Hiệu quả dự án 661 ở Yên Bái
- Cập nhật: Thứ tư, 10/11/2010 | 8:51:41 AM
YBĐT - Qua 5 năm triển khai việc trồng rừng theo Dự án 661, các địa phương trong tỉnh Yên Bái đã trồng được gần 70,6 ngàn ha.
|
Yên Bái là một trong 4 tỉnh của cả nước có độ che phủ rừng lớn với tỷ lệ đạt gần 60 %. Có được kết quả đó, ngoài sự nỗ lực bảo vệ vốn rừng tự nhiên của chính quyền và nhân dân các địa phương trong toàn tỉnh phải kể đến những kết quả ấn tượng trong công tác trồng rừng theo Dự án 661 trong suốt 5 năm qua. Năm nay, cũng như nhiều năm trước, chỉ qua 9 tháng đầu năm Yên Bái đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đề ra cho cả năm 2010.
Trước khi Dự án 661 được triển khai, 4 ha đất đồi của gia đình ông Nguyễn Văn Phần ở thôn Thanh Bình, xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình thường trồng gỗ tạp. Dẫn chúng tôi đi thăm quan một vòng quanh khu rừng hơn 1 năm tuổi nhưng đã cao quá đầu người trồng keo lai giống nhập từ nước ngoài, được ươm trồng đúng kỹ thuật nên xanh tốt bạt ngàn, ông Phần cho biết: "Năm 2009 trước khi bắt tay vào trồng rừng theo Dự án, cán bộ lâm nghiệp đã về tận nơi phổ biến nội dung, sau đó hướng dẫn từng bước để các hộ dân thực hiện".
Cùng với gia đình ông, hơn 50 hộ khác trong thôn cùng tham gia trồng rừng. Mỗi ha, các hộ gia đình được hỗ trợ 1,5 triệu đồng tiền giống và phân bón. Là xã có diện tích nhỏ nhưng Phú Thịnh hiện đã có 148 hộ tham gia trồng 134 ha rừng và số diện tích này vẫn tăng theo từng tháng trong mùa trồng rừng năm nay. Hiện nay, toàn huyện Yên Bình đã có 31 ngàn ha rừng, độ che phủ đạt 67%.
Kinh tế đồi rừng đang góp phần xóa đói nghèo ở nông thôn.
Ảnh: Rừng trồng ở xã Thịnh Hưng, Yên Bình.
(Ảnh: Thanh Phúc)
Qua 2 năm thực hiện trồng rừng theo Dự án 661, toàn huyện trồng được hơn 1.600 ha. Chưa khi nào bà con lại hào hứng với việc trồng rừng đến thế. Tham gia trồng rừng, bà con được hỗ trợ 1,5 triệu đồng một héc ta để giống cây và vật tư phân bón. Đặc biệt, vấn đề tuyên truyền, phổ biến về kỹ thuật được chú trọng, giúp bà con hiểu rõ những nội dung của Dự án cũng như thay đổi phương thức canh tác. Qua đó phát triển rừng theo hướng tập trung, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó trưởng ban Quản lý Dự án 661 huyện Yên Bình cho biết, công tác kiểm tra việc trồng rừng được các lực lượng kiểm tra rất chặt chẽ, kịp thời phát hiện các trường hợp đăng ký mà không thực hiện, một số hộ dùng phân bón không đúng mục đích. Tuy nhiên những sai phạm là rất ít, việc trồng rừng được đa số các hộ dân thực hiện với một tinh thần hăng say. Được biết, tổng diện tích rừng toàn tỉnh Yên Bái hiện nay khoảng hơn 404 ngàn ha, trong đó diện tích rừng trồng đạt gần 173 ngàn ha, độ che phủ đạt 60%.
Qua 5 năm triển khai việc trồng rừng theo Dự án 661, các địa phương trong tỉnh đã trồng được gần 70,6 ngàn ha. Riêng 10 tháng đầu năm Yên Bái trồng mới được hơn 14 ngàn ha, vượt chỉ tiêu đề ra. Từ nay đến cuối năm, phấn đấu trồng thêm khoảng hơn 1.000ha. Hầu hết số rừng trồng đều phát triển tốt, số diện tích cây bị chết và sâu bệnh rất ít. Có được kết quả này, ngoài sự quan tâm sát sao của chính quyền các địa phương và ngành nông lâm nghiệp, công tác trồng rừng của Yên Bái còn nhận được sự ủng hộ lớn từ nhân dân. Từ chỗ chặt phá rừng, bà con đã biết giữ rừng và đẩy mạnh trồng rừng, không để đất nghỉ. Tuy nhiên, việc trồng rừng theo Dự án 661 tại Yên Bái trong thời gian qua cũng gặp một số khó khăn.
Tại nhiều địa phương, công tác giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp chưa đồng bộ với việc giao rừng cho các chủ sử dụng. Chính sách hưởng lợi từ rừng chưa được thực hiện kịp thời nên tại nhiều huyện vùng cao chưa huy động được tối đa sự vào cuộc của toàn xã hội vào công tác bảo vệ và trồng rừng. Đặc biệt vốn đầu tư cho 1 ha rừng tại nhiều địa phương chỉ được 1,5 triệu là khá thấp, chưa tạo được sức hấp dẫn đối với người trồng rừng.
Các hình thức hỗ trợ gạo cho người trồng rừng ở các huyện nghèo chưa được thực hiện hiệu quả. Yếu tố thiên tai cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình trồng rừng. Chỉ tính trong đợt rét hại cuối năm 2007 và đầu năm 2008 đã có hơn 1.800 ha không thể phát triển thành rừng do rét đậm, rét hại kéo dài. Những khó khăn đó sẽ được chính quyền và nhân dân Yên Bái nỗ lực khắc phục, nhằm đưa dự án trồng rừng đạt được những hiệu quả cao nhất.
Ông Kiều Tư Giang, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển lâm nghiệp Yên Bái cho biết, hết năm nay chương trình trồng rừng theo Dự án 661 sẽ kết thúc nhưng Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đề ra là mỗi năm vẫn phải trồng mới từ 6.000 - 7.000 ha. Đây là một mục tiêu cần có nhiều nỗ lực mới có thể thực hiện được, đặc biệt là các diện tích rừng phòng hộ. Ông Giang khẳng định: "Nếu không có các nguồn lực của Trung ương thì một mình ngân sách địa phương không thể đảm đương được. Do vậy cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan xem xét có các chính sách tiếp tục đầu tư trồng rừng phòng hộ trên các quỹ đất quy hoạch đối với các tỉnh miền núi nói chung và Yên Bái nói riêng”.
Đinh Tuấn
Các tin khác
YBĐT - Triển khai Chương trình 135 giai đoạn II về thực hiện hợp phần Hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ nghèo, vừa qua, Công ty TNHH Hải Sơn đã chuyển giao cho xã Nghĩa Lợi (thị xã Nghĩa Lộ) 21 máy nông nghiệp gồm 2 máy tuốt, 14 máy cày bừa, 5 máy động cơ phun thuốc trừ sâu, trị giá hơn 287 triệu đồng.
Trước sự biến động mạnh của thị trường vàng, ngoại tệ, chiều ngày 9-11, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu đã chia sẻ quan điểm của mình với báo chí.
YBĐT - Do địa hình đồi núi dốc, các thôn, bản phân bố không tập trung, thời tiết khí hậu khô hanh ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là mùa mưa bão. Mặt khác, xã Xà Hồ (Trạm Tấu) chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống, trình độ dân trí còn thấp, tập quán canh tác lạc hậu đã ảnh hưởng không nhỏ trong việc phát triển kinh tế xây dựng cuộc sống mới của đồng bào.
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Nhằm bình ổn thị trường, NHNN sẽ cho phép nhập khẩu vàng với khối lượng phù hợp. Giá vàng từ mốc trên 3,8 triệu đồng/chỉ đã sụt giảm nhanh chóng.