Trạm Tấu: Trồng rừng kinh tế: Cần “hợp khí hậu”

  • Cập nhật: Thứ hai, 7/6/2010 | 9:11:21 AM

YBĐT - Những năm gần đây, từ chính sách giao đất giao rừng cùng với các khoản hỗ trợ như: giống, phân bón, công tác trồng rừng ở Trạm Tấu (Yên Bái) được đẩy mạnh, nhiều người trồng rừng đã có khoản thu nhập từ việc bảo vệ và chăm sóc phát triển rừng.

Bà con người Mông Trạm Tấu trồng rừng kinh tế.
Bà con người Mông Trạm Tấu trồng rừng kinh tế.

Tuy nhiên, trồng rừng kinh tế ở các huyện phía tây, đặc biệt ở huyện Trạm Tấu vẫn còn gặp khó khăn, rừng kinh tế vẫn chưa mang lại hiệu quả, người dân ở gần rừng mà không sống được từ rừng.

Huyện Trạm Tấu có diện tích đất đồi, rừng chiếm 77,2% diện tích tự nhiên. Những năm qua, tỉnh đã có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ vốn, cây giống, kỹ thuật và cử cán bộ về thôn, bản vận động nhân dân trồng và phát triển vốn rừng. Bình quân mỗi năm, toàn huyện trồng mới từ 800 -1.200 ha rừng, đưa độ che phủ đạt 51,4%.

 

Tuy nhiên, chủ yếu là trồng rừng phòng hộ, chương trình trồng rừng kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa xác định được cơ cấu cây trồng phù hợp. Năm 2006, tỉnh có chủ trương đưa rừng kinh tế vào trồng ở nơi có độ cao dưới 700 m, nhưng các loại cây trồng đưa vào đều không phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai. Đợt rét đậm, rét hại năm 2008 đã làm chết 420 ha rừng sản xuất, trong đó có 300 ha rừng trồng năm 2007 và 120 ha rừng trồng năm 2006. Từ đó, chương trình trồng rừng kinh tế ở đây tạm ngừng.

 

Ngoài việc chưa xác định được cơ cấu cây trồng phù hợp thì chính sách trồng rừng vùng cao còn bộc lộ nhiều hạn chế. Hiện nay, suất đầu tư cho trồng rừng vùng cao chỉ đạt trung bình 2 triệu đồng/ha nhưng để trồng một ha rừng theo đúng kỹ thuật thì mất 15 triệu đồng vốn. Trong khi trồng rừng kinh tế tối đa phải mất 7 - 8 năm mới cho thu hoạch mà điều kiện kinh tế người trồng rừng còn gặp nhiều khó khăn về lương thực hàng ngày rất lớn, dẫn đến diện tích rừng trồng cũng không được quan tâm chăm sóc. Đơn cử như chương trình trồng cây sơn tra: năm 2008, Trạm Tấu đưa vào trồng trên 800 ha rừng hỗn giao gồm: sơn tra và thông đuôi ngựa, tập trung ở các xã: Bản Mù, Bản Công, Xà Hồ, Pá Hu, Pá Lau, Túc Đán, Làng Nhì, Tà Xi Láng và đã trồng 50 ha thuần loài tại xã Bản Công.

 

Khi các cây trồng như: keo, bạch đàn không phù hợp thì huyện xác định đưa cây sơn tra vào trồng và được cho là thích hợp nhất vì vừa phù hợp với điều kiện khí hậu, vừa cho giá trị kinh tế cao lại còn có tác dụng phòng hộ đầu nguồn. Mặc dù đưa sơn tra vào trồng, bà con người Mông rất phấn khởi nhưng do không được chăm sóc và bảo vệ  nên diện tích sơn tra trồng sau 2 năm phát triển còi cọc.

 

Ông Phàng A Dề - Bí thư chi bộ thôn Tà Xùa, xã Bản Công cho biết: “Năm 2008, thôn Tà Xùa trồng 30 ha sơn tra tập trung với mức đầu tư 2 triệu đồng/ha. Cây sơn tra rất phù hợp với điều kiện khí hậu ở đây, tuy nhiên do người dân không chăm sóc, dẫn đến cây bị trâu bò phá. Trước thực trạng đó, xã và thôn đã có nghị quyết cấm thả rông trâu bò, chia đều cho mỗi hộ 4000m2 quản lý và bảo vệ thì tình hình mới được cải thiện”. Từ đó, cho thấy khi người dân chưa hiểu được lợi ích của việc trồng rừng, chưa có mô hình trồng rừng cho thu nhập cao để bà con học tập. Các cấp, ngành nhất là chính quyền cơ sở chưa có biện pháp chỉ đạo quyết liệt, công tác tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích của trồng rừng còn nhiều khoảng trống thì hiệu quả trồng rừng còn thấp.

 

Theo ông Nguyễn Phúc Cường - Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Trạm Tấu: “trồng rừng kinh tế ở Trạm Tấu cần phải phân vùng  khí hậu để đưa các cây trồng phù hợp với điều kiện từng vùng. Ngoài ra, đưa những giống cây có giá trị kinh tế cao như lát, sưa, trẩu và một số cây bản địa khác, cây lấy thuốc và chắc ăn nhất là đưa cây sơn tra vào trồng. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cần nghiên cứu đưa các cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu; xây dựng các mô hình trồng rừng từ 5 - 10 ha ở các nhiều địa điểm khác nhau, giao cho người dân trực tiếp làm để có đánh giá về giá trị kinh tế để cho bà con học tập. Mặt khác, Nhà nước cần tăng vốn đầu tư cho các hộ trồng rừng để nâng cao chất lượng rừng trồng.

 

Cùng với các giải pháp nêu trên, cần tuyên truyền mạnh để bà con hiểu lợi ích trồng rừng gắn trồng rừng với các vấn đề an sinh xã hội.

 

Văn Thông

Các tin khác
Bài toán ưu tiên điện của ngành công thương chỉ áp dụng được cho những nhà máy quy mô lớn như Xi măng Yên Bình, Xi măng Yên Bái, YBB...

YBĐT - Gần nửa chặng đường của năm kế hoạch 2010 đã kết thúc nhưng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Yên Bái đạt thấp và đang có chiều hướng giảm dần. Giá trị sản xuất tháng 5/2010 ước đạt 204,4 tỷ đồng, luỹ kế ước đạt 931 tỷ đồng, bằng 32% kế hoạch năm...

Bộ Công thương đã phê duyệt danh sách 228 doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của năm 2009.

Bộ Thông tin - Truyền thông vừa xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về mô hình tổ chức các NXB và lộ trình thực hiện Luật Doanh nghiệp 2005.

Đó là khẳng định của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tại hội thảo bên lề Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á (diễn ra trong hai ngày 6 và 7-6) vào ngày 5-6.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục