Hẹp dần cửa hạ lãi suất cho vay?
- Cập nhật: Thứ tư, 26/5/2010 | 2:22:04 PM
Những diễn biến mới trên thị trường đang cho thấy khả năng tiếp tục giảm lãi suất cho vay khó khăn hơn, ngoại trừ có sự can thiệp mạnh của Ngân hàng Nhà nước.
Theo ý kiến của một số ngân hàng thương mại, cạnh tranh lãi suất huy động hiện nay vẫn gay gắt. Thực tế từ cuối tuần qua đến nay, nhiều thành viên đã nâng lãi suất huy động lên sát 12%/năm
|
Định hướng xem xét hạ lãi suất huy động VND xuống 10%/năm và lãi suất cho vay VND xuống 12%/năm mà Chính phủ đưa ra mới đây vẫn chưa thể thực hiện. Ngược lại, lãi suất huy động những ngày gần đây lại có dấu hiệu căng thẳng.
Thỏa thuận… lãi suất huy động
Ngày 25/5, một ngân hàng thương mại cổ phần đưa ra chương trình huy động mới. Là bình thường khi các nhà băng vẫn sử dụng các công cụ và chính sách để linh hoạt gọi vốn ở các thời điểm, nhưng “bất thường” khi lãi suất áp dụng cho chương trình này không công bố cụ thể.
Theo tìm hiểu của chúng tôi bên lề chương trình này, lãi suất là một thông tin nhạy cảm. Khách hàng tham gia chương trình có thể thỏa thuận lãi suất với ngân hàng, “mức sàn” của thỏa thuận là 11,5%/năm, mức tối đa tùy thuộc vào các kỳ hạn và tổng giá trị nguồn vốn mà khách hàng đưa ra đàm phán.
Cũng trong ngày 25/5, phản hồi về thông tin một số ngân hàng tăng lãi suất huy động, một số bạn đọc cho biết hiện nay người gửi tiền với khoản lớn có thể mặc cả lãi suất với ngân hàng, và lãi suất không dưới 12%/năm.
Thỏa thuận lãi suất huy động là câu chuyện không mới, đã từng được phản ánh từ đầu năm nay, khi lãi suất huy động VND vẫn xoay xở ở “trần” 10,5%/năm và thời điểm lãi suất cho vay leo thang tới 17% - 18%/năm. Nhưng nay, câu chuyện này thu hút sự chú ý của dư luận khi đặt trong kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Mức lãi suất huy động VND 12% hiện nay cũng không còn cá biệt. Đến ngày 25/5, mức cao nhất tại nhiều ngân hàng cổ phần lớn nhỏ đã lên tới 11,8%; nếu tính thêm các chương trình cộng thưởng lãi suất, mức cao nhất theo biểu huy động công khai là 12,04%/năm. Tất nhiên, những mức lãi suất này chỉ áp cho một số kỳ hạn, hoặc ở sản phẩm huy động cụ thể.
Như vậy, sau diễn biến rút lãi suất huy động từ 11,99%/năm về quanh 11,5%/năm vào trung tuần tháng 4 vừa qua, lãi suất huy động VND hiện đang có dấu hiệu tăng trở lại. Bên cạnh đó, trong báo cáo cập nhật của Ngân hàng Nhà nước đưa ra chiều 25/5 cho biết, một số ngân hàng thương mại có chi nhánh vẫn đang áp dụng các hình thức khuyến mại như tặng tiền mặt, cộng thưởng lãi suất, tiết kiệm dự thưởng làm cho lãi suất huy động thực tế cao hơn so với mức niêm yết.
Khó giảm ngay lãi suất cho vay
Rõ ràng, lãi suất huy động đầu vào chưa giảm, thậm chí đang có dấu hiệu tăng trở lại, lãi suất cho vay đầu ra vẫn khó giảm thêm nếu chỉ dựa vào nỗ lực của các nhà băng. Theo các mức trần lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh mà các ngân hàng công bố vừa qua, tỷ lệ lãi biên mà họ thu được hiện ở khoảng 2% - 4%. Một tính toán tương đối cho thấy, để đảm bảo yêu cầu lợi nhuận, ngân hàng cần giữ tỷ lệ này ở khoảng 3%.
Với cho vay tiêu dùng, chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra cao hơn, nhưng tỷ trọng trong tổng dư nợ chỉ chiếm phần nhỏ, thường quanh mức 10% tùy theo chính sách cho vay của mỗi thành viên ở các thời kỳ.
Để tiếp tục hạ lãi suất cho vay, nếu không có sự tác động và hỗ trợ rõ ràng và đủ mạnh từ chính sách, các nhà băng chủ yếu phải chia sẻ bằng cách hạ tỷ lệ lãi biên và tiếp tục tiết kiệm, cắt giảm chi phí hoạt động.
Tại đại hội cổ đông một ngân hàng mà Nhà nước đang nắm cổ phần chi phối, vị tổng giám đốc chia sẻ rằng khó khăn lớn của mình hiện nay là thực hiện vai trò tham gia ổn định chính sách tiền tệ, tham gia hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế qua chính sách lãi suất cho vay “mềm”; nhưng ngược lại, áp lực lợi nhuận thì khó nhận được chia sẻ. Trong khi đó chi phí hoạt động của hệ thống hiện nay không phải là đang phung phí.
Còn theo phân tích của ông Phạm Quốc Thanh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng An Bình (ABBank), cạnh tranh lãi suất huy động ngày càng gay gắt hơn khiến lãi suất huy động chưa thể giảm ngay. Đồng thời, với các khoản vốn huy động chi phí cao ở các tháng trước chưa đến kỳ đáo hạn, các ngân hàng đều cần có thời gian để cân đối lại.
“Lộ trình giảm tiếp lãi suất tiền gửi và cho vay sẽ tùy thụôc vào diễn biến và tín hiệu của thị trường. Điều này khó có thể làm được ngay và khó thực hiện được trong một thời gian ngắn, cần đòi hỏi thời gian, lộ trình cũng như cung - cầu vốn của doanh nghiệp trong thời gian tới. Thực tế, để giảm được lãi suất cho vay từ 15%/năm xuống 13%/năm đòi hỏi sự nỗ lực lớn của các ngân hàng”, ông Thanh nói.
Cân bằng được cung - cầu vốn trong thời gian tới không phải là vấn đề mới chỉ đặt ra thời điểm này, cũng không dễ dàng giải quyết ngay để tạo điều kiện hạ lãi suất. Thực tế, một số phân tích cho thấy hiện 80% vốn cho nền kinh tế hiện vẫn dồn vào vai hệ thống các tổ chức tín dụng.
Ở một yếu tố khác, trao đổi với chúng tôi mới đây, Tổng giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), ông Trương Văn Phước cho rằng định hướng giảm lãi suất trong thời gian tới còn căn cứ theo diễn biến của lạm phát. Mới đây, mục tiêu kiềm chế lạm phát cũng đã được nâng lên là 8% thay cho mức 7% trước đó.
Nhìn từ phía các ngân hàng, cửa hạ lãi suất cho vay lúc này đang hẹp. Nhiều ý kiến gần đây đề cập đến sự điều chỉnh chính sách từ Ngân hàng Nhà nước, như hạ các lãi suất liên quan đến việc cấp vốn, hỗ trợ vốn cho các ngân hàng thương mại, hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tăng cường “bơm” vốn và hỗ trợ ở các kỳ hạn dài hơn…
Trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Viết Ngoạn cho rằng, việc chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước cần nới lỏng hơn để các tổ chức tín dụng có thêm nguồn tiền cung ứng cho nền kinh tế là cần thiết, nhưng phương thức chính không phải là hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước.
“Lãi suất Ngân hàng Nhà nước cho các ngân hàng thương mại vay chỉ đóng góp một phần rất nhỏ vào giá thành của các ngân hàng, mà vai trò của lãi suất do Ngân hàng Nhà nước đưa ra chủ yếu mang tính chất tín hiệu là chính”, ông Ngoạn phân tích.
“Còn công cụ quan trọng để Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho lãi suất thị trường giảm xuống chính là phải nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua việc “bơm” thêm tiền cho nền kinh tế, sẽ cân bằng cung cầu tiền tệ, giảm lãi suất. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang triển khai tích cực”, ông Ngoạn cho biết.
(Theo VietNamNet)
Các tin khác
YBĐT- Huyện Trấn Yên có diện tích đất tự nhiên là 62 nghìn ha, diện tích rừng là 46 nghìn ha, trong đó diện tích rừng sản xuất chiếm trên 60 %. Trên địa bàn huyện hiện có 172 cơ sở sản xuất chế biến gỗ, tập trung chủ yếu ở các xã Lương Thịnh, Báo Đáp, Tân Đồng, Y Can, Minh Quân, Kiên Thành... mỗi năm giải quyết việc làm cho gần 900 lao động, mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách địa phương.
YBĐT - Hơn hai nghìn ha lúa xuân ở Trấn Yên (Yên Bái) đang nhuốm sắc vàng, báo hiệu mùa gặt đã tới. Chúng tôi ngược Nga Quán, Cổ Phúc, Minh Quán, Việt Thành… để hòa cùng không khí thi đua, rộn rã trên các cánh đồng, tránh những tổn thất do thiên tai gây ra, theo đúng tinh thần các cụ đã dạy “xanh nhà hơn già đồng”.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành thông tư, trong đó yêu cầu các tổ chức tín dụng nâng tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu lên 9% thay vì mức 8%.
Giá vàng tiếp tục vọt lên trên 1.200 USD trong phiên New York tối qua (giờ Việt Nam), khi các nhà đầu tư lo ngại về cuộc suy thoái kinh tế thứ hai có thể xảy ra bởi hệ thống ngân hàng châu Âu.