Quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải ô tô: Khó thực hiện
- Cập nhật: Thứ hai, 2/8/2010 | 7:54:48 AM
Kể từ 1-8, Thông tư số 14/2010/TT-BGTVT ngày 26-6-2010 của Bộ GTVT quy định về “tổ chức và quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô” chính thức có hiệu lực. Sau khi thông tư được ban hành, hầu hết các doanh nghiệp (DN) vận tải đã thắc mắc về tính khả thi của thông tư, trong đó nhiều ý kiến cho rằng, văn bản này sẽ gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của các DN. Để rộng đường dư luận, dưới đây là một số ý kiến của luật sư Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, xung quanh vấn đề này.
Xe tải chạy trên đường Điện Biên Phủ (TPHCM).
|
Có thể nói, đây là những văn bản điều chỉnh trực tiếp về hoạt động vận tải mang tính chất bắt buộc thực hiện đối với các DN, cá nhân kinh doanh vận tải bằng ô tô. Tuy nhiên, đến thời điểm luật có hiệu lực thi hành, nhiều quy định trong các văn bản này vẫn chưa thực hiện được.
Theo Nghị định 91/2009/NĐ-CP, thời hạn cho các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container phải hoàn tất các thủ tục để được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô trước ngày 1-7-2010. Thế nhưng đến ngày 24-6-2010, Bộ GTVT mới ban hành mẫu để xin giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô (theo Thông tư số 14). Vì vậy, đến nay gần như 100% các DN vận tải hàng hóa bằng container vẫn chưa được cấp loại giấy phép này.
Thông tư 14 cũng quy định về lắp đặt, quản lý, khai thác thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của xe. Đối với thiết bị giám sát hành trình của xe phải được cơ quan đăng kiểm kiểm định theo quy định. Tuy nhiên, trước lúc thông tư này có hiệu lực thi hành, trên thị trường đã có rất nhiều DN kinh doanh, cung cấp thiết bị này vẫn chưa qua kiểm định tại cơ quan đăng kiểm.
Thực tế, nhiều DN vận tải do nhu cầu quản lý đã bỏ tiền ra lắp đặt thiết bị này trên xe của mình. Do vậy, vấn đề đặt ra là nếu thiết bị mà các DN vận tải đã mua và cho lắp đặt trên xe chưa qua kiểm định của cơ quan đăng kiểm như quy định trên, nhưng tại thời điểm kiểm tra vẫn hoạt động, có bị xem là vi phạm pháp luật không? Có bắt buộc phải gỡ ra để đi kiểm định tại cơ quan đăng kiểm hay không và có bị xử phạt không?
Trong khi đó, điểm a khoản 6 điều 26 Nghị định 34/2010/NĐ- CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông, có quy định: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải không gắn thiết bị giám sát hành trình của xe (nếu có quy định phải gắn thiết bị) hoặc gắn thiết bị nhưng thiết bị không hoạt động theo quy định”. Mặt khác, nếu thiết bị đã được kiểm định tại cơ quan đăng kiểm nhưng không hoạt động được tại thời điểm kiểm tra, có bị xử phạt hay không? Điều này cần phải được giải thích rõ hơn để tránh việc xử phạt tùy tiện, gây khó khăn cho DN.
Điều 48 của thông tư về hợp đồng vận tải như yêu cầu phải có các thông tin về tên đơn vị vận tải, tên đơn vị, người thuê vận chuyển, loại và khối lượng hàng hóa, hành trình, địa chỉ và thời gian giao hàng, nhận hàng, giá cước, hình thức thanh toán… cũng rất khó thực hiện. Nguyên do là hợp đồng vận tải thường rất đơn giản, nhiều khi không cần ký kết bằng văn bản, chỉ dựa vào sự quen biết - các bên điện thoại thỏa thuận- là có thể thực hiện được hợp đồng. Dịch vụ vận chuyển mang tính cơ động cao, mỗi ngày nhà kinh doanh vận tải có thể vận chuyển hàng hóa cho nhiều chủ hàng, ở nhiều địa phương khác nhau, với thời gian và quãng đường khác nhau. Thường, đối với khách hàng truyền thống, các bên chỉ ký kết một bản nguyên tắc của hợp đồng để thực hiện trong một thời gian dài, chỉ khi có biến động lớn về giá cả, khối lượng hàng hóa mới ký kết hợp đồng cụ thể. Mặt khác, giá cả trong hợp đồng vận chuyển là thông tin bí mật của mỗi DN, do vậy, việc buộc lái xe phải mang theo hợp đồng là điều mà lãnh đạo các DN vận tải không muốn… Ngoài ra, những quy định về giấy vận tải, phiếu xuất hàng… cũng rất khó thực hiện trên thực tế.
(Theo SGGP)
Các tin khác
Theo tin từ các công ty kinh doanh gas, từ sáng nay 1.8, giá gas sẽ giảm 750 đồng/kg, tương đương 9.000 đồng/bình 12 kg. Giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng khoảng 240.000 đồng/bình 12 kg.
Ngày 31-7, Tổng Công ty Viglacera (Bộ Xây dựng) đã tổ chức khởi công xây dựng 1.000 căn hộ cho người thu nhập thấp và công trình hạ tầng xã hội Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm). Dự án gồm 10 tòa nhà cao 12 tầng được xây dựng trên diện tích 3ha, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cây xanh, có thể đáp ứng chỗ ở cho 4.000 người.
Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) cho biết, kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đang được Công ty CP Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam, UBND tỉnh Đồng Nai, Cục ĐSVN xúc tiến triển khai.