Chuyện “cái điện” ở Tà Ghênh

  • Cập nhật: Thứ năm, 3/6/2010 | 9:10:42 AM

YBĐT - Điện về Tà Ghênh coi như sự lạ nhưng điện về bà con bảo nhau đi mua sắm máy khâu, ti vi, máy xát gạo thì lại là chuyện thường. Do nhu cầu sử dụng điện chưa nhiều nên mức độ tiêu thụ ở đây cũng ít. Mặc dù vậy nhưng không ai có tiền sẵn, vì vậy phải bán cân ngô, cân sắn để trả tiền điện là điều dĩ nhiên. Dùng điện mà phải bán lương thực chắc chắn sẽ có lúc đói. Thế mới dẫn đến câu chuyện sau đây.

Chiến sĩ Đội công tác Tà Ghênh cùng Trưởng bản tuyên truyền, vận động bà con sử dụng tiết kiệm điện.
Cọn nước ở vùng cao.
Chiến sĩ Đội công tác Tà Ghênh cùng Trưởng bản tuyên truyền, vận động bà con sử dụng tiết kiệm điện. Cọn nước ở vùng cao.

Đối với vùng cao cái gì cũng có thể trở thành chuyện lạ. Ở bản Tà Ghênh của xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) cũng thế. Từ trên nhìn xuống chợ phiên Tú Lệ của huyện Văn Chấn kiều diễm, kiêu sa nhưng từ dưới đó nhìn lên Tà Ghênh thấy như vùng đất mịt mù, bỏ hoang bởi nó nằm chênh vênh trên chót vót non cao của những dải núi điệp trùng mặc dù khoảng cách giữa chúng chỉ vài ba cây số. Đó là điều lạ thứ nhất với những người lần đầu đến vùng cao.

Chúng tôi gặp Trưởng bản Giàng A Dê đang cùng dân bản chặt tre để dựng thêm mấy cây cột cho các hộ nghèo kéo điện. Ông bảo: “Chuyện “cái điện” ở bản Tà Ghênh tao còn lạ hơn nhiều”.

Bản Tà Ghênh chưa bao giờ ngưng gió cũng chưa bao giờ người dân biết dòng điện là gì. Bản có hơn 100 nóc nhà tất cả đều là đồng bào Mông. Hủ tục lạc hậu, đói nghèo là “đặc trưng” sẵn có của vùng đất này. Mãi đến năm 2008 được sự đầu tư của Nhà nước bà con Tà Ghênh đã kéo được dòng điện từ dưới chân núi lên dọc theo con đường đất loằn ngoằn mới mở. Gọi là đường nhưng mỗi khi đến khúc cua nếu đi xe máy phải có hai người. Một ngồi trên xe cầm lái và ga. Người còn lại chạy theo để đẩy nếu leo lên dốc hoặc kéo lại nếu đi xuống dốc. Sơ sảy một chút tất cả sẽ lăn xuống vực! Thế mà có chuyện cô giáo Mai đi xe máy một mình từ chân núi lên trường học ở Thào Chua Chải và lại từ đó đi xuống núi. Trai Mông chạy ra xem cười tít mắt, khen cô giáo: “Cô mà lấy người Mông mình thì tốt đấy”.

Năm sau đến lượt cô giáo đứng xem dân bản kéo dây điện lên Tà Ghênh. Cô không cười mà thót tim thấy những giọt mồ hôi đổ xuống như ướt đẫm con đường mùa cạn. Nhiều vực dốc nguy hiểm, người ta phải buộc dây điện vào ròng rọc sau đó lại buộc vào yên ngựa rồi quất vào mông ngựa cho chúng chạy kéo ngược lên. Kéo đến đâu dựng cột đến đấy. Nhiều chỗ xà beng không thể chọc thành lỗ trên đá để cắm cột, thế là dây điện gắn luôn vào vách đá. Chính vì thế mà khi nghe bà con nói một câu: “Chưa có hộ đồng bào Mông nào ở Tà Ghênh được ăn một bữa cơm toàn gạo trắng” là tôi tin ngay. Nhưng điều lạ hơn là được nghe bà con reo hò: “Điện về rồi, về rồi nhé”. Câu nói này hàng nghìn năm nay chưa ai nói.

Tháng đầu tiên Nhà nước ủng hộ nên bà con dân tộc Mông ở Tà Ghênh không phải trả tiền điện. Từ tháng thứ hai ai dùng bằng nào tính bằng đó theo con số hiện trên công tơ điện gắn đầu hồi mỗi nhà. Điều này ai cũng biết vì Chủ tịch xã Giàng A Lử đã thông báo và Trưởng bản Giàng A Dê cũng nhắc lại hôm họp bản để phổ biến bà con lịch trồng ngô.

Điện về Tà Ghênh coi như sự lạ nhưng điện về bà con bảo nhau đi mua sắm máy khâu, ti vi, máy xát gạo thì lại là chuyện thường. Do nhu cầu sử dụng điện chưa nhiều nên mức độ tiêu thụ ở đây cũng ít. Mặc dù vậy nhưng không ai có tiền sẵn, vì vậy phải bán cân ngô, cân sắn để trả tiền điện là điều dĩ nhiên. Dùng điện mà phải bán lương thực chắc chắn sẽ có lúc đói. Thế mới dẫn đến câu chuyện sau đây.

Giàng A Dê còn trẻ, từ ngày làm Trưởng bản chưa một ngày ông không nghĩ. Điều ông nghĩ là làm thế nào để dân bản mình ấm no, để người Mông không còn lạc hậu, đói nghèo. Ông lo cho dân là vì cả bản hầu như chung một dòng họ, thuở xa xưa nghe các cụ già bảo, tất cả còn ngậm chung một bầu vú bà mẹ Mông, sau này một số hộ từ nơi xa đến lập nghiệp nên mới thêm họ khác. Chiều ấy, mưa như sạt núi. Nước chảy thành dòng xoáy sâu vào chân ruộng bậc thang. Giàng A Dê đeo chiếc lù cở và vác cuốc xả nước để tránh vỡ bờ.

Bên chân ruộng nhà Trang A Củ có tiếng thùm... thụp... ụp... xòa... mãi mà không dừng. Thưa thôi nhưng đều. Lại vẫn tiếng giã của cái cối nước. Cái cối nước ở vùng cao thì nhiều. Chỉ cần có nước là cối hoạt động. Cối bà con làm bằng cây gỗ lớn. Thân chày dài khoảng 2-3m. Một đầu gắn chày, một đầu khoét rỗng để nước chảy vào. Cối hoạt động theo nguyên lý “bập bênh”. Khi nước từ ống dẫn đổ đầy phần đầu chày thì tự nó bênh lên và chày giã xuống cối. Cứ thế nước vào lại ra, bà con không phải mất công đứng giã hoặc phải chạy máy xay xát, cứ việc đi nương chiều về chắc chắn có một cối gạo hoặc ngô đã được giã trắng. Để làm một chiếc cối không khó.

Mùa hè Tà Ghênh mưa nhiều nếu biết tận dụng sức nước để làm một số việc như giã gạo, ngô, sắn, rong giềng thì sẽ không còn ai phải bán ngô, lúa để trả tiền điện mà điện nếu chuyên dùng thắp sáng cũng chẳng tốn bao nhiêu. Thế mà từ ngày có điện bà con bỏ gần hết loại cối này, hình như chỉ hộ ông Trang A Giàng, Trang A Củ là còn. Trưởng bản Giàng A Dê quyết định họp dân bản vào một ngày gần nhất để nghĩ và bàn cách tiết kiệm điện. Nhất là sau khi ông được nghe ti vi nói, đại ý: Năm nay nhiều nơi hạn hán, một số nhà máy điện phải đóng cửa, điện cũng sẽ phải cắt luân phiên. Mỗi chúng ta hãy nêu cao ý thức tiết kiệm điện bằng cách tắt thiết bị điện trước khi ra khỏi phòng, không dùng điện để đun nấu, thắp sáng lãng phí...

Đúng hôm Trưởng bản cầm trên tay một tờ tranh đến sân trường học thì bà con đã đông đủ. Có người hỏi nhau: Trưởng thôn đi đâu vắng mà mấy ngày nay mới thấy mặt nhỉ? Chưa ai tìm ra câu trả lời thì Giàng A Dê đã nói: “Ngày xưa bản ta chưa có điện bà con phải giã gạo bằng cối nước, xay ngô bằng cối đá. Giờ có điện rồi ngô không còn thấy nhiều nữa, bán nhiều quá, cối không còn thấy đâu nữa vì làm gì còn ngô để mà giã. Nước thì cứ chảy không, chảy lãng phí suốt ngày”. Một người thắc mắc: “Trưởng bản nói gì bọn mình không hiểu?”.

Giàng A Dê cầm ra tờ tranh to vẽ bằng tay nhưng dễ nhìn: “Đây gọi là cọn nước hay guồng nước cũng thế thôi. Cái này người Tày, người Thái làm lâu rồi. Cọn nước làm bằng tre, nứa và đặt cố định ở dưới suối, nước chảy thì cọn quay và múc theo nước đưa lên ruộng cả ngày lẫn đêm. Mình vừa không mất tiền điện, không tốn công sức, lúa thì vẫn được tưới đều”. Đúng là người Mông ở Tà Ghênh chưa có “cọn nước kiểu như thế thật. Người Tày, người Thái ở vùng thấp no ấm hơn vậy mà họ còn phải nghĩ ra đủ mọi cách để tận dụng những gì tự nhiên ưu đãi. “Người Mông ở Tà Ghênh vẫn đói nghèo, muốn hết đói nghèo phải “lung lay” cái đầu. Đơn giản như việc học cách tiết kiệm điện cũng là góp phần giảm đói đấy”.

Lời Trưởng bản không có cánh nhưng ngày hôm sau nó đã “bay” lên tận Thào Chua Chải và Làng Giàng. Người Mông ở Thào Chua Chải lại sáng tạo hơn. Sau dòng nước chảy vào cối giã gạo bà con nghĩ thêm cách tận dụng luôn nó để chạy “củ điện” (máy phát điện dùng sức nước). Điện này dùng cả ngày lẫn đêm cũng không phải trả tiền cho ai vì chính dòng nước tạo ra điện từ “cái củ” mua về. Hộ nào cũng làm được, chỉ cần có “củ điện” là xong.

Trưởng bản Giàng A Dê thấy bà con chăm chú nghe nên nói thêm một câu cuối cùng: Mong mùa mưa sang năm bản Mông ta nhà ai cũng có “củ điện”, có “cọn nước” và làm thêm nhiều cối giã nước nhưng nhớ không được chặt phá rừng đấy nhé!...

Kim Giao

Các tin khác

YBĐT - Hội chợ triển lãm thành tựu kinh tế kỹ thuật thời kỳ đổi mới tỉnh Yên Bái năm 2010 diễn ra từ ngày 28/5 đến ngày 04/6/2010, nhằm quảng bá giới thiệu các thành tựu kinh tế kỹ thuật của tỉnh Yên Bái sau hơn 20 năm đổi mới, đồng thời tạo cơ hội đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, đầu tư trên địa bàn...

Thu hoạch lúa ở Quốc Oai, Hà Nội.

Thông tin trên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đưa ra tại hội nghị sơ kết sản xuất vụ đông xuân, triển khai kế hoạch vụ hè thu, vụ mùa năm 2010 tại các tỉnh phía Bắc, ngày 2-6.

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vừa quyết định giảm giá vé tàu cho học sinh đi thi và nhập học các trường đại học, cao đẳng, trung học và dạy nghề.

Đại biểu Giàng A Chu cho ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật khoáng sản

YBĐT - Ông Giàng A Chu đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái nêu vấn đề “nóng” hiện nay đó là lộ thông tin và bán thông tin tài nguyên KS, khiến hoạt động khai thác KS phức tạp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục