Hương chè Văn Chấn
- Cập nhật: Thứ tư, 28/7/2010 | 2:41:35 PM
YBĐT - Hơn 40 năm làm chè nhưng chè Văn Chấn vẫn chưa có thương hiệu trên thị trường. Ngay cả một tên tuổi lớn như chè Shan tuyết Suối Giàng cũng bị mai một bởi thói làm ăn cẩu thả và chụp giật. Khắc phục được những hạn chế đó, chắc chắn ngành chè Văn Chấn sẽ đứng vững và vươn lên, ai cũng tin như thế vì đơn giản là chè Văn Chấn thấm đậm tình cây, tình đất, tình người cùng với rất nhiều lợi thế do thiên nhiên ban tặng.
Nông dân xã Tân Thịnh (huyện Văn Chấn) thu hái chè.
(Ảnh: Hồng Khanh)
|
Anh bạn tôi có mấy chục năm gắn bó với cây chè Văn Chấn đã đúc rút ra kết luận rằng: “Chè Văn Chấn năm nào cũng gặp khó khăn, nào rét đậm, rét hại, nào nắng hạn khô hanh, năm lại sâu bệnh tàn phá, có năm lại vật tư phân bón, thị trường tiêu thụ, thậm chí là nạn chè “thối”, chè “vàng”. Nhưng cái hay, cái tốt là vụ nào ngành chè Văn Chấn cũng vượt qua khó khăn, năng suất, sản lượng đều đạt và vượt để người trồng chè đủ ăn, người kinh doanh chè khấm khá”. Ngẫm lại kết luận của anh bạn quá đúng, nhưng để lý giải được vì sao thì thật không dễ.
Nói đến chè Văn Chấn, không thể không nhắc tới chè Suối Giàng, đặc sản mà ông trời đã ban tặng cho người Mông nơi đây. Búp mập, lá to, trên thân cây cổ thụ, tán, búp chè Suối Giàng đúng là chắt lọc tinh túy của đất trời để làm ra thứ nước vàng như mật ong rừng, uống vào thấy đậm đà, ngọt giọng Hương vị ngọt ngào cộng với quá trình chăm sóc không có phân hóa học, không thuốc trừ sâu lại ở trên độ cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển, nơi bốn mùa mây phủ, chè sạch Suối Giàng đúng là một thứ đặc sản của vùng cao Tây Bắc nói chung và Yên Bái, Văn Chấn nói riêng.
Chè Shan tuyết không chỉ dừng lại ở những cây cổ thụ mà vùng chè Shan tập trung với mật độ 16.000 cây/ha đã hình thành với diện tích 300 ha tại 6 xã gồm: Suối Giàng, Suối Quyền, Nậm Mười, Nậm Lành, Sùng Đô, An Lương. Riêng hai xã Nậm Mười và Nậm Búng đã trồng thành công trước đó với diện tích 270 ha. Chè Shan trồng tập trung mật độ cao, chất lượng rất tốt, tạo ra được nguồn nguyên liệu lớn cho việc chế biến tạo ra nguồn sản phẩm giá trị cao trên thị trường.
Nếu chè Shan tuyết Suối Giàng gắn sự huyền bí trong cổ tích thì chè trung du lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Nó được viết lên bởi tình đất, tình người. Với diện tích 4.338 ha, sản lượng chè búp tươi trên 36.000 tấn, Văn Chấn chắc chắn là một trong những huyện có diện tích và sản lượng chè lớn nhất tỉnh. Có được những kết quả ấy là mồ hôi, công sức của anh bộ đội Cụ Hồ khi đã chiến thắng thực dân, giải phóng Tây Bắc đã ở lại với Văn Chấn, Nghĩa Lộ để vừa trừ gian tiễu phỉ, vừa lao động sản xuất.
Đặc biệt là những cuộc chuyển dân từ Thái Bình, Nam Định lên vùng cao xây dựng kinh tế mới, thành lập các nông trường chè, để rồi rừng xanh núi đỏ rộn rã tiếng kẻng gọi công nhân nông trường lên đồi, lên nương. Tiếng còi tầm âm vang gọi công nhân các nhà máy chè Trần Phú, Nghĩa Lộ, Liên Sơn để vào ca. Khắp nơi trên quê hương Văn Chấn đâu đâu cũng nhìn thấy chè. Cây chè tạo việc làm và nuôi sống hàng vạn hộ dân với tổng thu nhập từ bán chè búp năm 2009 khoảng 100 tỷ đồng. Đi cùng với vùng nguyên liệu là 38 đơn vị chế biến quy mô lớn nhỏ ở khắp các xã, hàng năm các cơ sở chế biến này thu mua toàn bộ sản phẩm cho dân và sản xuất ra trên 8.000 tấn chè khô các loại. Ngành nghề chế biến chè đã mang lại giá trị sản xuất công nghiệp lớn, tạo ra hàng nghìn chỗ làm việc cho người lao động và là nguồn thu chủ yếu cho ngân sách địa phương.
Có thể nói, với người nông dân Văn Chấn, tầm quan trọng của cây chè chỉ đứng sau cây lúa và nó đã đứng vững trên gò đồi vùng cao gần 50 năm qua dù bao phen sóng gió. Điều đó được thể hiện qua số tiền khoảng trên 100 tỷ đồng từ việc bán búp tươi, hàng trăm tỷ doanh thu của các cơ sở chế biến, cả chục tỷ đồng đóng góp vào ngân sách Nhà nước và tạo việc làm cho hàng vạn nông dân, hàng nghìn công nhân. Nhưng để hương chè Văn Chấn bay xa thì vẫn còn nhiều việc phải làm như diện tích chè già cỗi, giống cũ không cho năng suất và chất lượng cao vẫn còn lớn cần được cải tạo; người nông dân vẫn chưa thể làm giàu nhờ cây chè. Toàn huyện có 38 đơn vị, 40 nhà máy chế biến chè là quá nhiều, trong khi những nhà máy quy mô lớn, chế biến sâu, tạo ra dòng sản phẩm có giá trị cao rất ít.
Hơn 40 năm làm chè nhưng chè Văn Chấn vẫn chưa có thương hiệu trên thị trường. Ngay cả một tên tuổi lớn như chè Shan tuyết Suối Giàng cũng bị mai một bởi thói làm ăn cẩu thả và chụp giật. Khắc phục được những hạn chế đó, chắc chắn ngành chè Văn Chấn sẽ đứng vững và vươn lên, ai cũng tin như thế vì đơn giản là chè Văn Chấn thấm đậm tình cây, tình đất, tình người cùng với rất nhiều lợi thế do thiên nhiên ban tặng.
Lê Phiên
Các tin khác
Sáng nay 28.7, giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh, đồng hành theo đà giảm của giá vàng thế giới.
YBĐT - Năm 2010, xã Âu Lâu (thành phố Yên Bái) có 117 hộ đăng ký sản xuất kinh doanh, trong đó 17 hộ sản xuất công nghiệp, 63 hộ bán buôn, bán lẻ, 11 hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, 24 hộ kinh doanh vận tải kho bãi…
Ngày 27.7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Quyết định 1819 về mức lãi suất cơ bản bằng đồng VN áp dụng từ ngày 1.8.2010 giữ nguyên 8%/năm. Đây là tháng thứ 9, lãi suất cơ bản được giữ nguyên.
Giá đường đã bình ổn trở lại sau khi Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương thống nhất cho phép nhập khẩu thêm 150.000 tấn đường. Ngày 27-7, giá đường bán buôn khu vực ĐBSCL dao động ở mức 17.000 đồng/kg. Mức giá này vẫn khá cao so với cách đây vài tháng.