Cắt điện vô tội vạ phải bồi thường!

  • Cập nhật: Thứ tư, 23/6/2010 | 1:53:33 PM

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ - ông Cao Sỹ Kiêm cho biết một trong 3 kiến nghị ông đề xuất với cơ quan chức năng là phải quy trách nhiệm vật chất đối với ngành điện khi xảy ra chuyện cắt điện vô tội vạ, gây thiệt hại cho DN.

* Thưa ông, tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên với mật độ khá dày đặc trong tháng 6, đặc biệt là những ngày nắng nóng vừa qua đã ảnh hưởng thế nào đến tình hình sản xuất kinh doanh của khối DN vừa và nhỏ?

“ Để giải quyết căn cơ thì phải phá độc quyền, phải cho nhiều DN cạnh tranh, thi đua mới được, chứ còn đã độc quyền thì dù có quy định cách gì cũng thiệt cho người tiêu dùng”.

- Cắt điện dẫn tới thiệt hại rất lớn. Thứ nhất là DN không hoàn thành được sản xuất. Thứ hai là những mặt hàng, sản phẩm có tính dây chuyền liên tục như mẻ gang đang nấu, bảo quản lương thực, thực phẩm... khi bị cắt điện lâu quá sẽ gặp rủi ro. Hiện trạng này kéo dài sẽ làm cho sức cạnh tranh của DN suy yếu vì chi phí tăng, giá thành tăng, rủi ro nhiều do không chủ động được sản xuất kinh doanh.

* Đã có số liệu ước tính về thiệt hại của các DN vừa và nhỏ do tác động của việc thiếu điện, cắt điện luân phiên chưa, thưa ông?

- Chúng tôi đang cho tổng kết, hiện chưa có số liệu cụ thể nhưng dự kiến cuối tháng 6 này sẽ có.

* Về phía hiệp hội, ông có kiến nghị gì liên quan đến chuyện bị cắt điện hiện nay?

Cần phá thế độc quyền

Tiếp xúc với Thanh Niên, ông Nguyễn Đình Xuân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, thẳng thắn: “Theo tôi, Quốc hội phải có phiên họp đặc biệt về điện, đề ra lộ trình giải quyết tình trạng thiếu điện và yêu cầu Chính phủ làm tất cả những gì cần thiết để hoàn thành lộ trình đó, kể cả cắt giảm tất cả các công trình cao tốc, sửa Luật Điện lực và phá thế độc quyền ngành điện. Nếu ai làm được điều đó thì Quốc hội chọn. Để phá thế độc quyền ngành điện, tất nhiên không thể ngày một ngày hai nhưng trước hết phải xác định lộ trình tách đường truyền ra khỏi phát điện, đó là trách nhiệm của Chính phủ”.

- Tôi đang có 3 kiến nghị: thứ nhất là phải nâng khả năng dịch vụ của ngành điện lên, thứ hai là phải quy trách nhiệm vật chất, tức phải bồi thường khi cắt điện vô tội vạ, gây thiệt hại cho DN. Thứ ba là khi đã có chiến lược tiết kiệm điện, phải làm đồng bộ giúp DN nâng cao khả năng thiết bị tiết kiệm. Trong từng lĩnh vực, Nhà nước phải có phân bổ, có chế tài đặc biệt đối với các trường hợp dùng nhiều điện, lãng phí điện thì phải nộp tiền thật cao, còn dân nghèo thì tính mức hợp lý nhất.

* Thưa ông, hầu hết các ý kiến đánh giá về chuyện thiếu điện triền miên xuất phát từ tình trạng độc quyền của ngành điện. Phải giải quyết căn cơ tình trạng trên bằng biện pháp nào?

 - Để giải quyết căn cơ thì phải phá độc quyền, phải cho nhiều DN cạnh tranh, thi đua mới được, chứ còn đã độc quyền thì dù có quy định cách gì cũng thiệt cho người tiêu dùng. Tất nhiên muốn làm được thì Nhà nước quản lý vĩ mô phải xây dựng lộ trình, có điều tra khảo sát yêu cầu tiêu thụ điện như thế nào, khả năng giải quyết các nguồn thủy điện rồi nhiệt điện, điện gió... ra sao, rồi khả năng tăng tiêu dùng lên bao nhiêu, phụ tải là bao nhiêu, dân tăng một năm là bao nhiêu... tất cả cái đó phải có một quy trình, tính toán tổng hợp và phải có cách xử lý sát mới được. 

Không huy động hết công suất vì chê giá cao?

Tập đoàn Điện lực (EVN) cho rằng đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để tăng khả năng cung ứng điện, như huy động tối đa tất cả nguồn điện hiện có, tích cực đôn đốc đưa nhanh các tổ máy nhiệt điện than mới ở khu vực phía Bắc vào vận hành ổn định, mua điện Trung Quốc ở mức cao, truyền tải cao từ Nam ra Bắc...

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều ý kiến lo ngại về sự chủ động của EVN trong việc huy động tất cả các nguồn điện hiện có. Câu hỏi cần đặt ra là: Trong những ngày nắng nóng kỷ lục vừa qua tại các tỉnh phía Bắc và bắc Trung Bộ, liệu ngành điện có dũng cảm, bỏ qua lợi nhuận để vì dân, vì cái chung của cả nền kinh tế, huy động hết công suất của các nhà máy điện chạy dầu DO, FO (điện của các nhà máy này có giá cao hơn thủy điện)?

Trước khi diễn ra đợt nắng nóng kỷ lục, đã có thông tin cho rằng, mặc dù thiếu điện nhưng vì lợi nhuận, EVN đã mua điện của các nhà máy điện chạy dầu FO, DO trong nước rất cầm chừng. Dư luận này là hoàn toàn có cơ sở, vì cuối tháng 4.2010, Cục Điều tiết điện lực đã kết luận, EVN chưa huy động hết công suất các nhà máy này. Cụ thể, khi hệ thống điện đang bị tiết giảm nhưng EVN chỉ huy động 19,95 triệu kWh, giảm 87,4% so cùng kỳ tháng 3.2009.

Trả lời về việc EVN có mua hết sản lượng điện của các nhà máy điện chạy dầu, và chạy khí không, ông Vũ Huy Quang, Tổng giám đốc Tổng công ty điện lực dầu khí (PV Power) - doanh nghiệp quản lý các nhà máy điện chạy dầu và chạy khí của Tập đoàn dầu khí quốc  gia (PVN) dè dặt: “Chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ chạy và cung cấp điện bán lại cho EVN, về tổng sản lượng và công suất huy động của EVN bao nhiêu, mời hỏi phía EVN vì họ là người mua, như vậy sẽ thấy rõ hơn được bức tranh tổng thể về tình hình sản lượng điện, công suất như thế nào”.

Mực nước chết

 

Buổi tối mất điện nên phải bế cháu ra đường cho đỡ nóng - Ảnh: Ngọc Thắng

Theo ông Hồ Tuấn, Trưởng ban Quan hệ cộng đồng của EVN, trong những ngày này, nhu cầu tiêu thụ điện khoảng từ 290 - 300 triệu kWh/ngày, trong khi hệ thống điện chỉ có thể đáp ứng được ở mức 265 - 270 triệu kWh/ngày, lượng điện thiếu hụt khoảng 8% - 10%. Lượng điện thiếu hụt lớn, nên trong thời gian tới, EVN phải tiếp tục tiết giảm, cắt điện ở nhiều nơi, đặc biệt khu vực nông thôn với mức tiết giảm lên tới 60%. Trong khi đó, ở các khu vực thành phố cũng không khá gì hơn khi lượng điện mất cân đối cũng rơi mức hơn 20%.

Trả lời về nguyên nhân thiếu điện, lãnh đạo EVN vẫn trung thành với giải thích: “Vì không có mưa”.

Trong khi đó, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, bà Nguyễn Lan Châu, hôm qua cho biết những cơn mưa rào với lượng mưa phổ biến từ 30 - 70 mm không cải thiện được mực nước cho các hồ thủy điện. “Mưa khiến lưu lượng nước về các hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà lần lượt là 2.200m3/s, 1.900m3/s, 600 m3/s và 100m3/s. Tuy nhiên, chiều 22.6, lưu lượng nước về các hồ này đã giảm đáng kể, cụ thể: hồ Sơn La còn 1.200m3/s, Hòa Bình là 1.300m3/s, Tuyên Quang còn 200m3/s, Thác Bà là 60m3/s”, bà Châu nói.

Theo bà Châu, hiện mực nước  tại các hồ thủy điện lớn ở miền Bắc đang ở mức rất thấp, gần chạm mực nước chết. Mực nước hồ Hòa Bình chỉ còn 81m, cách mực nước chết 1m; hồ Thác Bà là 46,08m, cách mực nước chết 0,08m; hồ Tuyên Quang ở mức 90,44m, chỉ cách mực nước chết 0,44m. Với mực nước này, nếu các nhà máy thủy điện phát điện với mức đủ để đáp ứng nhu cầu của người và sản xuất thì chỉ 1 ngày nữa là hết nước để chạy điện. Vì thế, các nhà máy đang phải hoạt động cầm chừng.

Tại bắc Trung Bộ, mực nước tại các hồ thủy điện cũng đang ở mức xấp xỉ mực nước chết, một số nhà máy đã phải phát điện cầm chừng 1 - 2 giờ/ngày. 

(Theo TNO)

Các tin khác

YBĐT - Ông Tạ Văn Long - Bí thư Huyện ủy Lục Yên (Yên Bái) phấn khởi cho biết: “Từ lâu lắm rồi, huyện Lục Yên mới được một vụ lúa xuân thắng lợi đến như vậy. Năng suất lúa toàn huyện ước đạt 52tạ/ha. Tổng sản lượng dự tính đạt gần 18 ngàn tấn”.

YBĐT - Với việc thành lập phòng Nghiệp vụ Quan hệ khách hàng cá nhân, ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam Chi nhánh Yên Bái (BIDV Yên Bái) đang cụ thể hoá chiến lược kinh doanh của mình là trở thành một ngân hàng bán lẻ hiện đại.

Sẽ có 8 địa điểm thuộc 5 tỉnh được chọn để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân với tổng công suất tới 15.000-16.000 MW, tương đương 10% tổng công suất nguồn điện.

YBĐT - Sáng 22/6, Hợp tác xã chăm sóc sức khỏe cộng đồng Minh Thành, huyện Yên Bình đã long trọng khởi công Trung tâm nghỉ dưỡng Thiên Thành tại thị trấn Yên Bình, tỉnh Yên Bái (ảnh).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục