Huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển giao thông

  • Cập nhật: Thứ năm, 26/8/2010 | 3:10:44 PM

YBĐT - Dẫu chưa có nhiều tuyến đường tiêu chuẩn kỹ thuật cao, nhưng hôm nay, Yên Bái đã có một hệ thống hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Mở đường lên vùng cao.
Mở đường lên vùng cao.

Ai đã từng sống ở Yên Bái mới thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả của việc thiếu đường, thiếu hạ tầng giao thông từ tỉnh đến huyện, đến xã. Ngay cả trong thị xã Yên Bái (nay là thành phố Yên Bái) cũng chỉ có một vài tuyến phố được rải nhựa, còn thì chủ yếu là đường đất, đường cấp phối, trời nắng thì bụi mù, ngày mưa thì lầy lội, đi lại còn khó nói gì đến phát triển kinh tế – xã hội! Bà con nhân dân sản xuất ra hàng hóa cũng chỉ tiêu thụ tại chỗ là chính. Đối với hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải gần như biệt lập với các địa phương khác, bởi đường xá đi lại rất khó khăn.

 Từ trung tâm tỉnh đến huyện Mù Cang Chải dài chưa đầy 200 km, thế nhưng cán bộ huyện ra tỉnh họp phải đi từ tờ mờ sáng đến chiều tà mới đến nơi. Ấy vậy mà hôm nay, đường lên Trạm Tấu, Mù Cang Chải đã rải nhựa phẳng lỳ, các tuyến đường đi các huyện, thị khác thênh thang rộng mở; đường nội thị đã cơ bản nhựa hóa mặt đường và hành lang cống rãnh, điện chiếu sáng, cây xanh đều đã vào cấp.

Đường Nguyễn Thái Học dài gần 4 km với 2 làn xe chạy đã từng là niềm tự hào của người dân Yên Bái, thì nay lại có thêm đường Nguyễn Tất Thành dài 5,6 km, vốn đầu tư trên 429 tỷ đồng, với 4 làn xe chạy đạt tiêu chuẩn đường cấp II đô thị. Trên địa bàn đã có trên 375 km đường quốc lộ, 469 km đường tỉnh lộ, 137 km đường đô thị. Trước kia chỉ có duy nhất cầu Yên Bái nối liền hai bờ sông Hồng, thì nay đã xây dựng thêm cầu Văn Phú, cầu Mậu A và cả cầu Trái Hút vừa được hợp long, chỉ ít ngày nữa thôi sẽ thông cầu và đưa vào sử dụng, hoàn tất mạng lưới giao thông nối đôi bờ.

Giao thông phát triển là nền tảng thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, dẫu là một tỉnh nghèo nhưng Yên Bái đã dốc toàn tâm, toàn lực đồng thời kêu gọi thu hút đầu tư cho giao thông từ tỉnh đến xã. Căn cứ vào quy hoạch chiến lược phát triển giao thông của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải, tỉnh đã xây dựng quy hoạch chi tiết và chiến lược phát triển mạng lưới giao thông nội tỉnh, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội địa phương gắn với an ninh – quốc phòng.

Với phương châm đẩy mạnh thu hút vốn từ Trung ương, vốn các Bộ, ngành, vốn doanh nghiệp và huy động sự đóng góp từ nhân dân, bên cạnh làm tốt công tác quy hoạch hiện tại và chiến lược, ngành giao thông vận tải còn làm tốt công tác lập dự án, thuyết trình dự án và mục tiêu đầu tư rõ nét.

Khi đã có vốn triển khai theo đúng trình tự, quản lý nguồn vốn hiệu quả cũng như việc thường xuyên kiểm tra, giám sát xây dựng, chất lượng công trình, trong nhiều năm trở lại đây, mỗi năm có hàng chục công trình giao thông được triển khai với số vốn hàng trăm tỷ đồng nhưng Yên Bái chưa có sự sai sót kỹ thuật, thất thoát nguồn vốn gây hậu quả nghiêm trọng. Từ những yếu tố đó đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.

Không chỉ phát triển giao thông nội thị, đường huyện, mà giao thông nông thôn cũng được đặc biệt quan tâm. Đến nay, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm, toàn tỉnh có trên 5.500 km đường giao thông nông thôn được xây dựng theo tiêu chuẩn cấp VI, cấp A, B. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” (nhân dân đóng góp vật liệu tại chỗ và đóng góp ngày công làm nền đường, Nhà nước hỗ trợ vật tư kỹ thuật, máy thi công, làm mặt đường) trong phát triển giao thông nông thôn, nhiều xã đã cơ bản bê tông hóa đường liên thôn như: xã Mường Lai, Minh Xuân, Liễu Đô (Lục Yên), Nghĩa An, Nghĩa Phúc (thị xã Nghĩa Lộ). Chỉ tính riêng trong năm 2009 và 6 tháng đầu năm 2010, Yên Bái đã kêu gọi, thu hút đầu tư trên 1 ngàn tỷ đồng cho phát triển giao thông.

Không chỉ có vậy, Yên Bái còn làm tốt công tác quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông giai đoạn 2010 - 2020 và định hướng đến năm 2030. Những tuyến đường bê tông, đường nhựa đạt tiêu chuẩn ngày một nối dài và vươn đến hầu hết các xã trong tỉnh, góp phần quan trọng đẩy lùi đói nghèo, thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển.

Ngọc Trúc

Các tin khác

YBĐT - Những năm qua, xã Phúc Lộc (thành phố Yên Bái) đã có nhiều biện pháp khuyến khích nhân dân đẩy mạnh phát triển các ngành nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ, đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hoá góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

Thi công đóng cọc nhồi xử lý nền móng xây dựng nhà máy luyện thép Dung Quất.

Mặc dù Hiệp hội thép Việt Nam băn khoăn về năng lực chủ đầu tư nếu điều chỉnh quy mô dự án thép Dung Quất, song dự án này vẫn được Chính phủ cho phép nâng công suất từ 5 triệu tấn thép một năm lên 7 triệu tấn.

Sáng nay 26/8, giá vàng miếng trong nước đã đạt mốc kỳ vọng của một bộ phận nhà đầu tư: 2,9 triệu đồng/chỉ. Tuy nhiên, so với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng trong nước vẫn thấp hơn khoảng 40.000 đồng/chỉ.

Cầu Trái Hút sau ngày hợp long.

YBĐT - Với 290 km đường quốc lộ, 465 km đường tỉnh và 23 km đường nội thị, những năm qua, mặc dù nguồn vốn đầu tư cho giao thông còn nhiều hạn chế, song ngành giao thông vận tải (GTVT) Yên Bái không ngừng chú trọng tập trung huy động lực lượng thực hiện tốt công tác duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường, đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống, góp phần nối gần các địa phương, đẩy nhanh quá trình xóa đói giảm nghèo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục