Phòng chống dịch lợn tai xanh ở Yên Bình: Những lỗ hổng chưa lấp
- Cập nhật: Thứ sáu, 25/6/2010 | 2:39:53 PM
YBĐT - Mặc dù DLTX chưa xuất hiện trên địa bàn huyện, nhưng công tác phòng dịch tại Yên Bình vẫn được các cấp, các ngành triển khai ráo riết. phương châm được quán triệt là khi lợn ốm, gia súc, gia cầm ốm thì hộ chăn nuôi phải báo cán bộ thú y và cán bộ thú y phải có phương án dập dịch nhanh chóng hiệu quả.
Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình Nguyễn Thị Minh, xã Vĩnh Kiên (huyện Yên Bình) mỗi năm xuất chuồng 20 tấn lợn hơi.
|
Để hiệu quả, Trạm Thú y huyện đã triển khai nội dung phòng dịch đến toàn bộ nhân viên thú y của 26 xã, thị trấn. Trong đó, chủ động kiểm tra công tác triển khai phòng dịch ở các xã; hướng dẫn chính quyền các xã ký cam kết với các chủ hộ chăn nuôi hạn chế việc nhập gia súc vào địa bàn; tăng cường công tác giám sát kiểm tra để người dân khai báo kịp thời khi dịch mới xảy ra trên diện hẹp nhằm giảm thiệt hại lớn nhất cho người chăn nuôi; giám sát thật kỹ việc nhập lợn cũng như gia súc vào địa bàn, gia súc vận chuyển vào địa bàn phải chứng minh có nguồn gốc rõ ràng.
Cùng với đó, thiết lập chốt kiểm dịch tại vị trí trọng yếu tại Km18+200 thuộc quốc lộ 70, tại thôn 3 thuộc xã Thịnh Hưng và duy trì lực lượng trực gác 24/24h để ngăn ngừa lợn ở các địa phương khác chuyển vào địa bàn. Tuy nhiên, theo ông Bùi Hoàng Thạch - Trạm trưởng Trạm Thú y huyện: “ Tuy đã có chốt kiểm dịch nhưng rất khó kiểm soát, bởi việc không có quyết định hạ barie cùng với việc không có cảnh sát giao thông thì khó lòng yêu cầu các phương tiện tham gia giao thông dừng lại để kiểm tra. Thực tế, việc lập chốt kiểm dịch đã phát huy tác dụng nhưng chủ yếu vẫn chỉ với các xe gắn máy chở lợn giống vào địa bàn”.
Bên cạnh công tác kiểm dịch động vật, việc phun hóa chất tiêu độc, khử trùng cũng nhanh chóng được triển khai. Trạm đã cung ứng 312 lít hóa chất tiêu độc, khử trùng cho các xã thị trấn. Tuy nhiên, số này không thấm vào đâu vì toàn huyện có 283 thôn bản, trung bình mỗi thôn chỉ có 1 lít thuốc, còn lại tập trung ở các chợ. Để phòng chống dịch hiệu quả thì ít nhất phải làm tốt 3 vấn đề cơ bản là tiêm đầy đủ vaccin cho động vật; kiểm dịch động vật và kiểm soát tốt việc giết mổ gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, cả ba yếu tố này, Yên Bình đều bộc lộ những hạn chế.
Trong đó kiểm soát giết mổ đang là vấn đề khó khăn của ngành thú y. Hiện nay, trên địa bàn huyện chưa có lò giết mổ tập trung, việc kiểm dịch giết mổ và đóng dấu kiểm dịch chỉ tập trung ở các chợ, chủ yếu là bằng cảm quan trong khi trình độ cán bộ cũng như phương tiện còn rất hạn chế. Trước đây, việc kiểm soát giết mổ thực hiện bằng cách đo nhiệt độ nếu lợn có dấu hiệu sốt thì không cho mổ. Nhưng việc làm này đến nay không duy trì được vì các hộ giết mổ không muốn hợp tác và việc giết mổ thường nhỏ lẻ, trong khi lực lượng cán bộ thú y lại rất mỏng. Một lý do nữa khiến việc kiểm dịch và đóng dấu kiểm dịch đạt tỷ lệ thấp vì tâm lý người mua không thích lợn có dấu kiểm dịch. cán bộ thú y rất ít khi đến từng hộ giết mổ kiểm dịch lợn sống mà chỉ chủ yếu khi lợn đã giết mổ xong.
Công tác tiêm phòng được coi là tường thành vững chắc trong phòng bệnh cho đàn lợn cũng có vấn đề. Theo báo cáo của Trạm Thú y huyện Yên Bình thì 6 tháng đầu năm đã tiêm 6.505 liều tụ huyết trùng lợn, 6.050 mũi dịch tả lợn. Tuy nhiên, nếu so với đàn lợn hiện có của huyện là trên 45.000 con đã cho thấy tỷ lệ tiêm phòng rất thấp. Mặc dù chi phí tiền công và tiền thuốc cho mỗi mũi tiêm phòng chỉ mất 5.500-6.000đồng/mũi, nếu tiêm đầy đủ phòng dịch cũng chỉ mất 20.000 đồng/con nhưng không phải hộ nào cũng chủ động. Theo ghi nhận của chúng tôi thì công tác tiêm phòng cho đàn lợn vẫn chủ yếu ở các trang trại chăn nuôi lớn, còn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gần như bỏ ngỏ.
Những khó khăn kể trên không riêng Yên Bình mà hầu hết các địa phương trong tỉnh. chừng nào những lỗ hổng trên chưa được khắc phục thì những nỗ lực trong công tác phòng chống dịch của địa phương, các chủ hộ chăn nuôi chưa thể khẳng định hiệu quả cao và nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng là khó tránh khỏi.
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Trong tháng 2 và tháng 4 năm 2010, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã xảy ra nhiều trận lốc kèm theo mưa đá làm hàng trăm hộ dân bị thiệt hại về nhà cửa. Những diễn biến bất thường của thời tiết năm nay đang báo hiệu một mùa mưa bão phức tạp, đòi hỏi công tác phòng chống lũ bão - giảm nhẹ thiên tai (PCLB-GNTT) phải sớm có kế hoạch phòng tránh.
Giá vàng thế giới đã tăng trở lại trong phiên giao dịch đêm qua và sáng nay khi giới đầu tư mạnh tay gom mua để đề phòng những rủi ro có thể xảy tới trên thị trường tài chính. Trong nước, giá vàng tăng qua mức 27,50 triệu đồng/lượng từ mức 28,40 triệu đồng/lượng cuối ngày hôm qua.
YBĐT - Con người ta có cái hay là trong hoàn cảnh nào cũng tìm được phương cách mà tồn tại, phát triển. Mất điện không thể không nói là ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh nhưng nhiều người vẫn biết cách để kiếm sống trong môi trường khó khăn...
Tin từ Hiệp hội Chè Việt Nam (Vitas), 6 tháng đầu năm, ngành chè ước sẽ xuất khẩu 60.000 tấn, thu về kim ngạch 80 triệu USD. So với cùng kỳ con số này đã tăng 25% về lượng và 30% về giá trị.