Sơn tra được giá, dân đua nhau trồng
- Cập nhật: Thứ ba, 26/10/2010 | 9:55:03 AM
YBĐT - Từ hai năm nay, giá sơn tra (hay còn gọi là quả táo mèo) tăng vọt trên thị trường, gấp 4-5 lần những năm trước, dao động từ 35 - 45 ngàn đồng/kg, sơn tra trở thành đặc sản rất được ưa chuộng vì có thể tận dụng hầu hết các phần của quả để ngâm rượu, làm xi rô, mứt, muối xổi, ô mai, làm dược liệu...
Quả Sơn Tra được dân thành thị ưa chuộng. (Ảnh: Mạnh Cường)
|
Giá trị mà sơn tra mang lại đã góp phần đáng kể giải quyết đói giáp hạt cho nhiều gia đình ở các xã: Nậm Có, Nậm Khắt, La Pán Tẩn, Kim Nọi... của huyện Mù Cang Chải. Nhận thức được đây là loại cây đang chiếm ưu thế trong các loại cây trồng ở vùng cao, nhân dân ở nhiều bản đã tích cực gây giống để trồng.
Lùng Cúng, Phình Ngài là một trong những bản đặc biệt khó khăn của xã vùng cao Nậm Có, nơi đây không được thiên nhiên ưu đãi: đất đai cằn cỗi, khí hậu lạnh giá, dân trí hạn chế nên đời sống của nhân dân gặp muôn vàn khó khăn. Nhưng chính nhờ những đặc thù về khí hậu, thổ nhưỡng đó đã được thiên nhiên ban tặng cho loài cây sơn tra.
Đây là một loại cây thân gỗ cứng, mọc tự nhiên trên các sườn đồi, hạt sơn tra phát tán nhờ động vật. Trước đây, khi quả sơn tra chưa có giá trị thì loài cây này chỉ mọc hoang dã, không những không được bảo vệ mà thậm chí còn bị người dân chặt phá để lấy đất trồng ngô, trồng màu.
Nhưng vài năm trở lại đây, quả sơn tra mang lại giá trị kinh tế cao, nhiều gia đình từ bán quả sơn tra cũng mua sắm được các tiện nghi để phục vụ sinh hoạt gia đình. Song vì là loài cây tự mọc nên không ai quản lý nên quả thường bị hái từ khi còn non chưa đạt tiêu chuẩn về chất lượng với giá bán rẻ, gây lãng phí không đáng có. Nếu được quản lý cho đến khi quả chín rồi mới thu hoạch, với giá bán trung bình như hiện nay là 18.000 - 20.000 đồng/ kg tại trung tâm xã Nậm Có thì cũng đã mang lại nguồn thu không nhỏ.
Người dân xã Nậm Có thu hoạch Sơn Tra.
Thấy rõ lợi ích từ cây sơn tra, năm qua, bản Lùng Cúng đã vận động nhân dân tích cực trồng được trên 50 ha. Ở bản có 86 hộ thì có 80 hộ trồng, trong đó trồng từ 1,5 đến 2,5 ha như: các hộ ông Chang Nhà Dê, Chang Tồng Chư, Chang Tráng Chu, Chang Trừ Nủ, Thào Sú Dua... Riêng gia đình anh Chang Sung Của - Trưởng bản trồng được trên 2,5 ha.
Anh Của cho biết: "Tuy phần lớn diện tích cây sơn tra đều nằm trên địa bàn của hai bản Lùng Cúng, Phình Ngài nhưng do nó tự mọc nên không quản lý nổi. Quả chưa kịp chín thì nhân dân ở nhiều nơi đổ về hái hết nên mình đã vận động bà con trong bản trồng lấy để sau này có nguồn thu”. Tuy hiện nay so với cây thảo quả thì giá thấp hơn, song cây sơn tra lại có những ưu điểm như: có thể trồng ngay xung quanh nhà, trong vườn, dễ chăm sóc, quản lý, vì vậy, đồng bào rất tin tưởng và hy vọng loại cây này có thể mang lại một cuộc sống mới cho chính mảnh đất vốn đói nghèo từ bao đời nay.
Cũng như ở bản Lùng Cúng, bản Phình Ngài bà con cũng trồng được gần 40 ha, cả bản 33 hộ đều trồng, trong đó nhiều hộ trồng từ 1,5 đến 2 ha như: hộ ông Lý Tồng Sai, Chang Tráng Chu, Lù Sú Dua, Chang A Dờ, Chang A Ninh... Ông Chang Là Giao - Trưởng bản Phình Ngài cho biết: "Hiện nay, bản đang tích cực vận động nhân dân năm tới sẽ tiếp tục trồng thêm, nâng diện tích của mỗi hộ lên trên 2 - 3 ha. Nhưng khó khăn hiện nay là giống, phần đa do dân lấy hạt tự ươm song do hạn chế về kỹ thuật nên tỉ lệ cây mọc thấp.
Để đảm bảo nguồn giống cho nhân dân, mình đang tích cực tìm hiểu cách làm để hướng dẫn bà con gây giống". Giờ đây, về bản thấy người dân ai ai cũng phấn khởi, tự hào vì quê hương mình có quả sơn tra. Anh Lù Dủ Sinh, người dân bản Phình Ngài nói: "Tôi rất vui vì bây giờ quả sơn tra đã có giá trị cao. Riêng năm nay trong vườn nhà tôi có hơn chục cây, tôi bảo quản được nên vừa rồi mới thu hoạch cũng bán được gần 15 triệu đồng. Số tiền đó với thành phố thì chưa là gì nhưng đối với nông thôn vùng cao thì rất có ý nghĩa. Tôi tính chỉ bán mỗi quả thôi cây vẫn còn đó mà còn được nhiều tiền hơn tôi bán con bò to nuôi gần 6 - 7 năm. Vì vậy, tôi đã vận động vợ con tích cực trồng, nay đã trồng được hơn 2 ha. Tôi rất muốn Nhà nước dạy cho chúng tôi cách ươm cây con để trồng nhiều nữa”.
"Tôi tính chỉ bán mỗi quả thôi cây vẫn còn đó mà còn được nhiều tiền hơn tôi bán con bò to nuôi gần 6 - 7 năm", anh Lù Dủ Sinh, người dân bản Phình Ngài nói.
Ở bản không chỉ nhà anh Sinh mà nhiều gia đình khác cũng đều có suy nghĩ như vậy, họ mong sao quả sơn tra không bị mất giá, để sau 5 - 7 năm nữa những đồi cây này cho ra quả thì chắc cũng phần nào bớt đi cái đói, cái nghèo. Hiện nay, trưởng bản và các tổ chức đoàn thể đang tích cực vận động bà con nhân dân cùng chung sức chuẩn bị phát đường băng cản lửa, tổ chức quy hoạch vùng chăn thả gia súc để bảo vệ những cây sơn tra đã trồng không bị cháy và không bị trâu, bò phá hoại, đảm bảo giữ vững diện tích trồng được hiện nay và có kế hoạch trồng mới trong năm tới để từng bước tăng thêm diện tích.
Để tiếp tục duy trì, phát triển và xây dựng sơn tra thành một trong những loại cây ăn quả chủ lực trên địa bàn, huyện Mù Cang Chải đã và đang tích cực đôn đốc, chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương thực hiện công tác rà soát diện tích, quy hoạch các vùng có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp cho cây phát triển đồng thời lập phương án xây dựng các cơ sở chế biến vừa và nhỏ kết hợp với việc tìm kiếm các đối tác bao tiêu sản phẩm.
Ông Ngô Thanh Giang, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải cho biết: "Cây sơn tra rất phù hợp với điều kiện của địa phương, cây cho quả sai có thể phát triển thành hàng hoá. Ngoài ra, cây còn có tác dụng phòng hộ đầu nguồn, phòng chống xói mòn và sạt lở. Do đó, huyện phấn đấu đến hết năm 2015, sẽ vận động và tổ chức cho bà con trồng từ 700 – 800 ha”.
Những hiệu quả từ cây sơn tra đem lại là khá rõ ràng, vì mỗi cây sơn tra sẽ cho thu hoạch từ 15 – 20 kg quả, theo tỷ lệ trồng xen giữa sơn tra và thông, 1 ha sẽ có khoảng 600 cây sơn tra. Trong quá trình trồng, tỷ lệ cây phát triển tốt ước đạt 400 – 450 cây; đến thời kỳ thụ phấn, số lượng kết trái tốt còn khoảng 300 cây. Như vậy 1 ha, người dân sẽ ước thu được 4,5 – 6 tấn quả, nếu tính giá trung bình của mùa vụ năm nay, giá sơn tra đạt 5.000 – 7.000 đ/kg thì đây thật sự là một nguồn thu vô cùng quan trọng giúp người dân vùng cao, xoá đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ngoài việc chỉ đạo trồng, các cấp chính quyền cơ sở đã tăng cường vận động bà con quản lý tốt diện tích cây sơn tra hiện có đồng thời không được thu hái quả quá sớm để đảm bảo năng suất và quá trình sinh trưởng phát triển của cây. Ngoài ra, Mù Cang Chải đã giao cho Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ huyện thống kê diện tích, xây dựng quy hoạch, ươm giống... phục vụ cho thời vụ gieo trồng năm 2011.
Ông Lê Văn Hùng, Trưởng BQL rừng phòng hộ huyện cho biết: “Mọi công tác chuẩn bị cho mùa vụ mới đã sẵn sàng. Hiện nay, chúng tôi đã đảm bảo việc cung ứng giống cho gieo trồng từ 200 – 250 ha sơn tra. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương chuẩn bị các điều kiện cần thiết giúp bà con gieo trồng đúng thời vụ là tháng 7, 8/2011”.
Lao Chải là một trong những địa phương có diện tích sơn tra lớn nhất huyện. Mùa vụ năm 2011, toàn xã sẽ trồng 35 ha. Mọi công tác chuẩn bị đã được chính quyền và người dân chuẩn bị đầy đủ, chỉ còn đợi đến thời vụ, nhận giống và gieo trồng. Đi thăm một số diện tích bà con các thôn Háng Giàng, Trống Khua, Hú Trù Lình chuẩn bị trồng sơn tra, điều dễ nhận thấy là người dân rất phấn khởi khi cây sơn tra được đưa vào trồng theo hướng phát triển hàng hoá.
Ông Lý A Vừ, Bí thư Đảng uỷ xã cho biết: “Đã từ lâu người dân Lao Chải đã ý thức được những lợi ích do cây sơn tra đem lại. Tuy nhiên, do trước đây phần lớn sơn tra là cây mọc tự nhiên nên việc quản lý, chăm sóc thu hái gặp nhiều khó khăn. Một số hộ vì tranh chấp quyền thu hái đã xảy ra cãi cọ, gây mất đoàn kết. Bây giờ huyện chủ trương phát triển cây sơn tra, bà con trong xã rất đồng tình ủng hộ. Chúng tôi mong muốn huyện tạo điều kiện cung ứng giống và hỗ trợ người dân kỹ thuật chăm sóc cây trồng, đảm bảo cây phát triển tốt và sản lượng quả thu hoạch cao”.
Diện tích sơn tra hiện nay tại Mù Cang Chải chủ yếu là mọc tự nhiên, chưa được chăm sóc theo các quy trình kỹ thuật nên chất lượng và sản lượng không đồng đều. Do đó, việc quy hoạch lại và đầu tư phát triển phát triển cây sơn tra thành sản phẩm hàng hoá là một hướng đi phù hợp đối với Mù Cang Chải.
Tuy nhiên, để tăng cường niềm tin của người dân vùng cao trong việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vấn đề đặt ra là, các ngành chức năng cũng như huyện Mù Cang Chải cần xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp, kết nối tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tránh trường hợp trồng đại trà, sản lượng thu hoạch nhiều nhưng giá trị lại thấp vì bị tư thương ép giá. Lâu dài hơn, Mù Cang Chải cũng nên tính toán xây dựng các cơ sở chế biến sơn tra vừa và nhỏ, để có thể chủ động bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Đức Thành - A Mua
Các tin khác
YBĐT - Thực hiện các chương trình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, từ đầu năm đến nay, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã triển khai hỗ trợ tổng kinh phí trên 5,8 tỷ đồng.
Giá vàng đã tăng 1% trong phiên giao dịch New York đêm qua (giờ Việt Nam). Đầu phiên châu Á sáng nay (26/10) vàng tiếp tục tăng ở mức 1.340,50 USD/ounce.
Mỗi phiên bán hàng Việt tại các huyện biên giới, miền núi vùng sâu, vùng xa từ 2-3 ngày (với khoảng 30 doanh nghiệp) sẽ được hỗ trợ chi phí tổ chức 100 triệu đồng (bao gồm chi phí điện nước, thuê mặt bằng, phục vụ, quảng cáo, công tác an ninh).
YBĐT - Mới đây, Chính phủ đã có quyết định cho Yên Bái mở rộng khu A thuộc khu Công nghiệp phía nam từ 137 ha lên 400 ha, đưa ba Khu công nghiệp phía nam, Minh Quân và Âu Lâu vào quy hoạch khu công nghiệp quốc gia.