Ngô cháy vì hạn

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/7/2010 | 2:53:35 PM

YBĐT - Chiều ngày 12/7, trời Sơn Thịnh đổ mưa. Sau những ngày hạn nặng mà mưa thì phấn khởi lắm, “đại hạn gặp mưa rào”, ấy vậy mà rất nhiều người dân Sơn Thịnh vẫn buồn rầu.

Cán bộ nông lâm nghiệp và Trưởng thôn Văn Thi 3 bên nương ngô đang khô dần do nắng nóng.
Cán bộ nông lâm nghiệp và Trưởng thôn Văn Thi 3 bên nương ngô đang khô dần do nắng nóng.

“Vui sao được anh, quá muộn rồi, toàn bộ ngô nhà tôi đã chết trắng, đói là cái chắc!” - một bà lão ở thôn Văn Thi 4 nói như muốn khóc bên nương ngô lá đã bạc phếch một màu.

Cả phó chủ tịch UBND xã và cán bộ phụ trách nông lâm nghiệp xã Sơn Thịnh (Văn Chấn) Nguyễn Duy Lệ có vẻ lúng túng khi trao đổi với chúng tôi về tình hình ngô chết vì hạn. Những con số như: tổng diện tích ngô toàn xã là 150 ha hay nhiều hơn nữa? Diện tích ngô chết vì hạn khoảng trên 50 hay 80%?...

Tất nhiên những con số chỉ là con số, còn diện tích ngô ở Sơn Thịnh thì chắc chắn là lớn hơn con số 150 ha/vụ, riêng ngô đồi không thể là 100 ha. Nói như vậy vì từ mấy năm qua cây ngô đã khẳng định vị thế của mình ở Sơn Thịnh cũng như nhiều vùng quê khác ở Văn Chấn, năng suất khoảng 4 tấn/ha, giá ngô hạt từ 4.000 đến 6.000 đồng/kg (tùy thời điểm), đã thúc đẩy người dân phát triển mạnh cây ngô, nhất là ngô đồi, nhiều diện tích nhãn đã bị chặt bỏ để trồng ngô, nhiều nương chè trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, chưa kinh doanh đã được trồng xen ngô, rồi vườn tạp, nương bãi...

Ở Sơn Thịnh, nhất là các thôn Văn Thi 3, Văn Thi 4 ngô hiện diện ở khắp nơi, từ vườn nhà đến ven suối Lóp, từ chân đồi lên đến đỉnh đồi, đâu đâu cũng ngô. Ngô chết do nắng hạn thì chắc chắn cũng không thể là 50% diện tích, nói một cách chính xác là 50% diện tích đã chết, số còn lại đang chết, nếu chưa chết hoặc không chết thì cũng không cho thu hoạch vì râu đã khô, cờ đã héo, hạt đã quắt.

Trưởng thôn Văn Thi 3, ông Lê Văn Hưng chẳng cần sổ sách gì vẫn nằm chắc tình hình và đưa ra các con số chính xác: “Thôn Văn Thi 3 có 130 hộ dân, 5% số hộ khá, 19 hộ đói nghèo, còn lại kinh tế bấp bênh, người dân trong thôn không có ruộng cấy, không có nghề phụ phần lớn chỉ trồng ngô để sống. Diện tích thì không thể nói chính xác được nhưng không thấp hơn 40 ha. Theo cách tính đơn giản là cứ 20 kg ngô giống thì tương đương với 1 ha thì rất nhiều nhà ở Văn Thi 3 gieo 20 đến 30 kg ngô giống và mỗi vụ bán đi 7 đến 10 tấn ngô hạt”.

Cây ngô tuy chưa giúp người Văn Thi 3 giàu lên nhưng cũng cho họ đủ ăn, nhất là những thời điểm giá ngô cao ngang bằng, có khi còn cao hơn giá thóc; hiện nay ngô trên nương đã và đang chết sạch thì tâm trạng người dân lo lắng là phải. Theo thống kê của bà con Sơn Thịnh, suốt từ tết Nguyên đán đến nay chỉ có 3 trận mưa, nhưng chỉ là mưa nhỏ, không đủ ướt đất, hạn hán nên sức ngô đã kiệt, gặp trận nắng nóng gay gắt như mấy ngày qua khiến ngô khô lá và chết dần.

Dưới ánh nắng chói chang của buổi trưa hè, cây lá ở Sơn Thịnh không còn mang dáng vẻ tốt tươi, những nương ngô đã phủ kín màu bạc như ai đó rắc tro bếp; phất phơ trong cơn gió mạnh càng thêm vẻ tiêu điều. “Đây là nương nhà Tươi, kia là đồi ngô nhà Bé -Tuyển, đồi nhà Tân - Nguyệt” – Trưởng thôn Lê Văn Hưng đứng bên hiên nhà chỉ cho chúng tôi những nương ngô đã chết trắng mà từ sân nhà ông có thể quan sát rõ. Rồi ông cho biết thêm: “Nhà Tươi hoàn cảnh lắm, chồng mới chết. Hai nhà kia thì trồng nhiều ngô nhất thôn này, mỗi nhà gieo vài chục cân giống, ngô chết hết thế này thì lại đói rồi!”.

 Tiếng thở dài não nề của ông Trưởng thôn hòa trong tiếng lá ngô xào xạc, rồi ông ra nương ngô gần nhà tìm một cây ngô còn khá tươi, bẻ một quả non bóc cho chúng tôi xem: toàn bộ số hạt đã quắt đi vì thiếu dinh dưỡng. Như vậy có nghĩa là số ngô chưa chết ở Sơn Thịnh cũng khó có thể cho thu hoạch.

Ngô chết, dân đói là rõ rồi nhưng những khoản nợ khi mua chịu phân hóa học về bón cho ngô, rồi tình trạng vay nặng lãi, tình trạng dân thiếu đói sẽ lên rừng chặt gỗ, lên núi lấy đá cảnh mới là vấn nạn. Cán bộ nông lâm nghiệp xã bật mí: “Rất nhiều nhà vay ngân hàng, vay lãi ngoài để chi tiêu, riêng ngô thì rất nhiều hộ mua chịu vài ba tấn phân với lãi suất 3%/tháng”.

Nỗi buồn không cất lên được của người dân Văn Thi khi ngô chết, giếng cạn thiếu nước sinh hoạt. Cuối giờ chiều, trời Sơn Thịnh đổ mưa, chắc đợt nắng hạn này đã kết thúc để dân có nước cấy cày khi 500 ha ruộng của huyện Văn Chấn vẫn chưa thể làm đất gieo cấy lúa mùa, trong đó có ít nhất 200 ha phải chuyển sang cây trồng khác, hàng chục vạn cây lâm nghiệp mới trồng đã chết và kế hoạch trồng rừng năm 2010 đang hết sức khó khăn vì tỷ lệ cây sống sau khi trồng rất thấp nếu không muốn nói “trồng là chết!”.

Với cây ngô vùng Sơn Thịnh thì vụ này coi như đã tiêu tan hy vọng, ít nhất 4 tháng nữa mới cho thu vụ ngô mới, phần lớn hộ nông nghiệp trong tổng số 2.056 hộ dân và 8.586 nhân khẩu ở Sơn Thịnh chắc chắn sẽ gặp khó khăn.

Giúp họ ổn định cuộc sống trước mắt và xa hơn là việc tính toán xem có nên để người dân chuyên canh cây ngô hay không trong khi cây sắn chịu được hạn, năng suất 20 tấn/ha, giá bán trên dưới 1.000 đồng/kg, rõ ràng hiệu quả không bằng ngô nhưng đầu tư ít hơn, rủi ro ít hơn… Hoặc có nên để tình trạng trồng ngô từ chân đồi lên đến đỉnh đồi, từ đất bằng cho đến đất dốc dựng đứng mà không có biện pháp giữ ẩm, chống xói mòn như hiện nay nữa hay không?… Đó là việc cần giúp người dân Sơn Thịnh và nông dân Văn Chấn lúc này.

Tấn Đạt

Các tin khác
Lãnh đạo UBND huyện Văn Chấn kiểm tra tình hình khắc phục hạn hán.

YBĐT - Vụ mùa năm 2010, huyện Văn Chấn có kế hoạch gieo cấy 4.100 ha lúa mùa. Tuy nhiên, do nắng hạn kéo dài, nên đến ngày 13/7, trên địa bàn có khoảng 700 ha ruộng thiếu nước nghiêm trọng, trong đó khả năng 210 ha phải chuyển sang trồng màu.

Thông tin của một số doanh nghiệp Mỹ bắt đầu công bố kết quả kinh doanh quý 2/2010 tốt hơn mong đợi không chỉ giúp thị trường chứng khoán đi lên mà còn tạo động lực tăng giá cho thị trường dầu thô.

Sau 2 phiên giảm liên tiếp, đầu giờ sáng nay (14/7), giá vàng trong nước đã lấy lại được 7.000 đồng, lên mức 2,832 triệu đồng/chỉ. Tuy nhiên, ít phút sau giá kim loại nay lại giảm, xuống dưới mức 2,830 triệu đồng/chỉ.

YBĐT - Xã Nam Cường (thành phố Yên Bái) những năm qua đã tạo được bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ sản xuất thuần nông sang phát triển, sản xuất tiểu thủ công nghiệp và kinh doanh dịch vụ, thương mại là trọng tâm đồng thời xây dựng địa phương “Phát triển, ổn định, tiềm năng, văn minh, thân thiện và giàu bản sắc”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục