Tăng sức cạnh tranh cho công nghiệp Việt Nam
- Cập nhật: Thứ năm, 24/6/2010 | 2:00:05 PM
Bộ Công Thương đã trình Chính phủ Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ để đưa VN trở thành nước công nghiệp hoá - hiện đại hoá vào năm 2020.
Ngành dệt - may của VN có kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng đang phải nhập khẩu khoảng 80% nhu cầu về sợi polyester.
|
Trước tốc độ phát triển mạnh mẽ hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu (XK) của Việt Nam (VN), đã có nhiều ý tưởng từ các cấp, các ngành cũng như ý định từ nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, mong muốn trong tương lai Việt Nam trở thành "xưởng trung tâm" sản xuất hàng hoá cho thị trường khắp thế giới. Nhưng XK càng phát triển, tốc độ nhập siêu của VN càng tăng nhanh, bởi chúng ta chưa có đủ nguồn nguyên phụ liệu cung cấp cho công nghiệp XK.
Nhằm đưa ngành công nghiệp sản xuất hàng XK của VN thoát khỏi tình trạng lệ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu NK, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ để đưa VN trở thành nước công nghiệp hoá - hiện đại hoá vào năm 2020.
Sẽ có nhiều ưu đãi
Để đưa lĩnh vực phát triển công nghiệp hỗ trợ trở thành hiện thực, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã soạn thảo đến lần thứ ba bản dự thảo nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đến nay, dự thảo này còn phải tham khảo ý kiến của các bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp (DN) để nhận thêm sự đồng thuận khi triển khai.
Có thể khẳng định rằng, thời gian vừa qua lĩnh vực sản xuất linh kiện, phụ kiện, nguyên liệu trong nước còn nhiều vướng mắc, do chưa khuyến khích được các DN đầu tư vào lĩnh vực này. Theo phản ánh từ các DN, sản xuất phụ kiện tại VN, nhưng DN trong nước không được ưu đãi về thuế, trong lúc DN NK phụ kiện lại được hưởng chính sách này. Đây là vấn đề sẽ được thay đổi để hướng tới mục tiêu phát triển được công nghiệp hỗ trợ và tăng sức cạnh tranh của hàng sản xuất trong nước so với hàng NK.
Được biết, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc 5 ngành công nghiệp mũi nhọn của nền kinh tế gồm các lĩnh vực sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt - may, da - giày, điện tử - tin học, sản xuất lắp ráp ôtô và cơ khí chế tạo sẽ được thụ hưởng hàng loạt chính sách ưu đãi, thông thoáng trên nhiều lĩnh vực như: Ưu đãi đầu tư, phát triển thị trường; Ưu đãi về khoa học công nghệ; ưu đãi về hạ tầng cơ sở, đào tạo nguồn nhân lực...; riêng về lĩnh vực thuế, các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sẽ được xem xét áp dụng mức thuế thu nhập DN 10% trong thời hạn 15 năm; được miễn thuế thu nhập DN trong thời hạn 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% thuế thu nhập DN trong 9 năm tiếp theo.
Những DN này còn được hưởng các ưu đãi cao nhất về thuế xuất nhập khẩu theo quy định của luật thuế này cùng những cơ chế ưu đãi có liên quan khác theo quy định của pháp luật.
Người lao động nước ngoài làm việc hợp pháp trong các DN sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại VN sẽ được hưởng các ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập cá nhân theo quy định hiện hành.
Và để bảo hộ các sản phẩm hỗ trợ sản xuất trong nước, Chính phủ sẽ áp dụng thuế suất thuế NK các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ mà trong nước đã sản xuất được, theo mức thuế suất trần với thời hạn cho đến khi kết thúc lộ trình miễn - giảm thuế mà VN cam kết trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Để giúp các DN có nguồn vốn thực hiện các dự án phát triển công nghiệp hỗ trợ, Nhà nước sẽ cho những dự án này được vay tối đa đến 85% tổng vốn cố định từ nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển.
Các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế mua sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sản xuất tại VN được ưu tiên xem xét cho vay vốn từ nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước...
Đừng để lâu trên giấy
Nói về chiến lược phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, nhiều chuyên gia kinh tế cũng như cộng đồng DN đều có chung ý kiến cho rằng: Hy vọng chủ trương phát triển công nghiệp hỗ trợ của VN sớm được thực hiện, để các ngành XK cũng như sản xuất công nghiệp của VN được đứng trên sức mạnh nội tại của nền sản xuất trong nước, chứ đừng để “nằm trên giấy” như “Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2010, tầm nhìn năm 2020” đã được phê duyệt cách đây ba năm, mà đến nay sản xuất trong nước vẫn lệ thuộc rất lớn vào nguồn NK.
Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê (ngày 22.6), trong 6 tháng đầu năm 2010, tổng kim ngạch NK của VN lên tới khoảng 38,8 tỉ USD, trong lúc chỉ XK được hơn 32,1 tỉ USD. Như vậy, giá trị nhập siêu từ đầu năm đến nay là 6,7 tỉ USD - chiếm 20,9% kim ngạch XK.
Nói về vấn đề này, từ các nhà quản lý cho đến các chuyên gia kinh tế đều chung nhận định: Căn bệnh nhập siêu triền miên sẽ không thể được giải quyết nếu VN không sớm xây dựng được ngành công nghiệp hỗ trợ ngay từ bây giờ. Tuy nhiên, cho đến nay ngành công nghiệp hỗ trợ của VN vẫn đang còn ì ạch và phụ thuộc phần lớn vào nguồn NK.
Điển hình như ngành dệt - may và da - giày - hai lĩnh vực chiếm kim ngạch XK lớn, nhưng ngành dệt - may đang phải NK khoảng 80% nhu cầu về sợi polyester, ngành giày da NK khoảng 85% hoá chất, các phụ liệu đế giày, mũi giày cùng các phụ liệu khác.
Trước thực trạng nêu trên của ngành công nghiệp hỗ trợ VN, đại diện Tổ chức Hợp tác thương mại hải ngoại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM đã cảnh báo: Công nghiệp hỗ trợ của VN chỉ đáp ứng được một phần bé nhỏ nhu cầu của các Cty Nhật Bản.
Thất bại của ngành công nghiệp hỗ trợ VN có thể dẫn tới hậu quả là khi toàn khối ASEAN thực hiện chính sách miễn thuế (theo Hiệp định về thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung để xây dựng Khu vực mậu dịch tự do ASEAN vào năm 2018), phía các nhà sản xuất ôtô Nhật sẽ chọn phương án NK và bán lại xe nguyên chiếc, thay vì NK từng phần và lắp ráp tại VN, vì như thế sẽ làm cho chi phí cao hơn.
(Theo LĐ)
Các tin khác
YBĐT-Vụ lúa hè thu năm nay, bà con nông dân trong tỉnh phấn đấu đưa vào gieo cấy trên 19.920 ha lúa các loại, phấn đấu năng suất đạt trên đạt trên 46 tạ/ha.
YBĐT - Có thể khẳng định, Trấn Yên là địa phương đi đầu trong phong trào trồng rừng ở Yên Bái. Ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước, phong trào trồng cây gây rừng đã được quan tâm phát triển, bắt đầu từ hàng bạch đàn trắng quanh đầm Vối, đến bãi keo tai tượng quanh các cơ quan như hội trường lớn, Nhà văn hoá, Bảo tàng, Hạt Kiểm lâm nhân dân... rồi đến những trang trại quy mô lớn nhỏ ở Việt Cường, Vân Hội, Y Can, Quy Mông, Cường Thịnh...
Khách sạn cháy phòng, bãi tắm đông nghẹt người vì du khách đổ về Cửa Lò (Nghệ An) tránh nóng, tránh mất điện.
YBĐT - Xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) là xã có địa bàn rộng nhất huyện nhưng cũng khó khăn, phức tạp nhất huyện. Hàng năm, đồng bào thường xuyên phải nhận gạo cứu đói, cây giống, phân bón hỗ trợ từ nhà nước. Hàng tỷ đồng đầu tư vào các công trình thủy lợi, điện, đường, trường, trạm và đã tạo được những chuyển biến tích cực nhưng những chuyển biến đó thực sự chưa đồng bộ.