Gần 5.800 dự án vi phạm quy định về quản lý đầu tư

  • Cập nhật: Thứ sáu, 30/7/2010 | 8:15:51 AM

Thống kê chưa đầy đủ từ các bộ, ngành, địa phương trong cả nước, có tới 5.783 dự án vi phạm quy định về quản lý đầu tư trong năm 2008.

Biểu hiện cụ thể là ở việc chậm tiến độ, không phù hợp quy hoạch, không thực hiện đầy đủ trình tự thẩm tra, thẩm định dự án... Thông tin này được nêu rõ tại cuộc họp báo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố báo cáo kiểm toán năm 2009 về niên độ ngân sách 2008, diễn ra tại Hà Nội sáng qua 29.7.

Đầu tư chưa phù hợp thực tiễn, gây lãng phí ngân sách

Tuy ghi nhận việc chấp hành ngân sách nhà nước trong chi đầu tư phát triển, cụ thể là chi đầu tư xây dựng tại các bộ, ngành, địa phương “có nhiều chuyển biến tích cực..., các sai sót trong quản lý đầu tư đã từng bước được khắc phục”, song báo cáo của KTNN cũng chỉ rõ nhiều tồn tại, bất cập. Cụ thể là "chất lượng công tác quy hoạch và dự báo còn hạn chế, thiếu đồng bộ giữa các ngành nên trong quá trình thực hiện phải thay đổi, bổ sung; việc xác định nhu cầu đầu tư chưa phù hợp với thực tiễn, gây lãng phí ngân sách nhà nước”.

Đặc biệt, một số dự án đầu tư hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng nhưng không khai thác hết công suất, sử dụng không đúng mục đích, làm giảm hiệu quả vốn đầu tư, nhất là Dự án bảo vệ và phát triển những vùng ngập nước ven biển miền Nam tại tỉnh Cà Mau còn 45 căn nhà và 52,4 ha đất sản xuất (ao tôm) đến nay không có người nhận nên bị xuống cấp nghiêm trọng; một số dự án kết thúc đầu tư nhưng chưa xử lý tài sản theo quy định...

Ông Lê Minh Khái, Phó tổng KTNN, cho biết đến 31.12.2009 đã xử lý tài chính được 10.819 tỉ trên tổng số kiến nghị xử lý 17.452 tỉ  đồng (bằng 62%). Từ kết quả trên, KTNN tiếp tục kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm trong phân bổ, giao dự toán, thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các khuyết điểm và sai phạm đã nêu trong báo cáo kiểm toán.

Chưa có kế hoạch kiểm toán Vinashin trong năm nay

Trả lời báo giới lý do vì sao không tiến hành kiểm toán Vinashin dù tập đoàn này có nhiều sai phạm về huy động, quản lý và sử dụng vốn nhà nước, ông Lê Minh Khái cho biết KTNN mấy lần cũng đã định lên kế hoạch kiểm toán Vinashin dẫu vừa triển khai kiểm toán tại đơn vị này cách đây 3 năm (2006), khi tập đoàn này còn hoạt động theo mô hình tổng công ty. Năm 2008, khi dư luận bắt đầu lo lắng về tình hình tài chính của Vinashin, kiểm toán đã định đưa vào kế hoạch năm, song lúc đó Thanh tra Chính phủ đã có kế hoạch làm việc tại tập đoàn này. Đến 2009, hoạt động thanh tra cũng phải dừng lại vì vướng suy thoái kinh tế, các tập đoàn được ưu tiên để tập trung sản xuất kinh doanh... "Đến năm 2009, trong kế hoạch ban đầu của KTNN có đưa Vinashin vào diện phải kiểm toán năm 2010. Tuy nhiên, thấy Vinashin nằm trong kế hoạch thanh tra năm 2010 của Thanh tra Chính phủ nên chúng tôi không làm nữa, sợ chồng chéo", ông Khái trần tình.

Theo ông Khái, thông thường khoảng cách giữa các kỳ kiểm toán đối với một tập đoàn, tổng công ty là 5 năm một lần do nhân lực của ngành kiểm toán có hạn. “Nếu được giao kiểm toán Vinashin thì chúng tôi sẵn sàng làm trong thời gian tới”, ông Khái quả quyết.

(Theo TNO)

Các tin khác
Quang cảnh buổi họp báo công bố ra mắt xăng sinh học E5 ở TP.HCM ngày 29/7.

Bắt đầu từ ngày 1/8 tới, xăng sinh học chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam với 20 điểm bán lẻ tại 13 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Phối cảnh cảng hàng không quốc tế Phú Quốc

Một dự án sân bay Phú Quốc mới, với tổng vốn đầu tư trên 1.100 tỉ đồng (tổng mức đầu tư đến năm 2020 là trên 8.000 tỉ đồng)... đang chuyển động.

Vàng tăng trở lại do USD xuống mức thấp nhất 3 tháng.

Giá vàng giao sau đêm qua trên sàn New York tăng khá mạnh phiên thứ 2 liên tiếp sau khi lao dốc xuống mức thấp nhất 3 tháng qua và đồng USD bất ngờ sụt giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4.

Nguồn điện được cung cấp liên tục và đầy đủ sẽ giúp doanh nghiệp chế biến gỗ tăng năng lực sản xuất.

YBĐT - Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2010 tiếp tục gặp những khó khăn như: giá xăng dầu và lãi suất ngân hàng tăng cao, doanh nghiệp khó tiếp cận được với nguồn vốn vay trung và dài hạn, tỷ giá ngoại tệ biến động...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục