Công nghiệp Yên Bái: Bức tranh nhiều mảng sáng
- Cập nhật: Thứ sáu, 17/9/2010 | 9:42:38 AM
YBĐT - Xác định lấy công nghiệp làm khâu đột phá tạo động lực để phát triển các ngành kinh tế, văn hóa - xã hội, dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2005 - 2010), Yên Bái đã đề ra nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
Tốc độ tăng trưởng công nghiệp của Yên Bái bình quân 5 năm đạt 17,24%.
|
Qua 5 năm, công nghiệp Yên Bái đã có nhiều khởi sắc, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 17,24%; giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 dự ước đạt 3.000 tỷ đồng. Công nghiệp đã đóng góp quan trọng để nền kinh tế Yên Bái giai đoạn 2006 - 2010 tiếp tục có sự chuyển biến nhanh, rõ nét và đúng hướng với tốc độ tăng trưởng bình quân cả nhiệm kỳ đạt 12,31%.
Với bao khó khăn, thách thức khách quan do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, giá cả vật tư leo thang, thiếu điện, thiên tai, bão lũ..., để đạt được những kết quả trên là sự phấn đấu nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền, các cấp, các ngành và các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Để đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Yên Bái đã triển khai đồng loạt nhiều giải pháp thúc đẩy công nghiệp phát triển. Cùng áp dụng thực hiện những chính sách ưu đãi hỗ trợ chung của cả nước, trong nhiệm kỳ, tỉnh đã bố trí cơ cấu vốn là 37,76% cho phát triển công nghiệp.
Tỉnh đã vận dụng ban hành chính sách thu hút đầu tư trên địa bàn với những cơ chế khuyến khích đầu tư thông thoáng hơn như: ưu đãi về đơn giá thuê đất, thuê mặt nước, hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng; hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng; cải cách thủ tục hành chính; hỗ trợ đào tạo nghề; tạo điều kiện vay vốn của các tổ chức tín dụng; thu hút, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật nhất là giao thông để phục vụ sản xuất v.v...
Các sản phẩm mũi nhọn trong sản xuất chế biến nông, lâm sản, chế biến bột đá, sản xuất xi măng đều tăng, trong đó xi măng đạt 1.200.000 tấn; gạch nung 200 triệu viên tăng 219,26%; cao lanh tinh lọc 30.000 tấn, tăng 138,52%; chè chế biến 22.000 tấn tăng 151,42%; tinh bột sắn 28.000 tấn tăng 173,27%; gỗ xẻ 40.000 m3, tăng 503,96%; fenspat bột 250.000 tấn, tăng 327,5%; điện thương phẩm 550.000 nghìn KWh tăng 138,89%; quặng sắt 300.000 tấn v.v...
Từ những cơ chế chính sách thông thoáng đã tạo đà và sự phấn khởi cho các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, hộ gia đình và cá nhân tham gia trực tiếp vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho các nhà đầu tư, tỉnh đã tiến hành quy hoạch, xây dựng 5 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích đất trên 2000 ha.
Nhờ vậy, các khu, cụm công nghiệp đã thu hút 53 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư 2.355 tỷ đồng. Những lĩnh vực thế mạnh, có tiềm năng, có sức cạnh tranh của tỉnh như: chế biến nông, lâm sản, khai thác chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng... được tập trung khuyến khích đầu tư đến sản phẩm cuối cùng.
Một thành công nữa phải kể đến trong phát triển công nghiệp là tỉnh Yên Bái đã quyết định đầu tư một số dự án sản xuất công nghiệp trọng điểm như 2 nhà máy xi măng công suất 1,26 triệu tấn/năm và nhiều dự án thủy điện như Nậm Đông 3 công suất 15,6 MW, Nậm Đông 4 công suất 6 MW, Hồ Bốn công suất 18MW... Việc hai nhà máy xi măng và một số thủy điện đi vào sản xuất tạo ra sản phẩm có hiệu quả đã chứng minh sự đúng hướng và hiệu quả trong phát triển công nghiệp của Yên Bái những năm qua.
Tất cả những yếu tố trên đã tạo ra cho Yên Bái một bức tranh công nghiệp với những mảng sáng rõ nét: tốc độ tăng trưởng bình quân tăng 17,24%; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm chiếm 34,11% cơ cấu kinh tế. Trong đó tỷ trọng công nghiệp tăng lên chiếm 62%, xây dựng giảm xuống còn 38%; cơ cấu thành phần có sự chuyển động theo hướng giảm tỷ trọng trong khu vực quốc doanh còn 41%; tỷ trọng chế biến trong công nghiệp tăng lên 80%, công nghiệp chế biến giảm còn 6%.
Hơn thế qua đầu tư thiết bị, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, đẩy mạnh phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất kỹ thuật mà các sản phẩm công nghiệp ngày càng có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước, thị trường tiêu thụ được mở rộng theo hướng ưu tiên cho xuất khẩu.
Mặc dù sản xuất công nghiệp 5 năm qua đã có bước phát triển nhưng với tiềm năng là địa phương có nhiều tài nguyên khoáng sản, có thế mạnh do có nhiều sản phẩm nông sản, lâm sản... nhưng khách quan đánh giá, công nghiệp Yên Bái phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Đặc biệt là công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản và nông sản, lâm sản phát triển còn chậm; trên địa bàn chưa có nhiều doanh nghiệp mạnh, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại để sản xuất ra sản phẩm cuối cùng, chất lượng cao, có thương hiệu, tạo nguồn thu đóng góp vào ngân sách cũng như giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động...
Để công nghiệp tiếp tục là khâu đột phá, là động lực kéo nền kinh tế của tỉnh phát triển đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân là 13,5% giai đoạn 2011 - 2015, thì mục tiêu của ngành công nghiệp Yên Bái giai đoạn 2011 - 2015 tăng trưởng phải đạt 17,1%, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 đạt 7400 tỷ đồng trở lên. Do đó những giải pháp đưa ra là cần thực hiện việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp theo hướng phát huy thế mạnh về vùng nguyên liệu, nguồn lao động và vận tải.
Là việc tiếp tục nâng cấp, mở rộng quy mô và hoàn thiện các khu công nghiệp phía Nam, Mông Sơn, Âu Lâu, Minh Quân , Bắc Văn Yên... để các khu công nghiệp này đạt tiêu chí quốc gia.
Bên cạnh đó, tỉnh cần tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp về vốn đầu tư thiết bị, công nghệ sản xuất tiên tiến, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Khuyến khích các doanh nghiệp chú trọng sản xuất thành phẩm, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm và hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Có cơ chế hỗ trợ để đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến sâu trong các lĩnh vực tỉnh có tiềm năng, lợi thế là chế biến nông, lâm sản; sản xuất vật liệu xây dựng; khai thác và chế biến khoáng sản; sản xuất và phân phối điện. Tiếp tục đầu tư mở rộng và xây dựng một số cơ sở sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh, ưu tiên phát triển sản phẩm mũi nhọn là xi măng, bột đá, bột giấy, ván sợi ép, gang thép... với quy mô vừa và lớn. Có chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực.
Phát triển một số ngành công nghiệp mới, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn như sản xuất thức ăn chăn nuôi, sơn công nghiệp, giấy bao bì, đồ gia dụng, cơ khí, lắp ráp điện tử, may, giày da...
Bên cạnh phát triển công nghiệp thế mạnh cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập nông thôn.
Nguyễn Đình
Các tin khác
Một quan chức Bộ Tài chính cho biết như trên khi trả lời về vấn đề báo chí phản ánh đang được nhiều bạn đọc quan tâm, đó là hướng xử lý 1.158 chiếc xe biển số ngoại giao mà người sử dụng đã hết nhiệm kỳ công tác nhưng vẫn chưa đăng ký hủy, tái xuất, chuyển nhượng.
Theo thống kê của Cơ quan Thú y vùng V (Cục Thú y), đến ngày 15-9 có 121.500 con lợn nhiễm bệnh tai xanh ở 202 xã, phường, 27 huyện, thị trấn thuộc năm tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng.
Ngày 16.9, Bộ Thương mại, Bộ NN-PTNT cùng Hiệp hội Lương thực VN (VFA) đã có cuộc họp thông báo tình hình xuất khẩu gạo và cân đối cung cầu nguồn lương thực trong nước.
YBĐT - Là đơn vị kinh doanh tiền tệ, song trong những năm qua, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh Yên Bái luôn bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để mở rộng đầu tư tăng trưởng tín dụng.