Bao giờ cam có thương hiệu?
- Cập nhật: Thứ sáu, 16/7/2010 | 9:23:20 AM
YBĐT - Cùng với Minh An và Nghĩa Tâm, thị trấn Nông trường Trần Phú là một trong những địa phương có diện tích cam lớn nhất của huyện Văn Chấn (Yên Bái). Kể từ ngày cây cam bắt rễ vào mảnh đất này cũng dễ đến gần hai mươi năm và đã có những chuyện không bao giờ cũ quanh những đồi cam, rừng cam nơi đây.
Cam Văn Chấn.
(Ảnh: Minh Thúy)
|
Cam trồng trong vườn nhà, trồng trên đồi, xen lẫn với chè, đâu đâu cũng thấy một màu xanh. Những giống cam Đường Canh, cam sành, cam Valencia, cam chanh, cam V2 đã mang lại cho mảnh đất này một màu no ấm. Hai mươi năm qua, hiệu quả kinh tế của việc trồng cam đã đem lại cho người nông dân nơi đây một cuộc sống mới. Những ngôi nhà mới xây theo lối kiến trúc hiện đại xen lẫn giữa những vườn cam, những tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, những con đường mới…cũng đủ cho thấy người nông dân nơi đây đã và đang giàu vì cam. Nhưng cũng đã hai mươi năm qua mà cây cam ở đây vẫn chưa có “tên” trên thị trường.
Màu xanh vườn cam của gia đình ông Nguyễn Văn Thống ở khu 8, thị trấn Nông trường Trần Phú cũng khiến cái nắng như đổ lửa của những ngày tháng 6 dịu lại. Đón khách bằng một nụ cười hồn hậu, ông khoe: “Năm vừa rồi cam được giá nên thu nhập cũng khá. Gia đình tôi có 2ha, chăm bón tốt nên cũng thu được 50 tấn thu được 400 triệu đồng”. Khi được hỏi về tình hình cam năm nay, người nông dân thật thà này chia sẻ: “Năm nay nắng nóng hơn mọi năm nhưng cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến vườn cam. Sản lượng có lẽ vẫn không kém gì năm ngoái. Nhưng có thu được lợi nhuận nhiều hay ít còn phải trông đợi vào giá cả khi vào vụ mới có thể nói được”.
Người dân nơi đây phấn khởi vì vụ cam vừa qua được mùa, được giá nhất kể từ khi họ bắt đầu trồng cam. Giá bán tận vườn cũng được từ 12.000 - 14.000 đồng/kg nhưng có lẽ họ cũng chưa thể nào quên nỗi buồn của mùa trước đó cam bán rẻ như cho chỉ 2.500 - 3.000 đồng/kg. Đến nay, vẫn chưa có công ty nông sản nào bao tiêu sản phẩm cho người trồng cam. Trong khi đó, người dân không thể tự quyết định giá cả mà tất cả đều trông đợi vào tư thương, vào sự lên xuống của thị trường mỗi mùa cam đến. Vấn đề xây dựng thương hiệu cho cam càng cần phải được đặt ra.
123 ha cam, vài trăm hộ trồng cam và hàng ngàn người dân sống vì cam nhưng cây cam ở đây vẫn còn nhiều bất ổn. Ngoài nỗi lo về giá cả thị trường, mấy năm qua, thị trấn đã bị chết gần 50 ha cam. Lý giải vấn đề này, ông Đỗ Anh Thiện - Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: “Những diện tích cam bị chết đa số ở vùng thấp.
Nguyên nhân được xác định do chất đất ở đây thiếu những vi lượng cần thiết cho cam có thể sinh trưởng tốt. Một phần nữa là do thay đổi khí hậu nên phát sinh nhiều loại sâu bệnh như bệnh vàng lá gân xanh, rầy chổng cánh. Diện tích càng lớn thì sâu bệnh càng nhiều. Vấn đề xây dựng thương hiệu cho cam đã được đặt ra từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện được”. Để cam cho quả phải mất khoảng 4 năm và đầu tư chi phí cho một héc ta cam từ khi trồng khi được thu hoạch mất chừng một trăm triệu, cộng thêm giá cả các loại vật tư nông nghiệp, nhân công mỗi ngày mỗi tăng.
Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng cam ở đây vẫn phải chịu sự bấp bênh của thị trường giống như nhiều loại nông sản khác. Nếu như có một thương hiệu thì vấn đề tiêu thụ sản phẩm sẽ không còn là nỗi lo. Lúc đó cam của thị trấn Nông trường Trần Phú nói riêng và cam Văn Chấn nói chung sẽ được nhiều người biết đến, thay vì bán cho thương lái để trà trộn vào những loại cam nổi tiếng như hiện nay. Nhưng muốn xây dựng được một thương hiệu nông sản thì ngoài những thủ tục pháp lý, người nông dân cần phải tuân thủ một quy trình trồng và chăm sóc chặt chẽ trong khi hiện nay việc trồng cam ở đây vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và tự học hỏi.
Nhìn bưởi Năm Roi, thanh long Bình Định, vải thiều Lục Ngạn… lần lượt đi Mỹ, đi châu Âu mà chạnh lòng nghĩ đến bao giờ cam của Yên Bái sẽ có một thương hiệu để đi ra biển lớn như những nông sản khác?
Hồng Khanh
Các tin khác
YBĐT - Mặc dù thời tiết không thuận lợi, hạn hán kéo dài, song 6 tháng đầu năm 2010, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã chỉ đạo nhân dân các xã triển khai trồng mới trên 2.000 ha rừng các loại (tăng 114% so với cùng kỳ năm 2009), trong đó có trên 837 ha rừng kinh tế, gần 1200 ha thuộc Dự án 661và gần 4000 cây phân tán.
Yên Bái: Dư nợ các quỹ tín dụng trên 200 tỷ đồng/ Trạm Tấu: Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng 212% so cùng kỳ
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa cho biết, trong 3 năm tới Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ tài trợ cho Việt Nam khoảng 6 tỷ USD.
Thanh tra Bộ Thông tin &Truyền thông (TT&TT) cho biết, mạng di động GTel đã bị phạt 70 triệu đồng, EVN Telecom bị phạt 17 triệu đồng vì vi phạm quản lý thuê bao di động trả trước. S-Fone có thể sẽ bị phạt vì có những vi phạm tương tự.