Hàng loạt dự án điện chậm tiến độ
- Cập nhật: Thứ sáu, 25/6/2010 | 7:58:26 AM
Đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu điện như hiện nay.
Do chậm tiến độ nên Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 1 vẫn chưa hòa được lưới điện quốc gia
|
Ông Đỗ Đức Quân, Vụ phó Vụ Năng lượng (Bộ Công thương) cho biết, hầu hết các dự án thủy điện lớn đều chậm tiến độ, như Cửa Đạt, Đồng Nai 3, 4; nhiều dự án đã buộc phải điều chỉnh lại tiến độ như Bản Trát (chủ đầu tư là EVN).
Có dự án 10 năm không thực hiện...
Tiến độ của các dự án nhiệt điện chạy than còn ì ạch hơn nữa. Trong cuộc họp mới đây giữa Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn than và khoáng sản (TKV) về tiến độ của các dự án điện, ông Hoàng Tiến Dũng, Viện phó Viện Năng lượng đã công bố con số “giật mình”: 100% dự án nhiệt điện chạy than chậm tiến độ. Có nhà máy chậm mất 3 - 4 năm, có dự án 10 năm không thực hiện được kéo dài từ tổng sơ đồ điện 4 đến nay vẫn chưa xong.
Hai nhà máy nhiệt điện lớn là Hải Phòng 1, 2 (công suất 1.200 MW) và Quảng Ninh 1, 2 (1.200 MW) - công suất xấp xỉ bằng tổng công suất các nhà máy nhiệt điện hiện có tại miền Bắc, dự kiến nếu đi vào vận hành trong năm nay, sẽ bổ sung một nguồn lớn cho hệ thống điện quốc gia, giải tỏa tình trạng thiếu điện mỗi khi thủy điện gặp khó do khô hạn. Song trên thực tế, cả hai nguồn lớn này đều chậm tiến độ. Cụ thể, nhiệt điện Hải Phòng 1 (công suất 600 MW) khởi công từ tháng 11.2005, dự kiến chính thức vận hành vào tháng 9.2008, nhưng đã chậm tiến độ gần 20 tháng. Chưa kể, sau 2 lần chạy thử đã xảy ra sự cố khiến tổ máy 1 phải dừng hoạt động từ cuối năm 2009 đến nay.
Theo kết quả kiểm tra tiến độ các dự án điện thuộc tổng sơ đồ VI do Bộ Công thương công bố mới đây, trong số 35 dự án nhà máy điện đang thi công, chỉ có 5 dự án (14%) đang bám tiến độ gồm thủy điện Srêpok 3, 4, Sông Tranh 2, Khe Bố và nhiệt điện Uông Bí mở rộng 2. Còn lại hầu hết các dự án đều chậm tiến độ từ 2 đến 6 tháng. Nếu không tính 350 MW bị chậm của năm 2009 chuyển sang, dự kiến tổng công suất các nguồn điện đưa vào vận hành trong năm 2010 chỉ đạt 2.612 MW, thấp hơn 723 MW so với yêu cầu là 3.335 MW. Các dự án dự kiến đi vào vận hành trong thời gian đầu năm đều bị chậm khiến việc cân đối cung cấp điện cho các tháng mùa khô năm nay gặp khó khăn.
Với Hải Phòng 2, tình trạng còn bi đát hơn, hợp đồng EPC (tư vấn, thiết kế - cung cấp thiết bị - xây lắp, vận hành) được ký từ tháng 7.2007 nhưng đến nay mới chỉ dừng ở khâu giải phóng mặt bằng. Hải Phòng 2 ì ạch do khó khăn về vốn, EVN muốn giảm tỷ lệ góp vốn từ 87,5% xuống 60%, trong khi hợp đồng vay vốn với một ngân hàng Trung Quốc lại chưa thông.
Tiến độ thi công của nhiệt điện Quảng Ninh 1 (công suất 600 MW) cũng đã chậm 14 tháng so với tiến độ cấp Chứng chỉ nghiệm thu tạm thời.
Với 13 dự án nhiệt điện chạy than (tổng công suất lên tới 13.800 MW, mà cuối năm 2008 EVN đã từ chối nhận đầu tư), Thủ tướng đã giao cho các tập đoàn triển khai, nhưng đến nay chỉ có PVN đang làm nhiệt điện Vũng Áng, các dự án còn lại đều án binh bất động.
Chủ đầu tư và nhà thầu đều yếu
Theo ông Hoàng Tiến Dũng, có hàng loạt lý do dẫn đến sự chậm trễ này, từ quy hoạch bất cập, chồng chéo ở các địa phương, đến giá điện không khuyến khích nhà đầu tư, việc cung cấp than hạn chế, nhưng nguyên nhân lớn nhất vẫn là việc khó thu xếp vốn và năng lực hạn chế của chủ đầu tư lẫn nhà thầu.
Ông Lê Tuấn Phong, Vụ phó phụ trách nhiệt điện của Vụ Năng lượng cũng cho rằng, lỗi chậm tiến độ do cơ chế đấu thầu phức tạp, kéo dài, thu xếp vốn rất khó khăn, đặc biệt năng lực nhiều nhà thầu Trung Quốc không đáp ứng được yêu cầu.
Từng phàn nàn với cơ quan quản lý về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Thảo, Trưởng ban điện của Tập đoàn than - khoáng sản VN (TKV) cho rằng, giá bán điện thấp thì không chọn được nhà đầu tư có kinh nghiệm. Ông Hoàng Tiến Dũng cũng đánh giá nhiều nhà thầu nước ngoài năng lực rất đáng ngờ, song cái khó của chủ đầu tư ở chỗ, tổng mức đầu tư thấp, nên chỉ lựa chọn được nhà thầu năng lực kém, giá thành thiết bị thấp... không đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư. Nhà máy nhiệt điện Na Dương khi đi vào vận hành chậm tới 2 năm cũng vì lý do này. Song cũng theo ông Dũng, không chỉ nhà thầu mà bản thân năng lực các chủ đầu tư vẫn còn khá hạn chế.
Câu chuyện khó khăn về vốn, giải phóng mặt bằng, năng lực nhà thầu... mà các chủ đầu tư đưa ra mỗi khi lý giải cho việc dự án chậm tiến độ không mới. Tại sao với kinh nghiệm làm điện hàng chục năm, và nhận được rất nhiều hỗ trợ tích cực từ phía Nhà nước, song các chủ đầu tư vẫn không cải thiện được tình trạng này là câu hỏi đáng suy nghĩ?
(Theo TN)
Các tin khác
Ngày 24-6, Văn phòng Giải thưởng Chất lượng Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng) cho biết: Năm 2010, Việt Nam có ba doanh nghiệp (DN) đoạt Giải thưởng Chất lượng quốc tế châu Á - Thái Bình Dương (IAPQA) do Tổ chức Chất lượng châu Á - Thái Bình Dương trao tặng.
Từ ngày 1/7 tới, lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 8%/năm. Đây là nội dung chính của Quyết định số 1565/QĐ-NHNN do Thống đốc ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 24/6.
YBĐT - Hiện nay, trên địa bàn Yên Bái đang trồng thử nghiệm giống lúa Japonica (ĐS – 1), đây là giống lúa chất lượng cao phù hợp với vùng lạnh và cận nhiệt đới. Việc đưa giống lúa ĐS - 1 vào sản xuất đã giải quyết được hai vấn đề năng suất và chất lượng lúa của vùng cao Yên Bái.
Nhằm phục vụ việc thực hiện đề án 30 về cải cách hành chính (giai đoạn 2) của Chính phủ, ngày 23-6, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã chủ trì hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan với đại diện các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp khu vực phía Nam.