Hướng phát triển giống lúa mới ở vùng cao Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/6/2010 | 2:51:25 PM

YBĐT - Hiện nay, trên địa bàn Yên Bái đang trồng thử nghiệm giống lúa Japonica (ĐS – 1), đây là giống lúa chất lượng cao phù hợp với vùng lạnh và cận nhiệt đới. Việc đưa giống lúa ĐS - 1 vào sản xuất đã giải quyết được hai vấn đề năng suất và chất lượng lúa của vùng cao Yên Bái.

Các nhà khoa học cùng lãnh đạo địa phương thăm mô hình sản xuất thử nghiệm giống lúa Japonica ĐS - 1 tại xã Hát Lừu (Trạm Tấu).
Các nhà khoa học cùng lãnh đạo địa phương thăm mô hình sản xuất thử nghiệm giống lúa Japonica ĐS - 1 tại xã Hát Lừu (Trạm Tấu).

Mặc dù Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về lượng xuất khẩu nhưng lại đứng thứ ba, thứ tư về chất lượng. Muốn nâng cao chất lượng gạo tiêu dùng nội địa và gạo xuất khẩu, trước tiên phải làm một cuộc cách mạng về giống lúa. Thế nhưng, tìm chỗ đứng trên đồng ruộng cho loại giống này vẫn là bài toán nan giải. Hiện nay, trên địa bàn Yên Bái đang trồng thử nghiệm giống lúa Japonica (ĐS – 1), đây là giống lúa chất lượng cao phù hợp với vùng lạnh và cận nhiệt đới. Việc đưa giống lúa ĐS - 1 vào sản xuất đã giải quyết được hai vấn đề năng suất và chất lượng lúa của vùng cao Yên Bái.  

Những năm gần đây, năng suất và sản lượng lúa của Yên Bái khá ổn định, bảo đảm an ninh lương thực ở địa phương. Tuy nhiên, giống lúa truyền thống, chủ lực là Nhị Ưu 838, Tiên Ưu 63 và Khang Dân, tuy sản lượng cao nhưng chất lượng gạo chưa ngon, giá trị thấp. Để nâng cao giá trị thu nhập cho người trồng lúa, đồng thời nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất canh tác, Viện Di truyền Nông nghiệp đã phối hợp với Trung tâm chuyển giao Công nghệ & Khuyến nông (Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái khảo nghiệm và xây dựng mô hình trình diễn giống lúa ĐS - 1 với qui mô trên 30 ha tại 3 huyện vùng cao là Trạm Tấu, Văn Chấn và Mù Cang Chải. Từ mô hình trình diễn này sẽ nhân rộng cho các vùng sinh thái tương tự, đặc biệt là vùng cao lạnh.

Giáo sư, tiến sỹ Đỗ Năng Vịnh – Phó Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp cho biết: “Chúng ta đã là nước xuất khẩu gạo mạnh, giờ nhu cầu không phải đòi hỏi là no bụng nữa. Những giống lúa năng suất khá mà chất lượng kém cần được thay thế bằng giống có chất lượng. Giống ĐS - 1 là giống như vậy! Nó trồng được cả hai vụ, thời gian sinh trưởng trung bình, năng suất vụ xuân đạt trung bình 7 - 8 tấn/ha/vụ và có nhiều ưu điểm khác như: cứng cây, chịu rét tốt, ít sâu bệnh. Đặc biệt, vụ chiêm xuân năm 2008, hàng ngàn ha mạ và lúa bị chết rét, trong khi lúa giống ĐS - 1 mạ vẫn xanh tốt, năng suất ở nhiều nơi đạt tới 8 tấn/ha. Lúa ĐS - 1 càng lên vùng cao lạnh càng biểu hiện năng suất cao hơn, giá gạo bán tại các địa phương cao hơn so với các giống khác 2.500 đồng/kg, chất lượng gạo ngon, dẻo và được bà con các dân tộc vùng cao ưa thích”.

Ông Lò Văn Pạu – Chủ tịch UBND xã Gia Hội (huyện Văn Chấn) cho biết: “Trước khi xuống giống, vì chưa trồng bao giờ nên nông dân rất lo ngại và hỏi rằng: Cấy giống mới mà mất mùa thì ai đền? Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã cung cấp toàn bộ giống lúa cho bà con và còn cam kết nếu mất mùa sẽ đền bằng 1,5 lần giống Nhị Ưu 838, còn được mùa sẽ thu mua 100% sản lượng thóc... Đến thời điểm này, bà con rất phấn khởi vì lúa được mùa.

Qua vụ đầu cho thấy, lúa chống chịu sâu bệnh tốt, góc lá hẹp, cây cứng, chống đổ tốt, chịu rét tốt, chịu thâm canh. ĐS - 1 có bộ lá xanh đậm, khoẻ, ít nhiễm khô vằn, nhiễm bạc lá rất nhẹ, không nhiễm đạo ôn, chưa bị nhiễm rầy, hạt bầu ít rụng, nảy mầm chậm và là giống chịu lạnh”.

 Bà Lò Thị Sỏi ở bản Đồn, xã Gia Hội hồ hởi nói: Gia đình tôi tham gia trồng thử nghiệm 2000m2 lúa giống ĐS - 1, qua vụ đầu cho thấy lúa chống chịu sâu bệnh tốt, đẻ nhánh khoẻ, thời gian sinh trưởng ngắn (100 – 105 ngày), tỷ lệ phân bón và thuốc trừ sâu chỉ bằng 2/3 giống lúa khác; trong khi năng suất và chất lượng gạo lại cao hơn các giống lúa khác”.

Trên thế giới có 2 loại gạo chất lượng cao chính gạo hạt dài chất lượng cao thuộc loài phụ Indica được sản xuất ở các nước nhiệt đới và loại hạt tròn thuộc loài phụ Japonica được sản xuất chủ yếu ở vùng lạnh. Ưu điểm quan trọng của lúa Japonica là khả năng chịu lạnh, có khả năng sinh trưởng ở nhiệt độ thấp (xung quanh 150C), tuy nhiên nhiệt độ xuống tới 11oC ở giai đoạn trỗ bông sẽ gây hại nặng. Lúa Japonica thích hợp với vùng trồng có khí hậu ôn đới, cận nhiệt đới và vùng cao nhiệt đới. Các nước trồng lúa Japonica chủ yếu tập trung ở châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...và trải dài tới Trung cận Đông gồm Ai Cập, Ma - rốc, Thổ Nhĩ Kỳ… Do sự đa dạng và tính thích ứng tốt của giống nên các châu lục khác cũng trồng được lúa Japonica như: châu Âu, Bắc Mỹ, châu Úc.
Đánh giá kết quả gieo cấy thử nghiệm được trồng tại 3 xã là: Sơn Lương, Gia Hội  và Nậm Búng của huyện Văn Chấn cho thấy, giống lúa ĐS -  1 có số bông hữu hiệu, hạt chắc cao hơn Nhị Ưu 838 nên năng suất có khả năng cao hơn khoảng 10 - 15 kg/sào. Dựa vào năng suất, chi phí đầu tư và giá cả thị trường thì trên cùng một sào canh tác, khi cấy ĐS - 1 thu lãi cao hơn Nhị Ưu 838 từ 250 – 300 nghìn đồng, (tương đương 6 - 7 triệu đồng/ha).

Ông Nguyễn Văn Toản – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Văn Chấn cho biết: vụ này toàn huyện trồng 22,25 ha ĐS - 1. Đây là giống lúa có thời gian sinh trưởng trung bình và sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp với đồng đất tại các xã thực hiện mô hình. Có thời gian trỗ tập trung, cho năng suất và chất lượng gạo hơn hẳn các giống lúa thuần hiện đang trồng tại địa phương, mẫu mã, hình dáng hạt gạo đẹp, thích hợp cho việc sản xuất hàng hoá. Tới đây, huyện Văn Chấn sẽ mở rộng diện tích trồng lên 50 – 60 ha”.

Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Năng Vịnh cho biết thêm: “Chiến lược phát triển lúa ĐS-1 trong thời gian tới là tuyển chọn giống năng suất, chất lượng, chống chịu sâu bệnh cho phát triển sản xuất ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Chúng tôi dự kiến sẽ đẩy diện tích sản xuất lúa ĐS - 1 ở miền núi lên 10 - 20%, sản lượng chiếm 12 đến 24%. Dự kiến sẽ đưa kỹ thuật gieo mạ thẳng vào sản xuất và đưa vụ chiêm lên sớm hơn nhờ đặc tính chịu lạnh; khai thác các giống có thời gian ngắn hơn và phát triển sản xuất vụ mùa bảo đảm sản xuất được 2 vụ lúa có năng suất, chất lượng hiệu quả kinh tế cao hơn so với các giống khác; khai thác thêm một vụ đông trên đất 2 vụ lúa ở một số địa bàn. Gạo ĐS - 1 sản xuất ở miền núi, đặc biệt, có thể phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, với khảo nghiệm, chọn tạo các giống Japonica mới, việc nghiên cứu vùng sinh thái và cơ cấu mùa vụ thích hợp, qui trình canh tác giống lúa ĐS - 1 đạt năng suất cao là rất cần thiết. Chúng tôi tin chắc rằng lúa ĐS - 1 sẽ tạo ra hướng phát triển mới trong nghề trồng lúa của người dân vùng cao”.

 Quang Thiều

Các tin khác
Người dân làm tờ khai thuế nhà đất tại Chi cục thuế quận 3 ngày 23-6.

Nhằm phục vụ việc thực hiện đề án 30 về cải cách hành chính (giai đoạn 2) của Chính phủ, ngày 23-6, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã chủ trì hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan với đại diện các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp khu vực phía Nam.

UBND Thành phố Hà Nội vừa ra quyết định mới yêu cầu các dự án bất động sản lớn hơn 20 ha chủ đầu tư phải có số vốn đầu tư thuộc sở hữu của mình không nhỏ hơn 20% tổng vốn đầu tư.

Ngành dệt - may của VN có kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng đang phải nhập khẩu khoảng 80% nhu cầu về sợi polyester.

Bộ Công Thương đã trình Chính phủ Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ để đưa VN trở thành nước công nghiệp hoá - hiện đại hoá vào năm 2020.

Bà con nông dân xã Sơn A cấy mùa sớm.

YBĐT-Vụ lúa hè thu năm nay, bà con nông dân trong tỉnh phấn đấu đưa vào gieo cấy trên 19.920 ha lúa các loại, phấn đấu năng suất đạt trên đạt trên 46 tạ/ha.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục