"Xanh mặt" vì “tai xanh”
- Cập nhật: Thứ sáu, 2/7/2010 | 9:09:32 AM
YBĐT - Dịch lợn tai xanh (DLTX) bùng phát mạnh tại các tỉnh, thành khiến cho hàng ngàn hộ chăn nuôi lợn điêu đứng. Yên Bái tuy chưa xảy ra dịch, nhưng những hậu quả của DLTX đang làm cho người chăn nuôi "xanh mặt".
|
Lợn tiêu thụ chậm và khó kiểm soát
Tính đến ngày 28/6/2010, cả nước còn 10 tỉnh có DLTX chưa qua 21 ngày, điều đó cho thấy DLTX có phần chững lại. Nhưng hậu quả của nó đã gây ảnh hưởng lớn đến người chăn nuôi. Thời gian đầu bùng phát, những thông tin về DLTX đã khiến người tiêu dùng sợ ăn thịt lợn và khiến lượng thịt tiêu thụ chậm. Ngay cả tỉnh Yên Bái chưa xuất hiện DLTX nhưng vẫn có không ít người quay lưng lại với thịt lợn hoặc có ăn thì hạn chế.
Bà Nguyễn Thị Mai ở phường Minh Tân (thành phố Yên Bái) cho biết: “Vài tuần trước, tôi đi chợ không dám mua thịt lợn, dẫu ở đây chưa có DLTX nhưng tốt nhất là không ăn bởi lượng thịt xuất ra thị trường ai đứng ra đảm bảo là an toàn vệ sinh thực phẩm, không mang dịch”. Việc kiểm dịch, kiểm soát giết mổ đang gặp khó khăn nhất định, việc không phân biệt được đâu là thịt lợn sạch, thịt lợn bệnh khiến người tiêu dùng vô cùng ái ngại. Dấu kiểm dịch do ngành thú y đóng là cơ sở để chứng minh lợn sạch.
Tuy nhiên, hiện nay lượng thịt bán ngoài thị trường không có dấu kiểm dịch vẫn rất lớn. Hoặc thịt lợn có đóng dấu kiểm dịch nhưng khi người bán xẻ thịt lợn ra từng mảnh nhỏ, chỗ đóng dấu đã bị cạo đi hoặc đã đem bán thì người mua cũng khó mà biết. Chưa kể đến hầu hết việc đóng dấu lợn chủ yếu bằng cảm quan, dẫn đến những người kỹ tính đã chọn cách nhịn ăn thịt lợn hoặc hạn chế. Trách nhiệm kiểm dịch thuộc về ngành thú y, nhưng với quyền hạn còn hạn chế, lực lượng mỏng thì khó lòng kiểm soát được tất cả các hộ giết mổ gia súc trên địa bàn. Ví như trên địa bàn huyện Yên Bình có khoảng 200 hộ giết mổ tư nhân, trong khi lực lượng làm công tác kiểm soát giết mổ chỉ vài người nên không thể kiểm soát hết. Hơn nữa, tỉnh chưa có một lò giết mổ tập trung nào thì việc kiểm tra an toàn thực phẩm càng gặp nhiều khó khăn.
Ông Bùi Hoàng Thạch - Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Yên Bình cho rằng: “Việc không có lò giết mổ tập trung và cùng với đó là sự không hợp tác của một số chủ hộ giết mổ, dẫn đến việc kiểm tra giết mổ khó kiểm soát”.
Bên cạnh đó, cũng cần bàn đến việc lập các chốt kiểm dịch. Tuy các chốt kiểm dịch đã được thiết lập trên các tuyến đường thiết yếu nhưng thịt lợn mổ sẵn vẫn từ nhiều ngả theo các chiếc xe đạp bán rong vào thành phố. Vậy, ai dám đảm bảo lượng thịt trên không mang mầm bệnh? Việc không thể chứng minh được lợn sạch đã làm cho người tiêu dùng ngại thịt lợn. Cùng với đó là sự ép giá của người thu mua dẫn đến hệ lụy là những hộ nuôi lợn sạch cũng lâm vào cảnh lao đao
Cần có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi
Hiện nay, giá lợn hơi đã nhích hơn nhưng vẫn không đủ làm cho người chăn nuôi bớt lo lắng. Khi chưa có DLTX nhiều chủ hộ chăn nuôi đã khốn đốn vì giá thức ăn tăng cao, trong khi giá lợn rớt thê thảm. Có DLTX, đồng thời cũng sẽ lại giáng thêm một đòn nữa vào người chăn nuôi.
Ông Lê Thế Viên, thôn 7 xã Thịnh Hưng (huyện Yên Bình) nói: “Mặc dù đàn lợn của gia đình tôi luôn được tiêm phòng đầy đủ, nhưng do ảnh hưởng của DLTX lượng thịt tiêu thụ giảm nên dẫn đến người mua ép giá. Nếu bán thì lỗ mà để nuôi thì cũng không lớn. Đợt vừa qua, gia đình bán 35 con lợn đã lỗ trên 10 triệu đồng”. Những hậu quả từ “tai xanh” đã khiến lượng lợn xuất chuồng giảm sút nghiêm trọng, không ít chủ hộ đứng trên bờ phá sản. Không riêng gì gia đình ông Viên mà nhiều hộ chăn nuôi cũng cùng chung cảnh ngộ như gia đình ông Trần Đình Kiên, Ngô Tất Thắng ở thôn Thanh Bình, xã Phú Thịnh.
Lợn lành cũng bị vạ lây như hiện nay thì quả thật người chăn nuôi rất cần có chính sách hỗ trợ. Anh Nguyễn Hữu Hồng, thôn Thanh Bình xã Phú Thịnh- chủ hộ chăn nuôi cho biết: “ Gia đình tôi luôn tiêm phòng đầy đủ cho đàn lợn, thường xuyên phun thuốc tiêu độc khử trùng. Tuy nhiên, có lẽ do ảnh hưởng của DLTX nên tư thương trả giá rất thấp. Cách đây một tháng, gia đình xuất 60 con lợn với giá 22.000đồng/kg và hạch toán ra thì lỗ 25 triệu đồng”.
Để cứu người chăn nuôi, tỉnh nên có chính sách hỗ trợ, ngân hàng cần có chính sách khoanh nợ, giãn nợ. Cùng với đó, khi giá lợn xuống thấp thì cũng cần có chính sách trợ giá cho người chăn nuôi, có thể là mỗi kg lợn sẽ được hỗ trợ vài trăm đồng chẳng hạn. Còn theo ông Lê Thế Viên thì rất cần chính sách hỗ trợ chăn nuôi như cho vay không lãi suất trong vòng 1 hoặc 2 năm để người chăn nuôi tái đầu tư. Đó không chỉ là ước muốn của ông Viên, anh Hồng mà là ước muốn của rất nhiều hộ chăn nuôi hiện nay. Tuy nhiên, những cơ chế chính sách trên chỉ là tức thời, về lâu dài cần có chính sách để các địa phương xây dựng được các lò giết mổ tập trung.
Hỗ trợ cho ngành thú y có đủ phương tiện, lực lượng phục vụ cho công tác kiểm dịch để các chủ lò mổ có nguồn lợn sạch xuất ra thị trường. Ngoài ra, ngành chăn nuôi phải tiến tới hình thức chăn nuôi trang trại lớn, phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung quy mô lớn, bảo đảm an toàn sinh học vì thực tế cho thấy, với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì công tác phòng trừ dịch bệnh ít được các chủ hộ quan tâm.
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Giám đốc Ban quản lý Dự án Thủy điện Mường Kim - ông Nguyễn Ngọc Quyền cho biết, Nhà máy sẽ chính thức phát điện trong tháng 7/2010.
YBĐT - Nằm ở vị trí trung tâm xã, những năm qua, thôn Đồng Lơi, xã Thanh Lương, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã tận dụng, khai thác tốt tiềm năng đất đai ở địa phương, đẩy mạnh phát triển sản xuất 3 vụ tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tăng năng suất cây trồng và thu nhập cho nhân dân.
YBĐT - 6 tháng đầu năm 2010, thành phố Yên Bái triển khai các chương trình, dự án, đề án hỗ trợ tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất như: chính sách hỗ trợ lãi suất máy móc thiết bị sản xuất miến đao, miến tổng hợp; triển khai Đề án khuyến công quốc gia cho Công ty Việt Hoa; hỗ trợ 2 đơn vị hoàn thiện Đề án khuyến công năm 2010 để trình HĐND tỉnh thông qua; cụm công nghiệp Âu Lâu, xã Âu lâu đã được công bố quy hoạch với diện tích 50 ha…
Từ 1-7, Luật Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) hết hiệu lực, các DN chơi chung sân theo Luật DN. Tuy nhiên, đến nay còn hơn 50 DNNN chưa kịp chuyển đổi sang Cty TNHH một thành viên. Vậy các DN này hoạt động theo luật nào, rủi ro ra sao?