Ngành tài chính Yên Bái 65 năm xây dựng và trưởng thành

  • Cập nhật: Thứ năm, 26/8/2010 | 9:17:26 AM

YBĐT - Trải qua chặng đường 65 năm xây dựng và phát triển, ngành tài chính Yên Bái đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao phó, đóng góp một phần quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của tỉnh nhà.

Đồng chí Ngô Hạnh Phúc - Giám đốc Sở Tài chính (người đứng) trao đổi công việc với cán bộ Phòng tài chính, hành chính sự nghiệp.
(Ảnh: Quang Thiều)
Đồng chí Ngô Hạnh Phúc - Giám đốc Sở Tài chính (người đứng) trao đổi công việc với cán bộ Phòng tài chính, hành chính sự nghiệp. (Ảnh: Quang Thiều)

Ngày 28 tháng 8 năm 1945 đã đánh dấu mốc son chói lọi của ngành tài chính. đó là ngày ngành tài chính non trẻ của đất nước đã cùng gánh chung những khó khăn có tính lịch sử của một chính quyền non trẻ, không được thừa hưởng những gì đáng kể của ngân khố do chính quyền cũ để lại. Trải qua 65 năm, ngành tài chính trải qua các chặng đường lịch sử vẻ vang của đất nước đã làm tròn trọng trách của mình, từng bước phát triển, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân, của Đảng và Nhà nước ta.

Những năm đầu mới được thành lập, công tác tài chính do ủy ban Hành chính tỉnh Yên Bái trực tiếp điều hành. Giúp việc cho ủy ban Hành chính tỉnh trong công tác quản lý tài chính và ngân sách khi đó là Phòng Ngân sách - Kế toán (còn gọi là Phòng 2), đảm nhiệm các công việc xét duyệt dự toán của các ngành, lập các ngân phiếu cấp tiền cho các ngành chuyển ngân khố chi trả; lập quyết toán chi tiền với cấp trên. Phòng Thuế trực thu có chức năng tổ chức thu thuế, phát hành thông báo nộp thuế, quản lý các sổ bộ thuế, lập bộ thuế hàng năm, hàng quí và hàng tháng.

Ngoài ra còn có 2 cơ quan thuộc ngành tài chính là Ty Ngân khố và Chi nhánh Quỹ tín dụng sản xuất với chức năng quản lý quỹ ngân sách. Từ năm 1952 đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1954, là thời kỳ tập trung thống nhất thu chi vào ngân sách Nhà nước do Bộ Tài chính trực tiếp quản lý. ở tỉnh Yên Bái thành lập 3 hệ thống mới gồm: hệ thống tài chính, hệ thống ngân hàng quốc gia và hệ thống mậu dịch quốc doanh. Riêng hệ thống tài chính bao gồm các tổ chức là Ty Tài chính và Chi cục Thuế công thương với nhiệm vụ chủ yếu là tổ chức các khoản thu cho ngân sách Nhà nước; nhận kinh phí của Trung ương để cấp lại cho các ngành, các đơn vị trong tỉnh và quyết toán chi tiêu với ngân sách Nhà nước (NSNN).

Lớn mạnh cùng đất nước, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ trọng trách Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó trong từng thời kỳ, ngành tài chính tỉnh Yên Bái đã làm tốt việc mở rộng phân cấp quản lý tài chính cho các cấp chính quyền cơ sở; thí điểm và mở rộng chế độ thu quốc doanh, chế độ phân phối lợi nhuận và 3 quỹ trong các xí nghiệp quốc doanh đóng trên địa bàn; thực hiện kịp thời và có hiệu quả chính sách thuế mới đối với thành phần kinh tế tập thể, cá thể, tăng cường các biện pháp quản lý tài chính như kiểm kê tài sản, quản lý sử dụng vốn, quản lý chế độ chi tiêu, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... Nhờ đó đã huy động nguồn lực đáng kể cho NSNN, đáp ứng cho công cuộc giải phóng đất nước, xây dựng và phát triển kinh tế. Ngành tài chính Yên Bái đã tích cực khai thác các nguồn thu tại chỗ, phân phối và sử dụng nguồn lực một cách có hiệu quả, tăng cường công tác giám sát việc sử dụng đồng vốn trong sản xuất và tiêu dùng.

Thực hiện chủ trương đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, dần dần xóa bỏ chế độ bao cấp, ngành tài chính Yên Bái đã chuyển đổi kịp thời, thích ứng với yêu cầu mới trong quản lý kinh tế. Năm 1991, chia tách tỉnh Hoàng Liên Sơn thành 2 tỉnh Yên Bái và Lào Cai. Cũng vào thời gian đó, hệ thống tài chính ở địa phương từ tỉnh đến huyện được chia tách thành các cơ quan độc lập đó là Tài chính, Thuế, Kho bạc. Tuy chức năng và nhiệm vụ có khác nhau song đều chung một mục đích, đó là tham mưu và giúp cho chính quyền địa phương quản lý và điều hành quỹ ngân sách, thực thi và ban hành các cơ chế, chính sách về quản lý tài chính, quản lý thuế, phí, tài sản và giá cả.

Trải qua gần 25 năm từ ngày thành lập lại tỉnh Yên Bái, với sự quan tâm của các cấp, các ngành, ngành tài chính Yên Bái đã có sự phát triển mạnh mẽ, đóng góp một phần quan trọng vào các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng của địa phương. Ngành luôn giữ vững được truyền thống đoàn kết, gắn bó, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Bộ Tài chính và tỉnh giao.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVI, kế hoạch phát triển kinh rế - xã hội năm 2006-2010, ngành đã tham mưu cho chính quyền địa phương ban hành các cơ chế tài chính thuộc thẩm quyền, phù hợp với điều kiện thực tế, tăng cường quản lý ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm và có hiệu quả hơn, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế chung của toàn tỉnh. Cụ thể: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt tương đối cao, bình quân 5 năm (2006 - 2010) đạt trên 12,31%, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVI đề ra; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực và đúng hướng; thu nhập bình quân đầu người đạt 10,8 triệu đồng; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 3.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 20 triệu USD; tổng vốn đầu tư phát triển 5 năm (2006 - 2010) là 17.361 tỷ đồng; bình quân mỗi năm tạo việc làm mới cho 17.000 lao động...

Tính đến hết năm 2009, trên địa bàn tỉnh đã có 17 khu công nghiệp với tổng diện tích đất quy hoạch là 1.236 ha, hầu hết đang trong giai đoạn đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Thu ngân sách năm sau cao hơn năm trước: Cả giai đoạn 2006-2010, đạt khoảng 2.101 tỷ đồng, bình quân tốc độ tăng trưởng 22%/năm, tăng 17,2% so dự toán Trung ương giao, tăng 4,7% so dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh và tăng gấp 2,7 lần giai đoạn 2001 - 2005. Tỷ trọng các khoản thu từ thuế và phí trong tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước trên địa bàn chiếm 77%, tăng 8% so với giai đoạn 2001 -  2005...

Trải qua chặng đường 65 năm xây dựng và phát triển, ngành tài chính Yên Bái đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao phó, đóng góp một phần quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của tỉnh nhà.

Trong thời kỳ đổi mới và nhất là trong 5 năm trở lại đây, có thể khẳng định, kết quả mà ngành tài chính Yên Bái đã đạt được là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu, thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Yên Bái giàu mạnh. Trước những thời cơ và thách thức mới, ngành tài chính Yên Bái đã xây dựng định hướng phát triển từ nay đến năm 2020 và trước mắt là giai đoạn 2010-2015 với các mục tiêu chủ yếu:

-Thu ngân sách trên địa bàn đến năm 2015 đạt 1.700 tỷ đồng trở lên, nâng tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách đạt trên 11%. Phấn đấu nguồn thu tại chỗ đảm bảo cân đối được 50% nhu cầu chi thường xuyên. Huy động tối đa mọi nguồn lực để duy trì tăng chi bình quân hàng năm trên 15% năm 2015 đạt trên 2.500 tỷ đồng. Trong đó, ưu tiên cho các lĩnh vực đầu tư, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ và vệ sinh môi trường.

-Tổng mức đầu tư xã hội giai đoạn 2010-2015 phấn đấu đạt 13.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách chiếm 48-50%.

Đây là các mục tiêu chiến lược đòi hỏi ngành phải tập trung cao độ vào các giải pháp:

Một là, cần tiếp tục nâng cao tính chủ động và khuyến khích khai thác triệt để các nguồn thu bằng cơ chế phân cấp theo hướng mở rộng nguồn thu và nhiệm vụ chi cho ngân sách các cấp chính quyền cơ sở. Đẩy nhanh tiến độ và chất lượng công tác quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành, vùng, hình thành thị trường quyền sử dụng nhà đất ở đô thị để giải phóng và phát huy các nguồn lực tại chỗ. Ban hành cơ chế tài chính địa phương tạo động lực cho các thành phần kinh tế hợp tác xã, tư nhân phát triển mạnh mẽ, tăng cường năng lực sản xuất và thị phần ổn định cho các doanh nghiệp thông qua hình thức cổ phần hóa, bán khoán kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu, trái phiếu, tham gia thị trường chứng khoán. Tiếp tục hoàn thiện chính sách khuyến khích và thu hút vốn đầu tư để tăng vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Hai là, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển phấn đấu nâng tỷ trọng lên 25-30% trong tổng chi ngân sách, ưu tiên đầu tư cho các lĩnh vực trọng điểm, phát triển du lịch, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, thực hiện chính sách với đồng bào các dân tộc đặc biệt khó khăn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa... Tiếp tục hoàn thiện định mức phân bổ ngân sách địa phương theo hướng giảm dần và xóa bỏ bao cấp của ngân sách. Triển khai việc thực hiện cơ chế khoán biên chế, khoán chi hành chính theo Quyết định 192 và cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp ở tất cả các cấp ngân sách để ngày càng nâng cao công tác xã hội hóa trong lĩnh vực hành chính văn xã.

Ba là, tăng cường kỷ luật tài chính, nâng cao chất lượng công tác kiểm soát chi trên tất cả các lĩnh vực, chú trọng từ khâu lập, thẩm định dự toán đến qui trình sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước. Nâng cao chất lượng của công tác kiểm tra, thanh tra tài chính, thuế, kho bạc. Củng cố và kiện toàn tổ chức bộ máy sao cho gọn nhẹ, tiêu chuẩn hóa cán bộ, xây dựng đội ngũ công chức ngành Tài chính đủ về số lượng, có chuyên môn nghiệp vụ cao, phẩm chất đạo đức tốt. Trang bị và hiện đại hóa quản lý tài chính, áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ thông tin để nâng cao năng lực quản lý...

Ngô Hạnh Phúc - Giám đốc Sở Tài chính Yên Bái

Các tin khác
Sản xuất vẫn tăng trong khi tiêu thụ sản phẩm công nghiệp gặp khó khăn so với cùng kỳ.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trong khi tồn kho vẫn ở mức cao do tiêu thụ khó khăn hơn cùng kỳ năm ngoái.

Tổ chức tài chính này được thành lập trên cơ sở quỹ TYM, được Hội LHPN Việt Nam thành lập từ năm 1992 theo phương pháp tiếp cận của Ngân hàng Grameen Ngày 25/8, tại Hà Nội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Văn Giàu đã trao Giấy phép thành lập và hoạt động cho tổ chức tài chính quy mô nhỏ trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên Tình Thương (TYM) trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam.

Ngày 25-8, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam ký quyết định số 2024/QĐ-NHNN duy trì lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam ở mức 8%/năm. Đây là tháng thứ 10 liên tiếp, lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam được NHNN công bố ổn định ở mức 8%/năm.

Ảnh minh họa

Theo số liệu công bố từ Tổng cục Thống kê, nhập siêu trong tháng 8 của nền kinh tế ước khoảng 900 triệu USD.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục