Chấn Thịnh đi lên từ nội lực
- Cập nhật: Thứ tư, 9/6/2010 | 2:45:18 PM
YBĐT - Chấn Thịnh nằm cách trung tâm huyện Văn Chấn (Yên Bái) trên 40 km và là xã đông dân nhất nhì huyện Văn Chấn với trên 7 ngàn nhân khẩu, nhiều dân tộc anh em chung sống và các thôn bản nằm rải rác theo các sườn đồi, núi. Vượt qua mọi khó khăn, trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân nơi đây đã biết phát huy nội lực, thúc đẩy nền kinh tế - xã hội phát triển.
Công nhân Công ty cổ phần chè Trần Phú đưa chè nguyên liệu vào xưởng héo trước khi chế biến.
|
Đặc thù là xã thuần nông nhưng diện tích cấy lúa nước ít, trình độ canh tác người dân còn nhiều hạn chế, sản xuất chỉ dựa vào kinh nghiệm, manh mún nhỏ lẻ, do đó năng suất cây trồng vật nuôi thấp, đời sống nhân dân gặp khó khăn, tỷ lệ đói nghèo cao (có những thời điểm có trên 40% hộ nghèo). Bên cạnh đó, kinh tế phát triển không đồng đều giữa các thôn bản, vùng đồng bào dân tộc.
Để vượt qua khó khăn, Đảng bộ, chính quyền đã vận động nhân dân đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất và coi đây là bước đột phá trong xoá đói giảm nghèo. Trước tiên, xã phối hợp với cán bộ kỹ thuật mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật tới 100% hộ dân; đưa giống lúa lai, lúa thuần vào gieo cấy; nâng mức đầu tư thâm canh, phòng trừ sâu bệnh. Từ đó, năng suất lúa ngày càng nâng lên: nếu như năm 2000 chỉ đạt 80 ta/ha thì nay đã đạt 120 tạ/ha; diện tích tăng từ 2 vụ lên 3 vụ đạt 75 ha góp phần đưa tổng sản lượng lương thực đạt 2.645 tấn.
Ông Hà Văn Thịnh, Bí thư Đảng uỷ xã cho biết: “Năng suất lúa cao đã là một thắng lợi nhưng vui hơn cả là cách nghĩ, cách làm của nhân dân đã chuyển biến tích cực từ sản xuất dựa chỉ vào kinh nghiệm sang áp dụng tiến bộ khoa học, từ manh mún sang sản xuất lớn. Đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc Dao, Thái, từ chỗ chỉ lấy khai thác rừng, làm lúa nương thì nay họ đã biết trồng và tu bổ rừng, làm ruộng nước hai vụ chắc ăn và còn trồng được hàng chục ha chè. Cuộc sống những hộ dân ở đây tuy vẫn gặp những khó khăn nhất định, song đã không còn hộ đói, số hộ khá giả ngày một nhiều”.
Bên cạnh đó, xã vận động nhân dân khai thác, phát huy thế mạnh 350 ha chè. Cây chè đã được trồng từ những năm 1969 - 1970 và có đến 70% số hộ trồng. Trước đây, trồng chè chỉ được coi là nghề phụ, do vậy người dân không hề đầu tư, chăm bón mà cứ đến mùa vụ là thu hái rồi tự chế biến. Năng suất thấp, hiệu quả không cao, tâm lý người dân chán nản không chú trọng nghề chè, cứ như vậy khiến cây chè mai một theo năm tháng.
Từ năm 2005, giá chè nguyên liệu do các nhà máy trên địa bàn được thu mua với giá khá cao, nhưng diện tích chè già cỗi lại không được đầu tư nên năng suất thấp, không đáp ứng cho chế biến. Xã vận động cán bộ đảng viên phải đi đầu trong trồng đầu tư thâm canh chè, những diện tích chè già cỗi được trồng cải tạo, thay thế bằng giồng chè lai, chè nhập nội năng suất, chất lượng cao. Những “đồi chè đảng viên” ngày một xanh tốt, năng suất đạt 70 - 80 tạ/ha, người dân được mắt thấy tai nghe rồi làm theo.
Cùng với việc được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật cách thu hái chăm bón theo đúng quy trình diện tích chè đã đạt năng suất bình quân 70 tạ/ha, nhiều hộ đạt năng suất 9 - 10 tấn/ha. Sản lượng chè búp tươi năm 2009 đạt 2.800 tấn, giá trị thu từ chè đạt 8 tỷ đồng mỗi năm. Từ trồng chè, nhiều hộ nghèo khó nay đã trở thành giàu có đồng thời giải quyết một lượng lớn lao động với thu nhập ổn định trong khâu chế biến, tiêu thụ.
Vừa phát triển cây lúa, cây chè, xã còn vận động nhân phát triển lâm nghiệp, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên, đồng thời trồng rừng kinh tế bằng loại cây giá trị kinh tế cao. Nhờ vậy, toàn bộ diện tích đất đồi đã được phủ xanh bằng rừng kinh tế, mỗi năm nhân dân khai thác luân kỳ được trên 2 ngàn mét khối gỗ các loại, doanh thu đạt trên 2 tỷ đồng. Cùng với đó, phong trào chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển mạnh trong các khu dân cư đạt tổng đàn trâu 876 con, lợn gia đình nào cũng nuôi từ vài ba đến hàng chục con.
Từ một xã nghèo đến nay Chấn Thịnh đã có 30% số hộ giàu, có mức thu trên 50 triệu đồng/năm, 99% số hộ có xe máy, 30% hộ có nhà xây kiên cố, 100% số hộ có phương tiện nghe nhìn và thu nhập bình quân đầu người đạt 9 triệu đồng/năm, số hộ nghèo còn 24%. Chấn Thịnh hôm nay dù chưa phải một xã giàu có, nhưng những hướng đi ấy chính là nền tảng để phát triển và xây dựng nông thôn mới.
Ngọc Trúc
Các tin khác
YBĐT - Đường được mở rộng, việc đi lại từ trung tâm huyện đến xã hoặc từ Tích Cốc đi các xã khác hay sang bên Tuyên Quang đã thuận tiện hơn rất nhiều. Những chuyến xe ngược xuôi tấp nập đưa nông lâm sản của người dân Tích Cốc đến mọi miền đất nước không những góp phần duy trì ổn định tốc độ phát triển kinh tế của xã đạt trên 11,6% mà còn giúp nâng thu nhập bình quân trên địa bàn đạt 8,5 triệu đồng/ người/ năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn dưới 19%...
Tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi như không bán hồ sơ mời thầu cho nhà thầu hoặc thực hiện bất kỳ hành vi nào làm hạn chế nhà thầu mua hồ sơ mời thầu theo thời gian được xác định tại thông báo mời thầu, thư mời thầu;… sẽ bị phạt từ 15 đến 18 triệu đồng.
Theo Phòng Phát triển nhà ở, Cục Quản lý thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, cả nước đã có 32 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp đang hoàn thiện hoặc sắp khởi công, với tổng vốn đầu tư khoảng 9.400 tỷ đồng.
YBĐT - Thu ngoài quốc doanh là sắc thuế quan trọng vì đây không chỉ là sắc thuế chiếm tỷ trọng lớn trong các chỉ tiêu kế hoạch thu ngân sách mà còn phản ánh tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy thu ngoài quốc doanh ở thị xã Nghĩa Lộ vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu thu nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức 40%, chưa tương xứng với vị thế trung tâm miền Tây của tỉnh.