Xã Bảo Hưng: Tiền tỷ nhờ những đồi chè
- Cập nhật: Thứ tư, 21/7/2010 | 9:59:09 AM
YBĐT - Nếu như từ năm 2001 trở về trước, toàn bộ diện tích chè trên đất Bảo Hưng, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đều là chè trung du già cỗi, có tuổi đời trên dưới 40 năm, năng suất và chất lượng đều rất thấp, thì nay những ai có dịp đến với mảnh đất này đều dễ dàng nhận ra một sự đổi thay từng ngày, từng giờ trên những đồi chè nơi đây.
Nhờ cải tạo giống chè, giờ đây mỗi năm gia đình ông Tuyến có thu nhập gần 50 triệu đồng từ chè.
|
Theo những người trồng chè lâu năm trên đất Bảo Hưng thì cây chè được đưa vào trồng từ những thập niên 60 của thế kỷ trước. Khi đó, toàn bộ diện tích đều là chè trung du. Từ đó đến nay, đã qua mấy mươi năm, cây chè cũng đã già cỗi cùng thời gian, không còn cho ra những búp chè tươi non với hương vị làm nức lòng bao người thưởng thức. Nhiều người sự gắn bó lâu năm với cây chè cũng từ đó phai nhạt dần, không quan tâm chăm sóc, cải tạo.
Thực trạng ở Bảo Hưng cũng chính là tình hình chung của cả ngành chè Yên Bái, bởi trong số hơn 10.000 ha chè kinh doanh thì có đến 1/3 là chè già cỗi, năng suất thấp, kém chất lượng. Nhưng từ năm 2001, mọi chuyện bắt đầu khởi sắc khi Bảo Hưng thực hiện chương trình phát triển chè giai đoạn 2001- 2004 và 2005 - 2010 với mục tiêu cải tạo toàn bộ diện tích chè trung du già cỗi, năng suất thấp bằng giống chè có năng suất, chất lượng cao hơn như: chè lai LDP1, Bát Tiên, Phúc Vân Tiên...
Đến thăm đồi chè của gia đình ông Phạm Kim Tuyến, thôn Ngòi Đong trong cái nắng hè chói chang, giữa lúc cả gia đình đang thu hoạch lứa chè Bát Tiên. Giọng ông hồ hởi: “So với chè trung du già cỗi thì các giống chè nhập nội cho năng suất và giá trị cao gấp 2 lần. Trung bình mỗi năm gia đình tôi thu hái 6 lứa, mỗi lứa được 5 tạ chè tươi (tương đương 1 tạ chè khô), mang lại thu nhập mỗi năm 50 triệu đồng”.
Gắn bó nhiều năm với cây chè trung du đã “hết tuổi thọ”, sau một thời gian đi tìm hiểu, học hỏi mô hình trồng chè nhập nội ở các xã bạn, ông Tuyến đã mạnh dạn phá bỏ diện tích chè cũ chuyển sang giống chè mới. Mỗi năm mở rộng thêm vài sào, đến nay gia đình ông đã có 1 mẫu chè nhập nội, trong có 3 sào chè Bát Tiên, 7 sào chè Phúc Vân Tiên.
Cũng mạnh dạn đưa giống mới vào trồng từ năm 2005, đến nay gia đình bà Vũ Thị Liên, thôn Khe Ngai cũng đã có tới 5 sào chè Bát Tiên, cho thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm.
Theo ông Nguyễn Văn Bẩy - Chủ tịch UBND xã, khi thực hiện chương trình cải tạo cây chè đã vấp phải muôn vàn khó khăn bởi những hộ dân làm chè chưa áp dụng triệt để các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chưa tuân thủ đúng, đủ quy trình trồng, chăm sóc như: đào rạch, bón phân, làm cỏ... Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón chưa cân đối và chưa hợp lý. Bên cạnh đó, giá vật tư chăm sóc cao, đầu ra sản phẩm chè búp tươi không ổn định, giao thông khó khăn cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện cải tạo giống chè.
Xác định rõ cây chè có vị trí quan trọng trong việc phát triển kinh tế địa phương mà nghị quyết Đảng bộ, nghị quyết HĐND xã đã đề ra, Bảo Hưng đã thành lập Ban quản lý, điều hành chương trình phát triển cây chè do ông Vũ Đức Chỉnh - Phó chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, thành viên là đại diện các ngành, đoàn thể, trưởng thôn. Ngay sau khi được thành lập, Ban quản lý đã xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện sát với địa phương.
Trên cơ sở hỗ trợ 8 triệu đồng/ha từ dự án cải tạo giống chè của tỉnh, Ban quản lý đã vận động, tổ chức cho nhân dân đăng ký cải tạo diện tích chè; phổ biến kỹ thuật trồng, chăm sóc các giống chè nhập nội cho các hộ dân; triển khai cho các hộ đăng ký phá bỏ diện tích chè già cỗi, đào rạch, làm luống, cung ứng giống... Nhờ vậy, giai đoạn từ 2001-2004, Bảo Hưng đã cải tạo 22 ha chủ yếu bằng giống chè lai LDP1.
Hiện nay, diện tích chè này đã chuyển sang thời kỳ kinh doanh cho năng suất cao và tương đối ổn dịnh, bình quân đạt từ 8,5 - 9 tấn/ha. Trong giai đoạn 2 (2005 - 2008) đã thực hiện cải tạo đạt 71 ha chè trung du già cỗi, năng suất thấp bằng giống chè nhập nội, có chất lượng cao (Bát Tiên, Phúc Vân Tiên). Trong đó, có 30,2ha đã kết thúc thời kỳ kiến thiết cơ bản, bước vào thời kỳ chè kinh doanh năm thứ nhất cho năng suất bình quân 5 tạ/ha.
Sản phẩm chè búp tươi chủ yếu sử dụng để chế biến chè xanh và chè Ô Long, giá nguyên liệu tươi đạt từ 8.000 đồng/kg - 10.000 đồng/kg. Sản phẩm chè xanh thành phẩm được nhân dân chế biến đạt bình quân 70.000đ/kg.
Hiện nay, trong tổng số 203,6 ha chè toàn xã thì có tới 162,4 ha chè kinh doanh, trong đó có 22 ha là giống chè lai LDP1 và 51,7 ha chè nhập nội. Tổng thu nhập từ chè hàng năm đạt 4,5 - 5 tỷ đồng. Bảo Hưng cũng tiến hành xây dựng chương trình sản xuất chè sạch, chè vượt đông với việc ứng dụng các loại phân bón cho năng suất, chất lượng cao như: NEB - 26, Urê King...
Theo anh Phạm Ngọc Úy, thôn Trực Thanh thì việc sử dụng phân chất lượng cao NEB - 26, Urê King giúp tăng năng suất, chất lượng và giá trị cây chè trên một đơn vị diện tích, chi phí đầu tư phân bón, thuốc BVTV cũng giảm đi đáng kể.
Từ thực tế trên đã khẳng định chủ trương chuyển đổi, thay thế giống chè trung du già cỗi bằng giống chè lai LDP, chè Bát Tiên và Phúc Vân Tiên là hoàn toàn đúng đắn, góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống và hướng tới làm giàu từ cây chè của nhiều hộ gia đình. Trong những năm tới, Bảo Hưng phấn đấu cải tạo 25 - 30 ha chè già cỗi bằng các giống chè nhập nội, chất lượng cao, phấn đấu xây dựng uy tín chất lượng của chè Bảo Hưng.
Hùng Cường
Các tin khác
YBĐT - 5 năm qua, thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", tổng nguồn vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản của huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã đạt 352 tỷ đồng.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ngày 20/5 đã cắt băng khánh thành nhà máy chiết xuất và tổng hợp các nguyên liệu làm thuốc đầu tiên của Việt Nam, với công nghệ cao đạt GMP (thực hành sản xuất tốt), tổng vốn 10 triệu USD do Công ty CP hóa dược Việt Nam (VCP) đầu tư.
YBĐT - Công tác chuẩn bị phòng chống bão lũ và tìm kiếm cứu nạn ở huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ của tỉnh Yên Bái được khẳng định là bài bản và chu đáo, đặc biệt là qua cuộc chuẩn bị đón cơn bão số 1 vừa qua.
Dữ liệu vừa công bố cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 7 tại hai địa bàn lớn là Hà Nội và Tp.HCM đã có diễn biến trái chiều.