Công nghiệp Yên Bái: Khai thác tiềm năng, tạo bước đột phá
- Cập nhật: Thứ hai, 28/6/2010 | 2:59:24 PM
YBĐT - Là một tỉnh nằm sâu trong nội địa, trình độ dân trí chưa cao, lực lượng lao động lớn nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, Yên Bái là tỉnh ít có điều kiện phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Dây chuyền chế biến quặng của Công ty cổ phần Hòa Yên (xã Âu Lâu - TP Yên Bái).
|
Tuy vậy, những năm qua, sản xuất công nghiệp Yên Bái vẫn có những bước phát triển khá nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các chính sách thu hút đầu tư và sự nỗ lực của các doanh nghiệp. Tiềm năng, thế mạnh đã được khai thác đúng mức, công nghiệp Yên Bái đã chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế, góp phần đưa Yên Bái dần trở thành một tỉnh phát triển trong khu vực.
Đến nay, các ngành nghề chế biến nông, lâm sản, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng thực sự đã trở thành những ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Ngành nghề chế biến nông, lâm sản với hàng loạt các nhà máy giấy quy mô vừa ở Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn, sản lượng giấy đạt trên 20 nghìn tấn/năm. Đặc biệt, toàn tỉnh có trên 400 cơ sở chế biến gỗ với các sản phẩm gỗ thanh, gỗ bóc, ván ép, đũa xuất khẩu, hàng vạn mét khối gỗ rừng trồng được khai thác hàng năm đã được tổ chức chế biến sâu ngay tại tỉnh, tạo ra giá trị hàng hóa lớn, thu hút hàng nghìn lao động với việc làm và thu nhập ổn định. Cây sắn đã trụ vững trên đất đòi gò Văn Yên, Yên Bình, Văn Chấn.
Chế biến sắn đạt sản lượng hàng chục nghìn tấn tinh bột/năm, ngoài ra có hàng nghìn tấn sắn băm, sấy khô được xuất khẩu qua đường tiểu ngạch cũng thu được nguồn lợi lớn và tạo việc làm cho hàng nghìn lao động thời vụ. Trên lĩnh vực chế biến nông sản, không thể không kể tới gần 100 cơ sở chế biến chè với nhiều nhà máy, thuộc nhiều thành phần kinh tế, nằm ở các địa phương có vùng nguyên liệu lớn như Văn Chấn, Trấn Yên, Yên Bình, giúp nguyên liệu chè được tổ chức thu mua, chế biến và tiêu thụ hết.
Lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản đã dần đi vào ổn định với các cơ chế chính sách phù hợp với các quy định chung cũng như sát thực với đặc thù tài nguyên, khoáng sản tại địa phương, trong đó đáng kể nhất là các mỏ đá vôi trắng ở Yên Bình, Lục Yên được tổ chức khai thác một cách quy mô, tổ chức chế biến sâu, tạo ra mặt hàng có giá trị trên thị trường trong nước và quốc tế, là nguồn nguyên liệu quan trọng trong các ngành nghề sản xuất đồ nhựa, cao su, hóa mỹ phẩm, sơn…
Chế biến gỗ rừng trồng là thế mạnh của công nghiệp Yên Bái.
Trong ảnh: Công nhân Công ty cổ phần Phát triển Quy Mông (Trấn Yên) chuyển sản phẩm gỗ ván dán ép đi tiêu thụ.
Những tên tuổi lớn trên lĩnh vực khai thác đá vôi trắng phải kể đến là Liên doanh YBB, Công ty cổ phần Khoáng sản Mông Sơn, Công ty có vốn đầu tư 100% ngoài nước RK, cùng với các nhà máy nghiền Felspat của Công ty cổ phần Khoáng sản Cửu Long Vinashin, Công ty Viglacera Yên Hà… Lĩnh vực khai thác quặng sắt đang được rà soát quy hoạch lại đảm bảo việc khai thác, đem lại hiệu quả cho nhà đầu tư, giảm thiểu gây hại cho môi trường, chú trọng chế biến làm giàu quặng đảm bảo đủ tiêu chuẩn đưa vào luyện gang, thép.
Thành công lớn trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp là ngành nghề sản xuất vật liệu dựng. Với tiềm năng là tỉnh có trữ lượng đá vôi lớn, Yên Bái đã thành công trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng với hai nhà máy xi măng, tổng công suất gần 1,4 triệu tấn/năm, sản phẩm xi măng Vinaconex Yên Bình và YBC Yên Bái được khách hàng tin dùng và chiếm thị phần lớn tại Yên Bái và các tỉnh lân cận; sản phẩm gạch xây dựng thương hiệu Xuân Lan, Bảo Hưng, Văn Chấn…, mỗi năm, gần 200 triệu viên được sản xuất đã đáp ứng nhu cầu xây dựng công nghiệp và dân dụng khắp các huyện, thị trong tỉnh và đang vươn dần ra các tỉnh bạn.
Yên Bái đề mục tiêu đến năm 2010 giá trị sản xuất công nghiệp đạt 3000 tỷ đồng, năm 2015 đạt 7.200 tỷ đồng. Đây là những mục tiêu hoàn toàn có cơ sở thực hiện, vì tốc độ tăng trưởng công nghiệp (giai đoạn 2005 - 2010) đã đạt con số bình quân 22,35%, giai đoạn tới công nghiệp sẽ có bước nhảy vọt khi nhiều dự án lớn đã hoàn thành việc đầu tư, xây dựng cơ bản, dần đi vào sản xuất ổn định như các nhà máy chế biến khoáng sản, dự án mở rộng, nâng cao công suất Nhà máy xi măng Yên Bình, Nhà máy giấy Minh Quân, đặc biệt là các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ như: Văn Chấn, Ngòi Hút, Mường Kim, Hồ Bốn, Trạm Tấu… Yên Bái đã thành công lớn trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp nhờ những chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, nhờ đánh giá đúng tiềm năng, thế mạnh.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, chúng ta cần cởi mở, thông thoáng hơn nữa trong cơ chế chính sách, nhất là việc cải cách thủ tục hành chính, các chính sách ưu đãi đầu tư, cùng với đó là đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông, điện phục vụ sản xuất…; lựa chọn những nhà đầu tư phù hợp, áp dụng những công nghệ mới, hạn chế tác động đến môi trường cũng là việc cần được quan tâm, chú trọng để nền công nghiệp thực sự tạo ra những bước đột phá trong phát triển kinh tế, góp phần đưa Yên Bái thành tỉnh phát triển trong khu vực.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Thành phố Yên Bái là địa phương thu ngân sách lớn nhất của tỉnh với số thu những năm gần đây thường xuyên trên 100 tỷ đồng. Năm 2009, thành phố Yên Bái thu vào ngân sách Nhà nước 106 tỷ đồng.
Giá vàng trong nước đã vượt qua ngưỡng 28,70 triệu đồng/lượng khi giá vàng thế giới mở cửa với xu hướng tăng nhẹ. Giới phân tích dự báo, vàng có khả năng tiếp tục tăng giá, thậm chí là lập kỷ lục mới khi cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu còn tiếp tục kéo dài.
YBĐT - Bức tranh kinh tế nông-lâm nghiệp Yên Bái những năm gần đây tươi mới với những kết quả đa dạng và khá toàn diện. Nền sản xuất chuyển mạnh theo hướng hàng hoá và bền vững với sự gia tăng không ngừng về giá trị và hàm lượng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản phẩm...
Phát biểu tại các phiên thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh G 20 ở Toronto (Canada), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi G 20 thúc đẩy vòng đàm phán Doha, tiếp tục có các biện pháp cụ thể xóa bỏ các rào cản đối với thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài.