Chuyển đổi cơ cấu cây trồng - bước đi đúng hướng

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/8/2010 | 10:10:30 AM

YBĐT - Trạm Tấu có diện tích đất tự nhiên trên 74.000 ha nhưng đất nông nghiệp chỉ chiếm 6%. Để đảm bảo an ninh lương thực, trong nhiệm kỳ 2005 - 2010, Đảng bộ và chính quyền huyện Trạm Tấu đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác thế mạnh đất đồi rừng với mục tiêu nâng cao năng suất cây trồng, từng bước xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Nhiều diện tích ruộng một vụ ở Trạm Tấu chuyển sang thâm canh 2 vụ/năm.Ảnh: Thu hoạch lúa ở xã Trạm Tấu. (Ảnh: Thanh Miền)
Nhiều diện tích ruộng một vụ ở Trạm Tấu chuyển sang thâm canh 2 vụ/năm.Ảnh: Thu hoạch lúa ở xã Trạm Tấu. (Ảnh: Thanh Miền)

Đối với sản xuất lương thực, mục tiêu của huyện là đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn. Khó khăn nhất để thực hiện mục tiêu này là tập quán canh tác của người dân. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự kiên quyết trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền đã mang đến thành công. Đảng bộ, chính quyền huyện đã tập trung chỉ đạo các phòng chuyên môn, đặc biệt là Phòng Nông nghiệp và Trạm Khuyến nông tuyên truyền phổ biến và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân bằng nhiều phương pháp phù hợp như: cầm tay chỉ việc, chuyển giao kỹ thuật ngay tại đồng ruộng; xây dựng các mô hình trình diễn bằng cách người dân trực tiếp tham gia làm, cán bộ khuyến nông chỉ làm công tác hướng dẫn kỹ thuật...

Bên cạnh đó, bằng nhiều nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh và huyện, nông dân Trạm Tấu nhận được 100% các giống cây trồng và được hỗ trợ một phần phân bón, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất. Với những giải pháp đó, nhiệm kỳ qua, công tác chuyển đổi cơ cấu câu trồng đã thu được những thành công, đặc biệt là việc tăng vụ và chuyển đổi diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô.

Đồng chí Trịnh Văn Xuê - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: "Năm 2007, sau thành công tăng vụ ở cánh đồng Tàng Ghênh, xã Xà Hồ, ngành nông nghiệp đã tham mưu cho huyện mở nhiều chiến dịch tương tự trên các cánh đồng Mảnh Tầu, Tà Ghênh của xã Bản Mù... Trong các chiến dịch đó, cán bộ vẫn là người thực hiện gieo mạ, cấy, chăm sóc… thậm chí còn gặt hộ và người dân chỉ việc gánh về nhà". Bằng sự quyết tâm, kiên trì của cán bộ, sau nhiều vụ thu hoạch, đồng bào dần quen với lịch làm 2 vụ, nhờ đó diện tích lúa xuân tăng nhanh. Nếu như năm 2005, diện tích lúa nước vụ xuân của huyện Trạm Tấu chỉ có 425 ha, lúa mùa 780 ha thì năm 2010, diện tích lúa xuân đã tăng lên 650 ha, lúa mùa gần 1.000 ha.

Nổi bật hơn cả trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng là việc đưa cây ngô lên đất nương rẫy kém hiệu quả. Đã có những cuộc họp Hội đồng nhân dân huyện, các xã tranh luận rất gắt gao vì cho rằng cây ngô không phù hợp trồng ở Trạm Tấu. Kỳ họp tháng 6 năm 2008, nhiều chủ tịch xã khẳng định không trồng được ngô ở xã mình nên không chỉ đạo trồng. Tuy nhiên, khi ngành nông nghiệp chắc chắn hoàn toàn có thể trồng được ngô trên đất Trạm Tấu thì Ban thường vụ Huyện ủy đã quyết tâm thực hiện. Đầu nhiệm kỳ, cây ngô trên đất nương của toàn huyện chỉ thực hiện được 618 ha thì năm 2010, diện tích ngô đã tăng lên 2.000 ha, trong đó ngô hè thu 700 ha, diện tích lúa nương từ 1.700 ha nay giảm chỉ còn 1.200 ha.

Qua vài vụ sản xuất kết quả cho thấy, cây ngô sinh trưởng tốt, năng suất đạt trên 28 tạ/ha, hiệu quả từ trồng ngô cũng cao hơn gấp 3 lần trồng lúa nương. Đồng chí Nguyễn Ngọc Hà - Bí thư Đảng uỷ xã Tà Xi Láng cho biết: "Vụ hè thu năm 2010, toàn xã trồng 220 ha ngô, riêng thôn Làng Mảnh trồng 100 ha. Trong thôn có nhiều hộ trồng trên 2 ha, có hộ trồng tới 5 ha, mỗi năm cho thu nhập trên 40 triệu đồng. Cây ngô đang là cây trồng thế mạnh của xã, đặc biệt phù hợp để thay thế diện tích lúa nương kém hiệu quả".

Bên cạnh hai loại cây lương thực chính, chè Shan và đậu tương được huyện xác định là hai cây trồng có vị trí quan trọng trong cơ cấu cây trồng. Trong đó, đậu tương là cây ngắn ngày, có hiệu quả kinh tế cao và cải tạo đất tốt, thị trường tiêu thụ lại khá rộng. Từ 1,7 ha thử nghiệm ban đầu, đến nay cây đậu tương đã phát triển trên 100 ha. Hiện nay toàn huyện vẫn còn trên 500 ha lúa nước chỉ sản xuất một vụ, do vậy việc phát triển cây đậu tương dưới chân ruộng một vụ sẽ giúp người dân tăng thu nhập, nâng cao hiệu quả canh tác. Thế mạnh về trồng cây lâm nghiệp tiếp tục được huyện quan tâm phát triển, trong đó chú trọng một số loại cây bản địa như  thông và sơn tra. Trạm Tấu đã quyết định đưa cây sơn tra vào trồng dưới tán rừng phòng hộ, hy vọng đem lại nguồn thu lớn cho người dân.

Bài học rút ra từ thành công trong công tác thực hiện ở Trạm Tấu đó là sự quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Những nỗ lực không mệt mỏi, sự kiên trì đó đã đem lại kết quả đáng mừng. Dù phía trước vẫn còn vô vàn khó khăn, song kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ 2005 - 2010 sẽ là cơ sở, động lực để Trạm Tấu tiếp tục thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra trong nhiệm kỳ mới.

Anh Dũng

Các tin khác
Thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của Thị xã Nghĩa Lộ.

YBĐT - Hiện nay trên địa bàn thị xã đã có 957 cơ sở kinh doanh dịch vụ với 1540 thương nhân tham gia kinh doanh, tổng mức lưu chuyển hàng hoá 8 tháng đầu năm đạt trên 501 tỷ đồng, bằng 64,3% kế hoạch, cả năm ước đạt 800 tỷ, bằng 120% so với cùng kỳ và tăng 2,5 lần so với năm 2005.

Ảnh minh họa

Theo dự báo của Cục Quản lý giá, phát đi ngày 24.8, sang tháng 9 thị trường sẽ có nhiều biến động phức tạp, tác động bất lợi lên chỉ số giá tiêu dùng khi nhiều mặt hàng chịu áp lực tăng giá như: các mặt hàng phôi thép, phân bón, nguyên liệu sản xuất thuốc trên thị trường thế giới đang có xu hướng tăng.

Việt Nam đã có tên trong 10 nước hàng đầu về xuất khẩu đồ gỗ trên thế giới.

Theo lộ trình thực hiện đạo luật Lacey - đạo luật nghiêm cấm nhập khẩu, bán hoặc kinh doanh gỗ và sản phẩm gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp vào Hoa Kỳ - từ tháng 9/2010 các công ty nhập khẩu lâm sản tại Hoa Kỳ sẽ yêu cầu các công ty cung cấp đảm bảo rằng sản phẩm của họ được sản xuất từ gỗ có nguồn gốc hợp pháp.

Đồng chí Nguyễn Văn Chung - Cục trưởng Cục thuế trao đổi với các đại biểu về việc thực hiện Nghị định 51 của Chính phủ.

YBĐT - Ngày 24/8, Cục thuế tỉnh Yên Bái tổ chức triển khai Nghị định số 51/2010/NĐ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 15/2010/CT-UBND của UBND tỉnh Yên Bái về việc quy định hóa đơn bán hàng và cung ứng dịch vụ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục