Trấn Yên - rừng cây, xưởng gỗ

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/6/2010 | 8:53:19 AM

YBĐT - Có thể khẳng định, Trấn Yên là địa phương đi đầu trong phong trào trồng rừng ở Yên Bái. Ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước, phong trào trồng cây gây rừng đã được quan tâm phát triển, bắt đầu từ hàng bạch đàn trắng quanh đầm Vối, đến bãi keo tai tượng quanh các cơ quan như hội trường lớn, Nhà văn hoá, Bảo tàng, Hạt Kiểm lâm nhân dân... rồi đến những trang trại quy mô lớn nhỏ ở Việt Cường, Vân Hội, Y Can, Quy Mông, Cường Thịnh...

Chế biến gỗ rừng trồng ở doanh nghiệp tư nhân Đăng Khoa (xã Báo Đáp).
(Ảnh: Tuấn Anh)
Chế biến gỗ rừng trồng ở doanh nghiệp tư nhân Đăng Khoa (xã Báo Đáp). (Ảnh: Tuấn Anh)

Có dịp đi đến khắp các bản làng, thôn quê từ thị trấn Cổ Phúc lên Việt Thành, Báo Đáp, Tân Đồng, xuống Nga Quán, Cường Thịnh, nhất là các xã bên sông từ Minh Quân đến Kiên Thành, từ Lương Thịnh vào Hồng Ca, Hưng Khánh... đâu đâu cũng ngút ngàn rừng quế, rừng keo. Trấn Yên không còn đất trống đồi trọc từ nhiều năm.

Một điều đáng quý hơn là sản phẩm gỗ rừng trồng không còn đem bán nguyên liệu mãi đâu xa với giá bấp bênh mà được xẻ thanh, bóc ván, chẻ đũa..., những mặt hàng có giá trị kinh tế cao, đem lại nguồn lợi cho nhà đầu tư, việc làm cho người lao động và đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước.

Anh Đào Xuân Quang - Hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện Trấn Yên tâm sự: Thấy được lợi ích to lớn của kinh tế đồi rừng, Trấn Yên đã sớm phát động phong trào trồng cây gây rừng, trong đó cốt lõi nhất là triển khai tốt chính sách giao đất, giao rừng cho dân. Đất đã có chủ thì cây rừng cứ thế sinh sôi. Phát triển góp sức cho rừng cây tươi tốt là sự cố gắng của các cán bộ, kỹ sư trong việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật đến nông dân, từ việc phát đốt sao cho không cháy lan, đến bổ hố, bỏ phân đưa cây xuống trồng và chăm sóc. Giống cây cũng lựa chọn phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, gắn với thị trường tiêu thụ.

Trấn Yên đã thành công trong việc chuyển đổi nhận thức cho dân từ chỗ cứ lên rừng mạnh ai nấy chặt sang tư tưởng trồng cây để làm giầu, bảo vệ tài nguyên, môi trường mà cụ thể là tạo nguồn sinh thuỷ cho đồng ruộng, con người và vật nuôi.

Năm 2005 một lần nữa tầm quan trọng của kinh tế rừng ở Trấn Yên càng được khẳng định bằng việc ngay sau khi bắt tay vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX, Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã ra Nghị quyết chuyên đề về kinh tế rừng. Nghị quyết mới đã tạo nên sự thống nhất cao về nhận thức, tư tưởng trong toàn Đảng cũng như củng cố thêm lòng tin của nhân dân trong phát triển kinh tế rừng nói riêng và công cuộc phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo nói chung.

Nông dân xã Việt Cường khai thác gỗ rừng trồng cung cấp cho các cơ sở chế biến gỗ.

Theo số liệu thống kê, toàn huyện có 46.518 ha đất có rừng, trong đó rừng tự nhiên là 20.227 ha và rừng trồng 26.290 ha. Căn cứ vào kết quả rà soát 3 loại rừng, UBND huyện đã giao cho Hạt Kiểm lâm giao khoán bảo vệ rừng phòng hộ và tự nhiên sản xuất được 11.778 ha cho các tổ chức, cá nhân và nhất là các tổ nhóm, việc xã hội hoá công tác bảo vệ rừng đã mang lại kết quả tốt đẹp, người bảo vệ có thu nhập ổn định đã đề cao ý thức trách nhiệm trong việc khoanh nuôi, bảo vệ giúp số vụ phá rừng giảm dần qua các năm.

Việc phát triển vốn rừng cũng được hết sức chú trọng, Trấn Yên đã hình thành được vùng trồng cây lâm nghiệp tập trung lên đến 12.442 ha, trong đó có 200 trang trại cây lâm nghiệp với diện tích từ 5 ha trở lên. Rừng trồng tập trung ở Trấn Yên đến nay đã ổn định về diện tích, mỗi năm tổ chức khai thác từ 1.800 đến 2.000 ha; việc trồng cây phân tán cũng được quan tâm, giai đoạn 2006 – 2009 toàn huyện đã trồng được hơn 5 triệu cây các loại, từ cây xanh bóng mát ven đường, quanh cơ quan, xí nghiệp đến những hộ gia đình tận dụng hàng rào, bờ ao, vệ đất... trồng thêm hàng keo, bãi xoan... chỉ thấm thoắt đã rợp bóng mát. 68% diện tích đất ở Trấn Yên đã được rừng che phủ, mỗi năm người dân khai thác gỗ bán thu được 65 tỷ đồng chắc chắn là những con số rất ấn tượng, thể hiện những lợi ích không thể tính hết.

Trữ lượng rừng ở Trấn Yên khoảng 1.273,57 m3 gỗ, 41.000 tấn tre nứa, hàng ngàn tấn măng củ, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng hàng năm là 60 nghìn m3, trên 30 nghìn tấn nguyên liệu giấy, gần 1000 tấn quế vỏ. “Mặt hàng gỗ ở Trấn Yên giờ không còn theo xe tải, theo thuyền bè đi xuôi như trước, phần lớn sản phẩm đã được đưa vào các cơ sở chế biến trên địa bàn”, đó là lời khẳng định của các đồng chí lãnh đạo huyện Trấn Yên với phóng viên chúng tôi.

Với chính sách thông thoáng, huyện đã tạo mọi điều kiện để các thành phần kinh tế bung ra kinh doanh, giảm bớt thủ tục hành chính, cử cán bộ kiểm lâm, kế hoạch tài chính, thuế, nông lâm nghiệp... đến hướng dẫn cụ thể các doanh nghiệp, nhất là các cơ sở chế biến lâm sản. Đó là một việc làm khôn ngoan vì các cơ sở này là đầu ra cho sản phẩm rừng, tạo việc làm cho lao động, nâng cao giá trị sản lượng công nghiệp và đóng góp nghĩa vụ thuế cho Nhà nước. Bởi thế, hàng loạt doanh nghiệp đã ra đời và gắn chặt với các vùng nguyên liệu Lương Thịnh, Báo Đáp, Tân Đồng, Hưng Khánh...

Toàn huyện có đến 73 cơ sở chế biến gỗ, trong đó có những cơ sở chế biến quy mô lớn, sản phẩm chất lượng cao, thu hút hàng trăm lao động và nộp mỗi năm hàng tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước như doanh nghiệp tư nhân Doanh Mùi. Công ty Anh Khoa... Chỉ tính riêng 21 doanh nghiệp trong quy hoạch, định hướng của huyện đã thu hút trên 600 lao động, doanh thu mỗi năm trên 50 tỷ đồng và sản lượng gỗ chế biến 43.500m3.

Trấn Yên rừng đã lên xanh! Gỗ đến tuổi khai thác được đưa vào các cơ sở chế biến đem lại hiệu quả kinh tế lớn, hàng vạn người có việc làm và thu nhập khá, những ông chủ rừng, chủ xưởng trở nên giầu có..., đó là lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội to lớn mà những chủ trương đúng đắn, những ý chí quyết tâm của nhà quản lý, nhà nông và nhà doanh nghiệp mang lại.

Tuy nhiên, nghĩ về rừng cây, xưởng gỗ ở Trấn Yên không phải là không còn những chuyện đáng bàn. Lợi ích to lớn của đồi rừng đã khiến không ít trường hợp phát phá rừng tự nhiên, phòng hộ để trồng rừng sản xuất; sự phát triển quá ồ ạt của các xưởng gỗ đã nảy sinh những vấn đề phức tạp như mua nguyên liệu quá non, cây gỗ đường kính 7, 8 cm đã chặt bán; các nhà chế biến chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà ít để ý đến bảo vệ môi trường sinh thái, cám cưa, phế phẩm đắp đống rồi tối đến cho mồi lửa cháy đùng đùng, khói mịt mù cả một vùng... Rừng đã lên xanh, xưởng chế biến rền vang tiếng máy nhưng cần phải bền vững trong cả trồng và chế biến, đó là việc làm của nhà quản lý lúc này.

Lê Phiên

Các tin khác
Thị xã Cửa Lò khoác lên mình diện mạo mới, thu hút khách 
thập phương.

Khách sạn cháy phòng, bãi tắm đông nghẹt người vì du khách đổ về Cửa Lò (Nghệ An) tránh nóng, tránh mất điện.

Mùa vàng ở xã Púng Luông (Mù Cang Chải).
(Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) là xã có địa bàn rộng nhất huyện nhưng cũng khó khăn, phức tạp nhất huyện. Hàng năm, đồng bào thường xuyên phải nhận gạo cứu đói, cây giống, phân bón hỗ trợ từ nhà nước. Hàng tỷ đồng đầu tư vào các công trình thủy lợi, điện, đường, trường, trạm và đã tạo được những chuyển biến tích cực nhưng những chuyển biến đó thực sự chưa đồng bộ.

Sáu tháng đầu năm VN đã chi 125 triệu USD nhập rau quả.

Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê công bố ngày 22-6, giá trị nhập khẩu tháng 6-2010 ước khoảng 7,2 tỉ USD (so với tháng 5 là 7,18 tỉ USD). Trong khi đó xuất khẩu giảm, chỉ đạt 6 tỉ USD (so với 6,3 tỉ USD của tháng 5), đẩy giá trị nhập siêu tháng 6-2010 lên 1,2 tỉ USD (tháng trước là 871 triệu USD).

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ - ông Cao Sỹ Kiêm cho biết một trong 3 kiến nghị ông đề xuất với cơ quan chức năng là phải quy trách nhiệm vật chất đối với ngành điện khi xảy ra chuyện cắt điện vô tội vạ, gây thiệt hại cho DN.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục