Yên Thành: Nỗ lực từng bước thoát khỏi xã vùng III
- Cập nhật: Thứ tư, 22/9/2010 | 2:57:25 PM
YBĐT - Bên cạnh đẩy mạnh phát triển chăn nuôi và trồng rừng, Đảng bộ xã tích cực chỉ đạo nhân dân mở rộng diện tích các loại cây màu có giá trị kinh tế cao như đậu, đỗ, lạc...
Cùng với đầu tư của Nhà nước và đóng góp của người dân xã Yên Thành, ngày càng có nhiều con đường liên thôn, bản được bê tông hóa, giúp việc đi lại bớt khó khăn.
|
Trở lại xã Yên Thành, huyện Yên Bình (Yên Bái) lần này, ấn tượng đầu tiên là con đường cấp phối cùng hệ thống ngầm tràn liên hợp đã hoàn thành, nối liền các thôn, bản, chấm dứt tình cảnh đi lại khó khăn. Điện lưới quốc gia đã về tới các thôn, bản; trụ sở UBND xã, các trường học đang được đầu tư xây dựng khang trang, đồng bộ. Là xã vùng III đặc biệt khó khăn của huyện, Yên Thành có 797 hộ, 4.477 nhân khẩu với 4 dân tộc chung sống, trong đó dân tộc Dao chiếm 94%. Những năm trước đây, cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn cùng sản xuất nông nghiệp lạc hậu, quẩn quanh làm ăn manh múm”. Các tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên chưa tỏ rõ vai trò lãnh đạo.
Làm gì để phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương và thoát ra khỏi tình trạng đói nghèo luôn là nỗi trăn trở của Đảng bộ, chính quyền địa phương nhiều năm qua. Vấn đề này đã được đưa ra bàn bạc, thảo luận trong các hội nghị chuyên đề của Đảng bộ, HĐND xã. Đặc biệt, ngay sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX của Bộ Chính trị “Đổi mới và nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn” đã khơi dậy vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của các chi bộ Đảng ở địa phương.
Đảng bộ xã xác định, phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt gắn liền với chăm lo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ; củng cố, kiện toàn tổ chức Đảng, bộ máy chính quyền, các đoàn thể với quan điểm chỉ đạo từng khối đoàn thể, từng chi bộ thôn bản, từng cán bộ và đảng viên phải sâu sát cơ sở, làm gương cho quần chúng. Hơn 100 đảng viên ở 14 chi bộ Đảng đã phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Bằng cách làm này, Đảng bộ xã đã tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Với 32,54 ha diện tích gieo cấy, trong đó gần 50% diện tích được chuyển thành 3 vụ/năm (theo công thức 2 lúa, 1 ngô) kết hợp với đưa 100% giống lúa lai, lúa thuần có năng suất cao vào gieo cấy ở các mùa vụ, bảo đảm tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 706,7 tấn, nâng mức lương thực bình quân đầu người đạt gần 200 kg/người/năm.
Nét nổi bật trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Yên Thành là địa phương đã định hình được vùng rừng sản xuất trên 350 ha với các loại giống cây mới có chu kỳ ngắn, năng suất cao như: keo Úc nhập nội, keo lai, bạch đàn mô... và hình thành các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa.
Hiện tại, xã có gần 30 mô hình chăn nuôi lợn, bò bán công nghiệp và nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà có thu nhập từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Điển hình như: gia đình chị Lý Thị Xanh (thôn 7), Lưu Thị Bình (thôn 2), Lý Thị Giang (thôn 3)...
Bên cạnh đẩy mạnh phát triển chăn nuôi và trồng rừng, Đảng bộ xã tích cực chỉ đạo nhân dân mở rộng diện tích các loại cây màu có giá trị kinh tế cao như đậu, đỗ, lạc... để có thêm thu nhập, hạn chế phá rừng làm nương rẫy, góp phần nâng tỷ lệ hộ khá và giàu lên 40%, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 20%.
Kinh tế ổn định chính là điều kiện thuận lợi để Yên Thành phát huy sức mạnh nội lực kết hợp các nguồn lực đầu tư của Nhà nước xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. 5 năm trở lại đây, thông qua Chương trình 134, 135, WB... cùng với đóng góp của nhân dân, xã đã dành trên 12 tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Hệ thống đường giao thông, ngầm tràn liên hợp, các trường học được xây dựng; điện lưới quốc gia đã về tới các thôn, bản, tạo đà cho Yên Thành từng bước ra khỏi xã thuộc Chương trình 135.
Những chuyển biến ở Yên Thành mới chỉ là bước đầu nhưng đó là dấu hiệu đáng mừng, khẳng định khả năng lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở đồng thời khẳng định những đổi mới trong cách nghĩ, cách làm và khả năng bắt nhịp nhanh nhạy với tư duy kinh tế thị trường của người dân trong xã.
Với kết quả mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Yên Thành đạt được trong những năm qua sẽ là tiền đề, là động lực để địa phương sớm hoàn thành các mục tiêu mà Đảng bộ xã đã đề ra, từng bước đổi mới bộ mặt nông thôn vùng cao.
Hồng Oanh
Các tin khác
Theo nhận định từ nay đến khi mùa mưa kết thúc ở miền Bắc, lượng mưa không còn nhiều nên dòng chảy các sông thiếu hụt từ 10-50%, khả năng thiếu nước và khô hạn mùa khô tới sẽ nghiêm trọng hơn.
Giá vàng thế giới chinh phục đỉnh cao mới đã kéo giá vàng miếng trong nước sáng 22.9 lên mức 3,023 triệu đồng/chỉ trong phiên giao dịch .
YBĐT - Tết Trung thu nữa lại về. Khi mà người lo mua bánh cho con, người lo mua đèn cho cháu thì tôi lại nhớ về một loại quả đặc trưng mang hương vị Trung thu của vùng đất Lục Yên, đó là quả hồng không hạt. >>>Hồng không hạt Bắc Kạn thành đặc sản
YBĐT - Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội tỉnh Đảng bộ Yên Bái lần thứ XVII đã đề ra 5 nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế nhằm bảo đảm tốc độ tăng trưởng bình quân 13,5% trở lên; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.