Phát triển mô hình kinh tế trang trại ở Trấn Yên: Cần có cơ chế, chính sách phù hợp

  • Cập nhật: Thứ tư, 2/6/2010 | 9:32:04 AM

YBĐT - Mô hình kinh tế trang trại ở Trấn Yên (Yên Bái) chủ yếu là trồng rừng và sản xuất lâm nghiệp, các trang trại sản xuất nông nghiệp rất ít, đặc biệt là các trang trại về chăn nuôi. Việc hình thành và phát triển mô hình kinh tế trang trại đã giúp cho Trấn Yên từng bước phủ xanh đất trống đồi núi trọc, mở rộng được các cơ sở chế biến gỗ, tạo được nhiều việc làm cho lao động là người địa phương.

Tre măng Bát Độ đang là cây xóa đói giảm nghèo ở huyện Trấn Yên. (Ảnh: Q.T)
Tre măng Bát Độ đang là cây xóa đói giảm nghèo ở huyện Trấn Yên. (Ảnh: Q.T)

Khuyến khích xây dựng các mô hình kinh tế trang trại bền vững

Năm 1996, gia đình ông Nguyễn Quang Hưng - thôn 3 xã Cường Thịnh - huyện Trấn Yên nhận 20 ha rừng tại các khu Khe Ngay, Khe Queo,  xứ Đầm Ngọc để làm trang trại lâm nghiệp.

Khi mới nhận đất, đây chỉ là khu đồi đã bị chặt phá và khai thác nghèo kiệt, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Nhưng với nghị lực của một người lính, ông đã vận động gia đình tập trung đắp đập giữ nước vừa nuôi thả cá, vừa tạo độ ẩm cho đất phục vụ trồng rừng mới, trong đó tập trung trồng các loại cây bản địa để tái sinh rừng. Đến nay, rừng của ông trồng đã khép tán đa tầng, mang đầy đủ đặc trưng của một cánh rừng nhiệt đới.

Khác với các mô hình kinh tế trang trại lâm nghiệp khác là trồng chu kỳ từ 5 - 7 năm rồi khai thác trắng, ông Hưng tập trung phát triển mô hình trang trại theo hướng bền vững, kết hợp trồng các loại cây hương liệu và các loại cây thảo dược khác, đảm bảo nguồn thu mang tính liên tục và không mất nhiều công trồng lại rừng. Hiện nay, trang trại của ông đã tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng, ngoài ra có từ 3 - 5 lao động làm việc theo thời vụ và trừ chi phí, mỗi năm trang trại cho thu nhập trên 70 triệu đồng.

Ông Hưng cho biết: Cái được lớn nhất của việc phát triển mô hình kinh tế trang trại theo hướng bền vững là bảo tồn được sự đa dạng về sinh thái, bảo vệ nguồn nước, bảo tồn được một số nguồn gen quý. Tại khu rừng của ông có rất nhiều loài chim về làm tổ, những loại cây thảo dược quý đã được ông đem về trồng tại đây.

Năm 2008, đoàn nghiên cứu sinh của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đã vào khảo cứu, đánh giá cao kết quả mô hình này. Ông Hưng cũng cho biết: Để tiếp tục giữ gìn và phát huy các giá trị mà mô hình kinh tế trang trại của ông mang lại, ông đã nhiều lần làm đơn đề nghị chính quyền các cấp hỗ trợ lãi suất hay tạo điều kiện cho vay vốn không tính lãi để ông tiếp tục đầu tư vào trang trại, đưa nhiều loại cây có gen quý vào trồng tại đây.

Ông Hán Đình Đông - Chủ tịch UBND xã Cường Thịnh cho biết: Hiện nay, xã Cường Thịnh có 4 trang trại lâm nghiệp nhưng chỉ duy nhất trang trại của gia đình ông Hưng phát triển theo hướng vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Các trang trại khác phát triển theo kiểu khai thác trắng, mang lại hiệu quả và giá trị kinh tế ngay, song không bền vững, để lại những tác động xấu vào thiên nhiên và môi trường sống, đặc biệt khi địa bàn xã Cường Thịnh lại tiếp giáp với thành phố Yên Bái, trung tâm chính trị và văn hoá của tỉnh. Vì vậy, xã đang khuyến khích các chủ trang trại phát triển mô hình của mình theo hướng bền vững hoặc phát triển theo mô hình khép kín; người chủ trang trại tự chủ động về giống, vốn và tư liệu sản xuất, chủ động chế biến các sản phẩm của trang trại làm ra.

Cần có cơ chế, chính sách phù hợp

Huyện Trấn Yên có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các mô hình kinh tế trang trại mang lại hiệu quả cao. Việc phát triển các mô hình kinh tế trang trại đã được huyện quan tâm chỉ đạo sát sao. Tuy nhiên, việc phát triển các mô hình kinh tế trang trại ở đây có quy mô chưa xứng với tiềm năng sẵn có của địa phương.  Hiện nay, Trấn Yên có tổng số 77 trang trại, trong đó có 67 trang trại lâm nghiệp, 1 trang trại lâu năm, 5 trang trại chăn nuôi, 2 trang trại tổng hợp và 2 trang trại thuỷ sản.

Mô hình kinh tế trang trại tập trung nhiều ở các xã: Việt Cường, Quy Mông, Hồng Ca, Hưng Khánh, Y Can. Mô hình kinh tế trang trại ở Trấn Yên chủ yếu là trồng rừng và sản xuất lâm nghiệp, các trang trại sản xuất nông nghiệp rất ít, đặc biệt là các trang trại về chăn nuôi. Việc hình thành và phát triển mô hình kinh tế trang trại đã giúp cho Trấn Yên từng bước phủ xanh đất trống đồi núi trọc, mở rộng được các cơ sở chế biến gỗ, tạo được nhiều việc làm cho lao động là người địa phương.

Tuy nhiên, việc phát triển các mô hình kinh tế trang ở Trấn Yên đang gặp rất nhiều khó khăn như: thiếu đất để mở rộng quy mô trang trại, thiếu vốn trong sản xuất, gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm và việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. 

Bà Lưu Thị Thanh Bắc - Chủ trang trại chăn nuôi ở thị trấn Cổ Phúc cho biết: Để phát triển kinh tế trang trại bền vững thì huyện cần tập trung giải quyết được những khó khăn về vốn vay cho sản xuất và thị trường tiêu thụ. Bà Bắc lý giải: Với mô hình trang trại chăn nuôi  lợn có quy mô từ 250 - 300 con/ lứa thì người chủ trang trại cần phải có vốn để đặt mua thức ăn chăn nuôi trực tiếp tại nhà máy sản xuất, hạn chế mua qua trung gian để giảm bớt chi phí. Việc tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi và cách phòng bệnh cho đàn gia súc cũng là một điều khá nan giải, gây tâm lý lo lắng cho người chăn nuôi.

Thêm vào đó, giá lợn hơi lên, xuống thất thường, người chăn nuôi không nắm vững được các thông tin thị trường nên thường rơi vào cảnh bị động khi xuất bán sản phẩm và thường bị tư thương ép giá. Do đó, huyện cần tạo điều kiện tốt nhất để người chủ trang trại tiếp cận được với các nguồn vốn vay; huy động được các nguồn vốn vay trong nhân dân và các thành phần kinh tế khác để đảm bảo nhu cầu vốn phục vụ cho sản xuất; có cơ chế hỗ trợ cung cấp thông tin cho người chăn nuôi để kịp thời nắm bắt nhu cầu thị trường...

Để giúp huyện Trấn Yên giải quyết những khó khăn này, hàng năm tỉnh đều có các cơ chế, chính sách hỗ trợ để phát triển sản xuất nông lâm nghiệp tuỳ theo từng vùng. Về phía huyện, cần khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng các cơ sở chế biến với các thiết bị hiện đại; nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm làm ra từ trang trại, khuyến khích áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất  gắn với bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế trang trại theo hướng bền vững; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để một số chủ trang trại chuyển đổi từ hình thức sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hoá, nâng cao giá trị kinh tế và tạo ra nhiều việc làm cho lao động là người địa phương, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Hà Anh

Các tin khác

Ngày 2/6, tại Quảng Ninh, Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) tổ chức Lễ chào mừng sự kiện Sản xuất tấm thép đóng tàu khổ rộng đầu tiên tại Việt Nam. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy nội lực, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tăng khả năng cạnh tranh của ngành đóng tàu Việt Nam.

Từ hôm nay (1-6), các công ty kinh doanh gas đồng loạt giảm 13.000đ/bình 12kg. Nguyên nhân do giá gas thế giới giảm 50 USD/tấn so với tháng trước.

YBĐT - Chúng tôi đến thị trấn Yên Bình (huyện Yên Bình) đúng vào dịp Chi cục Thuế huyện trực thu thuế nhà đất kỳ I/2010. Khi được hỏi về trách nhiệm của các tổ nhân dân trong việc triển khai thu thuế nhà đất năm 2010.

Một số mức lãi suất bằng đồng Việt Nam của Ngân hàng Nhà nước cũng được áp dụng ở mức 8%/năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục