bán ra chốt lời của giới đầu tư, có thời điểm vàng giảm xuống 1.217 USD/ounce nhưng sau đó khôi phục lại mốc 1.230 USD/ounce.
Ngày 15/5, Vietnam Airlines chính thức khánh thành đường bay Hà Nội – Vinh – Hà Nội với tuần suất 5 chuyến/tuần bằng máy bay ATR72. Giá vé giai đoạn này là 300 nghìn đồng/lượt.
Đúng 15h30 ngày 15-5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát lệnh ngăn sông, chính thức tích nước hồ thủy điện Sơn La. Đây là thời khắc quan trọng của công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á bởi nó quyết định thời gian phát điện lên lưới điện quốc gia vào cuối năm nay.