Mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp

  • Cập nhật: Thứ ba, 19/10/2010 | 2:33:17 PM

YBĐT - Là tỉnh có điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi, nhiệm kỳ qua Yên Bái đã có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách mạnh để khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, trang trại.

Nhờ có chính sách hỗ trợ mà Yên Bái đã phát triển được nhiều trang trại chăn nuôi lợn có quy mô từ 200 - 1.000 con.
Nhờ có chính sách hỗ trợ mà Yên Bái đã phát triển được nhiều trang trại chăn nuôi lợn có quy mô từ 200 - 1.000 con.

Các chính sách hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò cho hộ nghèo đã được tổ chức thực hiện tốt, từ đó hình thành nhiều mô hình chăn nuôi có hiệu quả. Tổng đàn gia súc chính tăng bình quân 4,33%/năm, đàn gia cầm tăng 5,34%/năm. Giá trị sản xuất chăn nuôi năm 2010 gấp 7,27 lần so với năm 2005, chiếm 25% giá trị ngành nông nghiệp là những minh chứng rõ nét nhất cho sự thành công của ngành chăn nuôi.

Chính sách tốt tạo đà phát triển

Chỉ trong vòng 5 năm, hàng loạt cơ chế, chính sách ưu đãi đã được triển khai cho ngành chăn nuôi, tập chung vào đàn gia súc chính. Đáng chú ý là các chính sách như: hỗ trợ chăn nuôi bò bán công nghiệp; chính sách hỗ trợ 30 triệu đồng cho các hộ chăn nuôi lợn với quy mô trên 100 con lợn thịt, 20 con đối với lợn nái sinh sản; hỗ trợ chăn nuôi gia cầm quy mô trên 1.000 con; chính sách hỗ trợ trâu, bò cho hộ nghèo… Trong đó, đầu tiên là chính sách hỗ trợ trâu, bò cho hộ nghèo. Đây là một chính sách đầy tính nhân văn và đem lại hiệu quả thiết thực. 

Dự án được triển khai trong năm 2005 - 2006, tổng vốn đầu tư 26,6 tỷ đồng (Nhà nước hỗ trợ 12,6 tỷ đồng) cho 4.000 hộ nghèo, đặc biệt khó khăn của 7/9 huyện, thị xã, thành phố. Người tham gia dự án được bình chọn từ thôn, bản, công khai, dân chủ, đúng đối tượng, được hỗ trợ 3 triệu đồng để mua bò, 50 nghìn đồng tiền phối giống, 100 nghìn đồng mua giống cỏ voi. Phần còn lại, nếu người dân không có vốn sẽ được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay với lãi suất thấp để mua bò cái giống.

Nhằm kiểm soát dịch bệnh, tăng nhanh số lượng đàn bò của tỉnh đến năm 2010 đạt 50.000 con, số bò thuộc dự án này không luân chuyển trong tỉnh mà đều mua từ địa phương khác như Nghệ An, Tuyên Quang, Phú Thọ... tỉnh đã cho phép một số cơ sở có đủ điều kiện cung ứng giống bò cái sinh sản cho nông dân. Từ tỉnh đến xã đều có ban quản lý dự án, tổ chức tín dụng cấp huyện thẩm định và thực hiện thủ tục vay vốn thuận lợi, nhanh gọn, tiến hành giải ngân trực tiếp khi các hộ nhận bò. Tại huyện Yên Bình, nơi triển khai khá hiệu quả Dự án hỗ trợ chăn nuôi bò cho các hộ nghèo đã thực hiện ở 10 xã với 220 con bò. Ngoài ra, dân đã mua thêm 1.046 con bò, nhằm tận dụng lợi thế đồng cỏ ở địa phương, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển đàn bò và xóa đói, giảm nghèo.
 
Hướng tới nền chăn nuôi hàng hóa

Sau hàng loạt những thành công của chính sách hỗ trợ ở quy mô nhỏ, nhằm thúc đẩy nội lực của người chăn nuôi và tạo ra một thị trường lớn cung cấp các sản phẩm chăn nuôi, tỉnh đã đưa ra nhiều chính sách mới khuyến khích doanh nghiệp, chủ trang trại lớn đầu tư chăn nuôi theo hướng hàng hoá. Năm 2007, chính sách hỗ trợ chăn nuôi bò theo phương pháp bán công nghiệp được triển khai tại 67 xã, với 287 hộ tham gia. Với chính sách "kích cầu", mỗi hộ nuôi từ 5 con trở lên sẽ được tỉnh hỗ trợ 1 triệu đồng/con, mỗi bò cái sinh sản được hỗ trợ làm chuồng trại 200 nghìn đồng/con... đã khuyến khích các hộ có điều kiện phát triển chăn nuôi tập trung, số lượng lớn, tiện cho công tác phòng, chống dịch bệnh và tiêu thụ sản phẩm.

Do có chính sách đúng, chỉ trong thời gian ngắn đã có 245 hộ có điều kiện nuôi từ 5 con trở lên, số bò mua từ ngoài tỉnh về đạt 1.436 con (vượt gần 90% mức kế hoạch đề ra) Đồng thời, một số đơn vị có điều kiện đã đăng ký triển khai dự án nuôi số lượng lớn được tỉnh chấp nhận và khuyến khích ưu tiên đất, vốn, nguồn nhân lực để phát triển các trang trại, kết hợp trồng cỏ ở vùng thấp. Tiếp sau đó, trong 3 năm từ 2008 đến 2010, tỉnh tiếp tục có chính sách hỗ trợ chăn nuôi lợn cho các hộ mới tham gia đầu tư quy mô lớn. Trong vòng 3 năm, sau những điều chỉnh kịp thời đã có 350 cơ sở tham gia.

Vẫn còn đó những khó khăn

Hiện nay tỷ trọng ngành chăn nuôi đã chiếm gần 25% so với giá trị toàn ngành nông nghiệp. Thực tế cho thấy đàn đại gia súc của tỉnh đã tăng cả về số lượng và chất lượng, khơi dậy ý chí vươn lên thoát khỏi đói nghèo của nhiều hộ dân, tạo bước đột phá trong nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, chăn nuôi là lĩnh vực chịu nhiều rủi do nhất trong ngành nông nghiệp. Môi trường chăn nuôi không sạch đã hạn chế rất nhiều đến sự phát triển chung. Dịch bệnh liên tiếp xảy ra khiến tài sản người dân trong chớp mắt trở về con số không tròn chĩnh, nợ ngân hàng nhiều năm không trả được.

Dịch cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra năm 2005 làm đàn gia cầm bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đến nay vẫn chưa thực sự phục hồi. Điều kiện khắc nghiệt ở vùng cao cùng với tập quán thả rông gia súc, chủ quan không dự trữ thức ăn trong mùa đông là rào cản lớn nhất trong phát triển đàn đại gia súc ở vùng cao. Đợt rét đậm kéo dài 41 ngày đầu năm 2008 đã làm trên 3.000 con trâu, bò bị chết. Đây là bài học, đắt giá nhất mà người dân ở vùng cao đã học được trong công tác phòng, chống rét cho gia súc. Bên cạnh việc đề ra những chính sách hỗ trợ hộ gia đình phát triển chăn nuôi thì với tiềm năng thế mạnh về thiên nhiên, về nguyên liệu, thức ăn... tỉnh Yên Bái cần tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ các tổ chức và cá nhân mạnh dạn đầu tư chăn nuôi quy mô lớn, tạo ra sản phẩm hàng hóa, có như vậy giá trị và tỷ trọng ngành chăn nuôi mới tiếp tục tăng lên.

Bên cạnh đó, việc nâng cao kiến thức, đưa tiến bộ kỹ thuật đến với người dân phải được quan tâm hơn nữa, đồng thời đảm bảo một môi trường không có dịch bệnh là một trong những điều kiện quan trọng để ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Anh Dũng

Các tin khác

Sau 3 phiên liên tiếp giảm nhẹ, sáng nay 19/10, giá vàng trong nước lại tiếp tục tăng lên trên mốc 3,33 triệu đồng/chỉ. Trong khi đó, giá USD trên thị trường tự do lên mức 20.000 VND.

YBĐT - Với chủ trương phát triển mạnh chăn nuôi, hướng tới sản xuất hàng hóa trong 9 tháng đầu năm 2010, trên địa bàn huyện Văn Yên đã có 12 cơ sở đăng ký chăn nuôi hàng hóa.

Ngày 18-10, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, một vài ngày gần đây, dịch tai xanh trên lợn đã có dấu hiệu chững lại, với nhiều tỉnh đang có dịch không có gia súc mắc bệnh sau 21 ngày.

Giá vàng SJC (mua vào-bán ra) tính đến 9h30 sáng 18/10 niêm yết ở mức 33,04-33,12 triệu đồng/lượng. Tại TP HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, giá vàng là 33,05-33,10 triệu đồng/lượng. So với phiên cuối tuần qua, giá vàng giảm 50.000 đồng/lượng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục