Yên Bình: Đồi rừng mở hướng thoát nghèo
- Cập nhật: Thứ tư, 8/9/2010 | 9:32:48 AM
YBĐT - Phát huy lợi thế và khai thác tốt tiềm năng đất đai, trong những năm qua huyện Yên Bình (Yên Bái) đã đẩy mạnh việc phát triển trồng rừng gắn với quy hoạch phát triển các cơ sở chế biến sâu với công nghệ cao nhằm tạo ra sản phẩm hàng hoá có giá trị kinh tế cao.
Hàng chục năm gắn bó với rừng, sống và làm giàu từ rừng, gia đình bà Phạm Thị Liên ở thôn Suối Chép, xã Thịnh Hưng là một mô hình trang trại được mọi người biết đến với quy mô hàng chục ha.
Thực hiện chương trình giao đất, giao rừng, từ năm 2000 gia đình bà Liên được nhận hơn 10 ha đất để phát triển trồng rừng kinh tế. Do chủ động được cây giống nên hàng năm gia đình bà thường xuyên chặt tỉa và trồng xen canh, gối vụ, đến nay hơn 10 ha rừng keo từ 4 đến 6 năm tuổi được khép kín. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, cùng với phát triển kinh tế đồi rừng, gia đình bà Liên xây dựng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp VACR đào ao thả cá, chăn nuôi hàng trăm con gà thịt, gà chọi và chăn nuôi lợn… trung bình mỗi năm xuất bán được trên 2 tấn lợn thịt.
Từ trồng rừng và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm mỗi năm gia đình đã có thu nhập gần 100 triệu đồng.Chế biến gỗ rừng trồng đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Chế biến gỗ rừng trồng đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Song song với việc phát triển diện tích, huyện đã tập trung chỉ đạo trồng rừng gắn với quy hoạch phát triển các cơ sở chế biến nhằm tiêu thụ sản phẩm cho người trồng rừng và tạo ra sản phẩm hàng hoá có giá trị kinh tế cao. Huyện đã tạo điều kiện môi trường thuận lợi để khuyến khích các công ty, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, đẩy mạnh phát triển sản xuất.
Hiện nay, toàn huyện có khoảng trên 100 cơ sở chế biến gỗ vừa và nhỏ, với các các sản phẩm chủ yếu như: ván ép, gỗ bao bì… với sản lượng gỗ khai thác tiêu thụ hàng năm bình quân đạt trên 80.000 m3, giải quyết tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Trong những năm qua, huyện Yên Bình đã có những bước đi đúng hướng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xác định phát triển và mở rộng việc trồng rừng gắn với công nghiệp chế biến là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Đầu tư công nghệ chế biến sâu sản xuất ván ép xuất khẩu.
Để thực hiện được mục tiêu, kế hoạch trồng rừng hàng năm, huyện đã có những chủ trương, cơ chế chính sách đồng bộ để tạo điều kiện cho người dân cũng như các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, thực hiện tốt chính sách giao đất, giao rừng tới từng hộ dân, đặc biệt là các cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất cho người nông dân về vốn vay, cây giống, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT, tuyên truyền vận động nhân dân đẩy mạnh việc trồng rừng kinh tế theo hướng hàng hóa, trồng rừng thâm canh, đưa giống cây trồng mới năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng. Mỗi năm huyện Yên Bình trồng mới từ 2.200 đến 2.500 ha rừng.
Yên Bình hiện có tổng diện tích trồng rừng kinh tế khoảng 38.000 ha, hàng năm toàn huyện trồng mới khoảng từ 2.200 đến 2.500 ha rừng trở lên.
Huyện Yên Bình mỗi năm trồng mới từ 2.200 ha đến 2.500 ha rừng trở lên.
Chỉ tính riêng trong vụ xuân năm 2010, huyện Yên Bình đã trồng mới được trên 2.000 ha rừng các loại, tăng 114% so với cùng kỳ năm 2009, trong đó rừg trồng kinh tế, gần 1200 ha thuộc dự án 661. Các loại giống cây được đưa vào trồng chủ yếu là: keo Úc nhập nội, keo ta, bồ đề mô, mỡ, bồ đề và giống cây bản địa địa phương...
Nhờ thực hiện tốt khâu chăm sóc, tưới, chống hạn cho diện tích cây mới trồng, đến nay tỷ lệ cây sống đạt từ 95- 98%. Một số xã có diện trồng lớn như: Tân Hương 236 ha, Tân Nguyên trên 130 ha, Bạch Hà 140…
Cùng với trồng mới, huyện còn vận động các nhóm hộ nhận khoán, quản lý, bảo vệ tốt gần 5.200 ha rừng tự nhiên và rừng phòng hộ đầu nguồn; chăm sóc, bảo vệ tốt trên 3.650 ha rừng kinh tế; khai thác và tiêu thụ được gần 40 nghìn m3 gỗ rừng trồng, trên 2.550 tấn tre, vầu, nứa (tăng trên 90% so với cùng kỳ năm trước), đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng.
Với lợi thế và biết tận dụng khai thác tốt tiềm năng đất đai, cùng với những cơ chế chính sách hợp lý trong phát triển kinh tế đồi rừng sẽ giúp cho các công ty, doanh nghiệp và người trồng rừng mở ra hướng đi vươn lên xoá đói, giảm nghèo nhanh và bền vững.
Đức Toàn - Mạnh Cường
Các tin khác
YBĐT - Những năm gần đây, kinh tế của huyện Lục Yên (Yên Bái) tiếp tục được duy trì ổn định với tốc độ tăng trưởng khá cao, cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng của nhóm ngành nông - lâm, tăng dần tỷ trọng của hai nhóm ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ một cách tích cực và bền vững.
YBĐT - Trạm Tấu xây dựng mới 50 công trình thủy lợi / Văn Yên có 58 câu lạc bộ khuyến nông
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến cho phép Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tăng thêm 33% vốn điều lệ trong năm 2010.
19 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Công nghiệp tinh bột sắn Trung Quốc đã đến TP.HCM hôm 7.9 để đẩy mạnh thương mại mặt hàng sắn của Việt Nam.